Theo tờ Business Insider, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều công ty công nghệ thông báo kế hoạch sa thải hàng loạt.
Số lượng nhân viên bị cắt giảm theo kế hoạch ở Meta là 11.000; ở Twitter là 3.700; ở Stripe là 1.100, ở Microsoft là 1.000; ở Lyft là 700; ở Netflix là 450… Theo các chuyên gia trong ngành, đây có thể chỉ là khởi đầu. Trong những tuần tới, hàng nghìn người lao động trong ngành công nghệ có thể sẽ mất việc.
Khi các công ty công nghệ lớn báo cáo thu nhập kém trong vài tuần qua, họ cũng đưa ra những dấu hiệu cảnh báo về những tháng sắp tới. Các công ty cho biết mối đe dọa tiềm tàng của một cuộc suy thoái đang khiến khách hàng phải cắt giảm chi tiêu và có rất ít dấu hiệu cho thấy chi tiêu sẽ phục hồi trong tương lai.
Ông Dan Wang, Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, cho rằng điều đó có nghĩa là trong những tuần và tháng tới, những công ty này sẽ tìm cách cắt giảm chi phí ở những bộ phận có thể.
Ông Wang nói: “Khi họ cắt giảm chi phí, điều đầu tiên phải cắt thường là chi phí lao động và cả quảng cáo, tiếp thị. Vì vậy, dự báo các con số sa thải sẽ phụ thuộc vào xu hướng chi tiêu quảng cáo trên nền tảng của mình. Khi điều đó có vẻ không ổn, họ phải điều chỉnh lực lượng lao động”.
Các công ty công nghệ đã qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19. Những gì đang xảy ra bây giờ là một quá trình điều chỉnh. Thế giới công nghệ phải thay đổi khi mà bây giờ mọi người không còn buộc phải ở nhà để phòng chống COVID-19, có nghĩa là không còn dán mắt vào thiết bị điện tử.
Mặc dù trong nhiều trường hợp, động thái sa thải đã bắt đầu từ đầu năm nay cả ở các công ty khởi nghiệp và các công ty công nghệ lớn, nhưng đôi khi, số lượng cắt giảm vẫn chưa đủ.
Ông Matt Murphy, đối tác của công ty Menlo Ventures đã nhận định: “Việc này luôn xảy ra theo những chu kỳ như thế, tức là đôi khi các công ty không sa thải nhiều nhân viên mà thay vào đó là tuyển dụng ít đi, hy vọng rằng tình hình có thể tự điều chỉnh. Sau quý 3 khó khăn hơn nhiều so với quý 2, rõ ràng là có nhiều khó khăn và các công ty khởi nghiệp nhận ra rằng họ không thể phát triển nhờ đội ngũ nhân viên hiện tại và thực sự phải sa thải nhân sự”.
Đối với một số công ty, những thách thức kinh tế này đang xảy ra cùng thời điểm họ đang lên kế hoạch cho năm tài chính tiếp theo.
Amazon, Meta và Google có các năm tài chính kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Họ có thể đang tìm cách giảm bớt chi phí ngay bây giờ, trước khi các năm tài chính kết thúc.
Ví dụ, nếu một nhân viên bị cho nghỉ việc ngay bây giờ và được hưởng trợ cấp nghỉ việc của sáu tuần, điều đó sẽ làm giảm chi phí cho quý đầu tiên năm sau. Ngay cả khi người lao động được hưởng tiền thôi việc lâu hơn, chẳng hạn như ba tháng, thì tiền lương của họ sẽ không được ghi trên sổ sách trước khi kết thúc quý đầu tiên năm sau.
Ông J.P. Gownder, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích chính tại Forrester, cho biết còn một yếu tố nữa khiến các công ty công nghệ đồng loạt sa thải vào thời điểm này. Đó là vì một số công ty có thể đang hành động theo người dẫn đầu, tức là họ đánh giá điều kiện kinh tế một phần dựa trên tình hình các công ty khác. Theo ông Gownder, có một chút tư duy theo nhóm ở Thung lũng Silicon
Ông Gownder nói: “Đó là điều không may mắn bởi vì nó có nghĩa là một số người sẽ mất việc làm trước kỳ nghỉ lễ và trước thềm năm mới.
Khi Lễ Tạ ơn sắp đến gần, hai tuần tới là rất quan trọng. Đó là bởi vì các công ty có thể không muốn cắt giảm việc làm trong kỳ nghỉ lễ vì điều đó có thể làm tinh thần công ty bị sa sút, ảnh hưởng tới những nhân viên vẫn giữ được công việc và ảnh hưởng đến việc tuyển dụng trong tương lai.
Ông Gownder nhận định: “Những nhân tài xuất sắc nhất không muốn làm việc cho những công ty mà ngay khi có dấu hiệu khó khăn đầu tiên đã sa thải nhân viên bừa bãi và vô cảm”.
Điều đó có nghĩa là nếu các công ty công nghệ muốn sa thải, hai tuần tới là thời gian để làm như vậy hoặc sẽ phải gánh chi phí nhân sự đó trong quý tới.
Một số kế hoạch có thể giảm thiểu điều đó. Trợ cấp thôi việc sẽ giúp giảm bớt tác động và giúp những người bị sa thải có việc làm mới.
NGUỒN: CÁNH CÒ