Với hai thập kỷ ở Afghanistan, đây là cuộc chiến dài nhất Mỹ từng tham gia. Trước khi chính thức rút đi, quốc gia này đã tổn thất gần 2.500 sinh mạng, đổ 2.000 tỉ USD vào Afghanistan nhưng tình hình lại trở về điểm xuất phát.
Người dân Afghanistan không kip chuẩn bị nhiều hành lý, đổ ra đường bắt taxi để rút khỏi thành phố Kabul ngày 15-8 – Ảnh: AFP
Sai lầm của Lầu Năm Góc
Hãng tin AFP ngày 16-8 chỉ ra Washington đã tiêu 83 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội Afghanistan theo kiểu Mỹ.
Nghĩa là đội quân này phụ thuộc rất lớn vào sự yểm trợ của không quân và mạng lưới thông tin liên lạc công nghệ cao, bất chấp thực tế là chỉ có 30% dân số nước này có nguồn điện ổn định.
Mỹ không tiếc tiền trang bị cho quân đội Afghanistan máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái, xe bọc thép, kính quan sát trong đêm…
Nhưng các quân nhân Afghanistan, chủ yếu là những thanh niên mù chữ – đã không thể sử dụng chúng để chống lại một kẻ thù được trang bị kém hơn và có thể đông hơn.
Sĩ khí quân đội cũng rệu rã khi họ không được quân đội Afghanistan trả lương từ tháng 4-2021. Đó là khi Mỹ dứt khoát với mục tiêu rút khỏi Kabul, bỏ lại trách nhiệm trả lương đội quân này cho chính phủ sở tại. Tệ hơn, nhiều người cũng không còn được hỗ trợ thực phẩm, chưa nói đến vũ khí.
Với một số nhà quan sát, hình ảnh nước Mỹ trên toàn cầu sẽ bị suy yếu sau sự việc này.
Ông Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, bình luận: “Uy tín của Mỹ với tư cách là đồng minh bị suy giảm do cách Chính phủ Afghanistan bị bỏ rơi từ cuộc đàm phán Doha năm 2020”. Đó là cuộc đàm phán Mỹ đặt ra thời hạn cho việc rút quân khỏi Afghanistan.
Trước việc chính quyền Kabul sụp đổ nhanh chóng, giờ đây, quân đội và các nhà hoạch định chính sách của Washington sẽ phải suy ngẫm tại sao những nỗ lực trong suốt gần 2 thập niên của họ lại công cốc.
Tương lai của người dân
Theo AFP, hàng ngàn người đã tìm cách tháo chạy khỏi Kabul trong ngày 16-8 do lo sợ chính sách quản trị cứng rắn của Taliban. Đám đông đổ về sân bay Kabul gây nên cảnh hỗn loạn chưa từng có.
Người dân Afghanistan leo tường để vào sân bay Kabul ngày 16-8 – Ảnh: REUTERS
Hàng trăm người Afghanistan, trong đó có cả các bộ trưởng, nhân viên chính phủ và những thường dân khác, với nhiều phụ nữ và trẻ em, chen chúc trong sảnh chờ, tuyệt vọng chờ đợi các chuyến bay.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế để bảo vệ sinh mạng người dân, yêu cầu bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.
Dưới chế độ hà khắc của Taliban từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi làm, trẻ em gái không được đi học, phụ nữ phải che mặt và phải có một người đàn ông đi kèm khi muốn ra khỏi nhà.
Mỹ và 65 quốc gia khác đã phát đi thông điệp kêu gọi Taliban để cho người Afghanistan được rời đất nước an toàn và cảnh báo lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ đàn áp thường dân.
Cảnh hỗn loạn bên trong sân bay Kabul ngày 16-8 – Ảnh: REUTERS
Taliban muốn chính danh
Sau khi tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, ông Mohammad Naeem, khẳng định lực lượng này không muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera, ông Naeem cho biết Taliban đã có một số kênh liên lạc với các quốc gia bên ngoài và mong muốn phát triển những kênh này.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ đề nghị tất cả các quốc gia và thực thể ngồi lại để giải quyết vấn đề” thông qua đối thoại.
Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các cường quốc không công nhận Taliban là lực lượng chính thống đại diện cho chính quyền Afghanistan.
“Chúng tôi không muốn bất kỳ bên nào công nhận Taliban cho đến khi có một quan điểm thống nhất giữa tất cả những bên cùng chí hướng”, ông Boris Johnson nói.