Friday, 22nd November, 2024 15:36

ĐI NGHĨA VỤ QUÂN SỰ TRƯỚC KHI VÀO ĐẠI HỌC: NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Việc tham gia nghiêm túc nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm vô cùng thiêng liêng của công dân, vì thế cần được thực hiện một cách nghiêm túc đúng quy định do Nhà nước đề ra. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được diễn ra công bằng, kỷ luật, cần đề ra một số biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót và nâng cao ý thức của công dân trong quá trình thực hiện.

Đi nghĩa vụ quân sự trước khi vào đại học: Nên hay không nên?

Lại một năm bắt đầu nhập ngũ sắp đến, từ đây đến ngày 10/2, các gia đình sẽ đồng loạt tiễn con cái của mình lên đường đi nghĩa vụ quân sự để bảo vệ tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với nước nhà. Mới đây, cử tri tỉnh Thái Bình đã kiến nghị sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, rằng toàn bộ thanh niên khi đủ tuổi quy định phải tham gia nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học, học nghề để đảm bảo rằng ai cũng phải tham gia nghĩa vụ quân sự, tránh tình trạng trốn tránh thực hiện. Từ đó, Bộ Quốc phòng cũng đã tiếp thu ý kiến, khẳng định những bất cập trong quá trình triển khai kêu gọi công dân nhập ngũ, khi chỉ có 3 – 3,2% sinh viên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ.

Nói về vấn đề này, có thể thấy đi đôi với số lượng những thanh niên nghiêm túc, tự nguyện nhập ngũ khi đến tuổi quy định, còn có một số người lợi dụng việc học để trốn tránh, không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, làm cho công tác triển khai nhập ngũ cho thanh niên còn nhiều bất cập, vấn đề phải giải quyết.

Việc cho thanh niên đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học cũng mang đến một số mặt tiêu cực cũng như tích cực. Vì nếu nhập ngũ trước khi tham gia chương trình đại học có thể dẫn đến việc sau khi xuất ngũ sẽ không còn muốn tiếp tục việc học, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực được đào tạo cho đất nước trong tương lai. Đồng thời, do điều kiện, môi trường của đất nước chưa đáp ứng đủ để có thể đảm bảo toàn bộ thanh niên nhập ngũ đúng độ tuổi quy định. Ngược lại, nếu học đại học, học nghề xong mới bắt đầu nhập ngũ, lượng kiến thức tích lũy trong lúc học thay vì được thực hành qua môi trường làm việc sẽ vơi dần đi trong khi nhập ngũ, khó tìm kiếm cơ hội việc làm. Vì thế đây là một bài toán khó cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đạt hiệu quả tốt trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, trước kiến nghị này, ngoài sự đồng tình cũng như phản đối, một số ý kiến còn cho rằng có thể để chia nhỏ quá trình tham gia nghĩa vụ quân sự sang 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm thay vì thực hiện 2 năm liên tục để có thể vừa học tập, vừa thực hiện trách nhiệm đối với đất nước. Vì trong độ tuổi từ 18 – 25, trí lực sẽ phát triển rất tốt để tiếp thu các kiến thức khoa học ở chương trình đại học. Trong khi học đại học, đa số các trường đều cho học bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh để rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết, nếu nâng cao thêm thời lượng, chất lượng giảng dạy để sinh viên ý thức về tổ quốc hơn cũng là một biện pháp đáng cân nhắc.

Tham gia nghĩa vụ quân sự đúng quy định là một việc làm thiết thực nói lên khát khao cống hiến, tình yêu đối với tổ quốc, bày tỏ niềm tự hào, biết ơn đối với những người đã giành lại hòa bình cho dân tộc. Ý kiến cho thanh niên nhập ngũ trước khi bước vào các chương trình đào tạo khác rất đáng cân nhắc, giúp ngày càng hoàn thiện Luật nghĩa vụ quân sự, đào tạo được lực lượng dự bị có tinh thần, sức khỏe tốt và chất lượng cao, giúp cho đất nước ngày một phát triển, vững mạnh.

NGUÔN: GÓC NHÌN MỚI