Friday, 22nd November, 2024 21:43

Giá khí tự nhiên ở châu Âu đã cao hơn 700% so với đầu năm ngoái và trong khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 50 năm thì doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt vẫn tiếp tục chảy vào “túi” Nga.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 50 năm

Mọi kế hoạch quân sự đều phải thay đổi linh hoạt. Nhà lý thuyết quân sự nổi tiếng Carl von Clausewitz thường giải thích rằng chiến lược phải linh hoạt, luôn luôn thay đổi và phải được làm mới. Ông cũng từng viết, một số vị tướng “chỉ cân nhắc đến những hành động đơn phương trong khi cuộc chiến bao gồm sự tương tác liên tục giữa các bên”. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, các nước này cần rút ra bài học trong việc đối phó với Nga và điều chỉnh chiến lược của mình – vốn có nguy cơ đối mặt với thất bại cay đắng.

Cốt lõi trong chiến lược của phương Tây bao gồm 2 kế hoạch: Đó là cung cấp cho Ukraine vũ khí, huấn luyện quân đội, tài chính và thứ hai là áp lệnh trừng phạt nặng nề lên Nga. Theo nhà phân tích Fareed Zakaria nhận định trên Washington Post, ý tưởng cơ bản của kế hoạch này vẫn hợp lý nhưng sự cân bằng cần thay đổi.

Rõ ràng, cuộc chiến kinh tế của phương Tây nhằm chống lại Nga không hiệu quả như nhiều người kỳ vọng. Tổng thống Nga Vlaidmir Putin không quan tâm nhiều đến những lệnh trừng phạt của phương Tây so với những gì họ làm với nước Nga. Với giá năng lượng tăng cao, Bloomberg cho biết chính phủ Nga đã thu về khoản doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt lớn hơn đáng kể so với trước chiến tranh, khoảng 285 tỷ USD năm nay so với 236 tỷ USD năm 2021.

Trong khi đó, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong 50 năm.

BÀI HỌC CAY ĐẮNG CỦA PHƯƠNG TÂY KHI ÁP LỆNH TRỪNG PHẠT NẶNG NỀ LÊN NGA

Ảnh minh họa: Reuters

Theo ông Fareed Zakaria, vấn đề cơ bản ở đây là cuộc chiến kinh tế với Nga không hiệu quả bởi nó gần như miễn trừ với lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, kinh tế Nga về cơ bản là một nền kinh tế dựa vào năng lượng. Chỉ riêng doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đã chiếm gần một nửa ngân sách của chính phủ Nga nhưng phương Tây không thể áp dụng giải pháp ngừng mua năng lượng Nga ngay lập tức và đồng thời bởi hầu như có rất ít nguồn cung trên thị trường thế giới và động thái trên sẽ chỉ ngày càng đẩy giá năng lượng cao hơn.

Phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga trong 2 thập kỷ qua, châu Âu không thể nhanh chóng thay đổi thực tế đó mà không rơi vào suy thoái sâu và kéo dài.

Điều đó có thể thấy trước những gì đang diễn ra ở châu lục này khi giá khí tự nhiên hiện cao hơn 700% so với đầu năm ngoái. Ngày 11/7, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 chảy qua Đức vận chuyển hầu hết khí đốt từ Nga dự kiến sẽ tạm dừng hoạt động để bảo trì. Phương Tây lo ngại Nga sẽ quyết định trừng phạt Đức bằng cách không mở lại đường ống này.

Nếu điều đó xảy ra, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Một số nhà quan sát cho rằng, chiến lược của Nga là khiến phương Tây phải trả giá và kéo dài thời gian để khiến liên minh này chia rẽ khi những tổn thất kinh tế của từng nước lớn dần.

Hà Lan có một mỏ khí tự nhiên lớn nhưng việc sản xuất đang giảm dần. Đức vẫn chưa đảo ngược việc loại bỏ từng giai đoạn năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden gặp khó khăn ngày càng lớn trong việc đầu tư dài hạn về khí tự nhiên và dầu mỏ. Mỹ cũng không thể tìm ra giải pháp để nối lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran – một động thái sẽ mang đến lượng lớn nguồn cung dầu mỏ cho thị trường thế giới và gần như chắc chắn sẽ giúp ổn định giá năng lượng.

Thời gian không đứng về phía phương Tây

BÀI HỌC CAY ĐẮNG CỦA PHƯƠNG TÂY KHI ÁP LỆNH TRỪNG PHẠT NẶNG NỀ LÊN NGA

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ẢNH: REUTERS)

Trong khi cuộc chiến kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga không thực sự hiệu quả, nhà quan sát Fareed Zakaria cho rằng điểm yếu của Nga nằm ở mặt trận quân sự. Ông cho rằng Nga đã mở rộng kiểm soát ở khu vực Donbass nhưng cũng phải trả giá đắt khi những tổn thất về lực lượng và nguồn cung hậu cần đang đuối dần. Ngoài ra, nhà quan sát này nhận định, Nga đang đối mặt với tổn thất lớn về vũ khí khó có thể bù đắp, đặc biệt khi chúng cần những công nghệ hiện đại với hầu hết các thành phần được sử dụng nhập khẩu từ phương Tây.

Theo ông Fareed Zakaria, các nhà lãnh đạo phương Tây nên thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt kinh tế không hiệu quả và trên thực tế, chúng đang gây ra tổn thất cho phương Tây thậm chí còn nhiều hơn Nga. Nhà quan sát này cho rằng phương Tây nên tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine để chấm dứt dỡ bỏ phong tỏa Odessa. Ông đánh giá, việc này sẽ là một thắng lợi kinh tế lớn cho Ukraine và là một thất bại mang tính biểu tượng với Nga.

Tuy nhiên, trước những tuyên bố của phương Tây về ý định đánh bại Nga trên chiến trường, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, “hãy để họ thử”.

Tổng thống Putin nhấn mạnh ngày 7/7 rằng: “Hôm nay chúng ta nghe nói rằng, họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Vậy có thể nói gì? Hãy để họ thử. Chúng ta đã nghe nói rất nhiều rằng, phương Tây muốn chiến đấu với chúng ta đến người Ukraine cuối cùng. Đây là một bi kịch đối với người dân Ukraine, nhưng có vẻ như mọi thứ đều đang hướng tới điều này”. Tổng thống Putin cũng cảnh báo Ukraine nên ngồi vào bàn đàm phán nếu không sẽ phải hứng chịu những điều tồi tệ hơn và tuyên bố, Nga mới chỉ bắt đầu ra tay.

Mùa đông đang đến. Những ngôi nhà ở châu Âu có lẽ không có đủ khí đốt. Quân đội Ukraine ngày càng đối mặt với khó khăn trước cuộc tiến công của Nga. Thời gian đang không đứng về phía phương Tây.

 

NGUỒN: VOV