“Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh mới, được Mỹ và các nước phương Tây thực hiện để lật đổ chính quyền đương nhiệm một số nước không theo “quỹ đạo” của họ.
Các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã nghiên cứu, xây dựng Học thuyết “Chiến tranh phi quy ước” từ sau chiến tranh thế giới thứ II và được Washington vận dụng triệt để, nhất là trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi những năm gần đây. Hiện nay, giới nghiên cứu quân sự Mỹ cho rằng, “Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh khả thi nhất, hiệu quả nhất, tránh tổn thất, thương vong, nhưng vẫn đạt được mục đích. Họ đưa ra một số quan điểm, đó là:
Năm 1962, Tổng thống Mỹ, J. Kennedy cho rằng, “Chiến tranh phi quy ước” là một loại hình chiến tranh lợi dụng triệt để các cuộc bạo loạn; mới về cường độ nhưng cũ về nguồn gốc; một cuộc chiến tranh du kích, chống phá, nổi loạn, tàn sát; một cuộc chiến tranh mai phục thay vì chiến đấu trực diện, thẩm thấu thay vì xâm lược trực tiếp, tìm kiếm chiến thắng thông qua sự suy thoái và kiệt quệ của đối phương thay vì đối mặt với họ…”. Còn Allen W. Dulles, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, để lật đổ nhà nước Xô-viết và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cần “tạo sự hỗn loạn trong Liên minh Xô-viết, thay thế những giá trị mà họ có bằng những sai lầm mà họ không cảm nhận được và buộc họ tin vào điều đó; tìm kiếm liên minh ngay trong Liên bang Xô-viết; đưa vào trong văn học, phim, kịch những câu chuyện có tính nhân văn thấp; trong điều hành nhà nước, tạo ra sự lộn xộn và hoang mang trong xã hội với cách thức linh hoạt và nhất quán…”.
Trong “Điều lệnh Tác chiến phi quy ước” (ATP 3-05.1) của bộ Lục quân Mỹ, xuất bản ngày 06/9/2013 đưa ra khái niệm, rằng: “Chiến tranh phi quy ước” là các hoạt động được tiến hành để thúc đẩy một phong trào phản đối hay nổi dậy nhằm gây sức ép, làm tê liệt, lật đổ một chính phủ hoặc thế lực cầm quyền thông qua hoặc phối hợp với các hoạt động của lực lượng bí mật, lực lượng hỗ trợ và quân du kích. “Chiến tranh phi quy ước” là một lựa chọn có thể được quyết định tiến hành vào bất kỳ giai đoạn nào của một chiến dịch ở bất kỳ cấp độ nào. “Chiến tranh phi quy ước” cũng được coi là một công cụ chính trị – quân sự chiến lược quốc gia của Mỹ. “Chiến tranh phi quy ước” thế kỷ 21 cụ thể hóa chiến lược và chính sách quốc gia thành tư tưởng chủ đạo, giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia có được phương sách chiến lược phù hợp, khả thi về tài chính, trong đó gồm nhiều hoạt động có liên quan của Chính phủ Mỹ, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược và chiến dịch trong phạm vi địa bàn tác chiến để hạn chế rủi ro so với một chiến dịch quân sự theo “Chiến tranh quy ước”, v.v.
Rõ ràng, những quan điểm về “Chiến tranh phi quy ước” nêu trên đều thống nhất ở chỗ lợi dụng tình hình của đối phương để thúc đẩy các giải pháp phi vũ trang và vũ trang, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng,… tạo tâm lý phản kháng ngay trong lòng của quốc gia đó. Mỹ và phương Tây đã thực hiện các phương thức trên để tiến công vào Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này nhanh chóng sụp đổ (năm 1991).
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, internet, mạng xã hội, “Chiến tranh phi quy ước” được Washington thực hiện triệt để, rất đa dạng, với phương thức: hỗ trợ, tài trợ cho lực lượng nổi dậy; trong đó, chú trọng vào hai nhóm điều kiện: khả thi và thuyết phục.
