Để trừng phạt việc Nga tấn công Ukraine, các nước phương Tây đã ngừng mua các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga. Điều này được cho là sẽ giáng một đòn trừng phạt mạnh vào nền kinh tế Nga và làm suy yếu nước Nga. Tuy nhiên, trái ngược với dự kiến của các nước phương Tây, những chính sách của họ đối với Nga lại đang đưa các nước này đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, thiếu nhiên liệu trầm trọng, chi phí năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương của Vương quốc Anh đã dự báo rằng nền kinh tế của nước này sẽ teo lại trong ba tháng cuối năm và tiếp tục như vậy cho đến cuối năm 2023. Trong giai đoạn này, lạm phát ở Anh có thể sẽ đạt mức 13%, mức cao nhất trong 42 năm qua, và thậm chí còn cao hơn. Đây sẽ là cuộc suy thoái kéo dài nhất của nước Anh nếu tính từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Để ứng phó, Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 1,25% lên 1,75% để kiềm chế lạm phát. Đây là lần tăng lãi suất cơ bản cao nhất trong 27 năm qua ở Anh.
Đáng chú ý, Anh không phải nước duy nhất đang điêu đứng. Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã công bố vài đợt tăng lãi suất lớn trong mấy tháng qua. Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất ¾ điểm phần trăm trong tháng Sáu và thêm lần nữa trong tháng Bảy, lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm, trong khi Brazil, Canada, Ấn Độ, Úc, và Thụy Sĩ cũng làm điều tương tự. Bên cạnh đó, các nước phương Tây cũng đang phải trải qua thời kỳ “đứng ngồi không yên” vì khủng hoảng khí đốt, với dự báo lượng khí đốt và dầu thô cho việc sưởi ấm trong các căn hộ, công sở… sẽ thiếu trầm trọng và giá khí đốt sẽ neo cao chưa từng có trong lịch sử.
Như vậy, các đòn trừng phạt của khối các nước thân Mỹ đang làm suy yếu chính họ. Người dân trên khắp thế giới, dù ở Mỹ, Châu Âu hay Việt Nam, sẽ đều phải gánh chịu hậu quả kinh tế từ cuộc chiến.
Trái lại với thực tế nêu trên, từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, truyền thông chống phá Nhà nước Việt Nam tự gắn mác “phong trào dân chủ Việt Nam” đã liên tục tuyên truyền rằng biến cố này là một cơ hội vàng của các nước thân Mỹ, mà họ gọi là “khối tự do”. Một mặt, sự đoàn kết trong bao vây, cấm vận Nga giúp “khối tự do” thoát khỏi rã đám và bệ rạc sau chiến tranh Iraq. Mặt khác, nó vắt kiệt sức lực của Nga và Trung Quốc, tức hai cường quốc có khuynh hướng độc đảng, từ đó khiến mô hình đa đảng của Mỹ giành chiến thắng chung cuộc trên toàn cầu. Họ tin rằng sau những chuyển biến đó, chế độ hiện tại ở Việt Nam sẽ sụp đổ, và nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ, họ sẽ dễ dàng về nước nắm quyền. Chính vì những suy nghĩ này, mà trong suốt nhiều tháng qua, các trang tin chống phá Nhà nước đã liên tục tổ chức các hội thảo online để hướng dẫn nhau tận dụng “cơ hội” mà xung đột quân sự mang lại.
Nhưng trái ngược với mong muốn, hoạch định, kế hoạch ảo tưởng của họ, hàng loạt tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế đồng loạt đưa ra nhận định sáng sủa về triển vọng phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch của Việt Nam. Công bố ngày 8/8 tại Hà Nội, tổ chức tài chính có ảnh hưởng hàng đầu thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%. Không phải tự dưng mà báo chí phương Tây công bố nhiều đánh giá, Việt Nam là điểm sáng kinh tế của khu vực năng động nhất toàn cầu.
Với những gì mà phương Tây đang phải hứng chịu thời gian qua và với thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đang đạt được cho đến thời điểm này, có thể khẳng định đường lối đối ngoại, điều hành kinh tế, xã hội của Đảng và Chính phủ ta trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt, tạo niềm tin cho các tầng lớp Nhân dân và uy tín với các nước trên Thế giới.
NGUỒN: HỒNG HOÀI