Một là, nhóm có tính khả thi. Đây là nhóm có khả năng nổi dậy ở quốc gia đối địch, có sự đoàn kết, thống nhất về mục đích, lý tưởng và có thể lật đổ chính quyền đương nhiệm. Thủ lĩnh của nhóm này phải có năng lực chỉ huy, phối hợp hành động và chịu sự chi phối từ bên ngoài. Ngoài ra, nhóm này còn có khả năng tận dụng thời cơ để tiến hành các cuộc phản kích cả bí mật và công khai. Những hoạt động phản kích thường là: tập hợp lực lượng tuyên truyền, phá hoại ngầm, bạo lực có động cơ chính trị; thâm nhập vào các tổ chức chính phủ và xã hội để do thám, thu thập tình báo; buôn lậu, tống tiền, bí mật gây quỹ, v.v. Những hành động trên phải được tổ chức và kiểm soát, chỉ đạo chặt chẽ của các nước phương Tây.
Hai là, nhóm có tính thuyết phục. Đây là nhóm không những có ý thức hệ, mục tiêu gần với phương Tây, mà còn có nhiều mâu thuẫn về giá trị, lợi ích, khát vọng và lối sống với chính quyền, muốn loại bỏ chế độ hiện thời ra khỏi đời sống chính trị – xã hội. Bước đầu, là những hành động bạo lực và phi bạo lực chống chính quyền một cách tự phát, không liên tục. Tiếp theo, khi phong trào gia tăng, một số thủ lĩnh xuất hiện (có thể là các cựu tướng lĩnh quân đội, công an, công chức, giảng viên đại học, người đứng đầu cộng đồng,…) trở thành “ngọn cờ” tập hợp lực lượng, tổ chức các hoạt động chống đối, phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm.
Học thuyết “Chiến tranh phi quy ước” cũng chỉ ra rằng phải xây dựng lực lượng tại quốc gia đối phương với 3 thành phần chính là: ngầm, hỗ trợ và bạo loạn. Chức năng cụ thể là:
1. Lực lượng ngầm giữ vai trò hạt nhân trong phong trào phản kháng, nổi dậy, có khả năng tổ chức hoạt động ở các địa bàn mà các lực lượng khác không thể tiếp cận được, như: trung tâm đầu não các địa phương, các thành phố lớn, nhất là thủ đô. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bí mật thiết lập các mạng lưới tình báo, phản gián, tuyên truyền và các cơ sở y tế;… kiểm soát chặt chẽ các cơ sở xuất bản, báo chí, tờ rơi, trang mạng xã hội, blog và các nguồn thông tin; thành lập các trạm vô tuyến điện để chỉ huy và gây nhiễu; làm giả giấy tờ (chứng minh thư, hộ chiếu, các loại bằng) và chế tạo một số loại vũ khí cấn thiết (vật liệu nổ, vũ khí nóng: súng, đạn); điều hành mạng lưới thông tin, hậu cần; chỉ đạo cá nhân hoặc các nhóm nổi dậy phá hoại các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở đô thị, v.v.
2. Lực lượng hỗ trợ là các tình nguyện viên có cuộc sống sinh hoạt bình thường nằm trong dân chúng. Chức năng, nhiệm vụ: chi viện hậu cần, kỹ thuật; thu thập thông tin tình báo; bảo đảm an ninh cho lực lượng ngầm. Bởi vậy, lực lượng này phải tích cực, chủ động tuyển mộ nhân viên, tích trữ hậu cần, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp cho các lực lượng khi thực hiện mưu đồ lật đổ.
3. Lực lượng bạo loạn là thành phần quân sự công khai của một phong trào phản kháng nổi dậy. Lực lượng này chủ yếu là dân bản địa, nên có nhiều thuận lợi: thông thuộc địa hình, có mối quan hệ với nhiều người, kể cả chính quyền địa phương; được tổ chức theo mô hình bán quân sự hoặc quân sự. Nhiệm vụ của chúng là, sẵn sàng tiến công đối phương khi có thời cơ, hoặc khống chế, quấy nhiễu, phân tán lực lượng, phá vỡ thế trận của đối phương
Ngoài ra, còn có lực lượng tác chiến đặc biệt hỗ trợ cho “Chiến tranh phi quy ước”. Lực lượng này được trang bị vũ khí, cùng các thiết bị hiện đại, đủ khả năng tác chiến lâu dài và hiệu quả trên lãnh thổ đối phương. Thực tiễn cho thấy, để bảo đảm thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng, năm 2014, Mỹ trang bị cho lực lượng này các loại tàu vận tải mới, có khả năng vận chuyển đến 200 quân và các thiết bị chiến đấu, có bãi đáp cho trực thăng, máy bay vận tải cánh quạt và tàu hỗ trợ đường biển. Nhiệm vụ của lực lượng này là xâm nhập lãnh thổ đối phương, huấn luyện, chỉ huy và tài trợ cho quân nổi dậy; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác của Mỹ đang hoạt động bí mật ở đó.
Từ những quan điểm nêu trên và thực tế ở các quốc gia đã và đang bị phương Tây tiến hành “Chiến tranh phi quy ước”, có thể rút ra một số bước thực hiện cơ bản của nó là:
Bước 1, chủ động, tích cực, khuyến khích tạo dựng phong trào lật đổ ngay trong đất nước đối phương; thúc đẩy các hoạt động phi bạo lực, như: khoét sâu vào những sai lầm, yếu kém của chính phủ trong điều hành quản lý nhà nước, nhất là điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô, gây ra sự bất mãn của dân chúng; bởi đây là điểm yếu, dễ tổn thương nhất. Đồng thời, tìm kiếm, tạo dựng một “lãnh đạo đối lập” hợp pháp, làm ngọn cờ để đưa phong trào trở thành cao trào loại bỏ chính phủ hợp hiến. Kịch bản của bước này là, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, kích động lực lượng đối lập gây rối, biểu tình, đình công chống đối chính quyền đương nhiệm; thực hiện tác chiến mạng nhằm tác động mạnh vào hệ thống chỉ đạo và kiểm soát tự động. Sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt để lôi kéo những đại diện của các tổ chức hành chính, quân đội và an ninh.
Bước 2, tiến hành các hoạt động phi vũ trang quy mô lớn, làm cho chính phủ bất ổn, như: phá hoại, đe dọa, bắt cóc, v.v. Nhiệm vụ cụ thể: đẩy mạnh các cuộc bạo loạn, biểu tình chống lại chính quyền; phá hoại nền kinh tế bằng các vụ nổ nhằm vào các mục tiêu, như: nhà máy lọc dầu, trung tâm sản xuất năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, v.v.), hệ thống thông tin, truyền thông, kho tàng, trong đó, chú trọng các kho chứa sản phẩm công nghiệp độc hại nhằm kích động chính quyền đương nhiệm vội vàng đưa ra những quyết sách sai lầm, “tạo cớ” để quốc tế can thiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyển dụng xây dựng các nhóm phản cách mạng.
Bước 3, tăng cường hỗ trợ và chỉ đạo lực lượng có vũ trang nổi dậy lật đổ chính quyền. Kịch bản là kích động các nhóm vũ trang trong nước tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối,… thiết lập căn cứ tác chiến, thực hiện hoạt động vũ trang đơn lẻ chống lại đơn vị quân sự. Mở rộng hoạt động phá hoại nhằm vào trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự ở địa phương; nhất là ở các thành phố và thủ đô của đối phương. Sử dụng phương tiện truyền thông như một biện pháp khơi mào bạo loạn vũ trang; làm suy yếu lực lượng vũ trang và an ninh. Trong đó, chú trọng thực hiện một số việc, như: bắt cóc, phá hoại và tấn công các đơn vị vũ trang; kiểm soát các mục tiêu và cơ sở hạ tầng trọng yếu; cắt đứt hoặc gây cản trở hệ thống giao thông, truyền thông, điện năng, kho nhiên liệu, v.v.
Như vậy, “Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh tuy không mới, nhưng được phương Tây thực hiện với một số quốc gia đi ngược lại lợi ích, hay đối địch với họ, nhất là các nước còn lại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa . Hiện nay, các chiến lược gia quân sự phương Tây càng coi trọng loại hình chiến tranh này, bởi nó phù hợp với quan điểm “hạn chế” đưa quân tham chiến ở nước ngoài. Mặt khác, loại hình chiến tranh này rất gắn kết với chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tạo sự kết hợp có hiệu quả giữa “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ. Sự “thành công” của Mỹ và phương Tây ở các quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết, Trung Đông – Bắc Phi đã nói lên điều đó.
NGUỒN: QUỐC PHÒNG AN NINH