Thursday, 2nd January, 2025 18:50

ĐẾN HẸN LẠI LÊN – VOA TUNG HỎA MÙ XUYÊN TẠC VỀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Hằng năm, đến hẹn lại lên, các trang tin phản động lại vin vào những báo cáo thiếu khách quan của một vài tổ chức đội lốt dân chủ, nhân quyền ở nước ngoài để vu cáo, bóp méo tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Cụ thể, trên trang VOA tiếng Việt có bài viết với tiêu đề “Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo”. Điều này cho thấy góc nhìn sai lệch của Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời Mỹ tự cho mình đóng vai trò “Cảnh sát quốc tế” để giám sát hoạt động của các nước về nhân quyền, tự do tôn giáo.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ công bố đưa Việt Nam danh sách quốc gia cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (Special Watch List – SWL) mà không đưa ra bất cứ căn cứ, cơ sở nào cho việc xếp loại này. Thực tế, không quốc gia nào có quyền đứng trên và phán xét công việc nội bộ của nước khác, nhất là khi việc phán xét dựa trên những thông tin sai lệch, vô căn cứ. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra danh sách để đánh giá một quốc gia có chủ quyền, độc lập như Việt Nam là đi ngược lại quy định Hiến chương của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1946. Việc Mỹ đơn phương đưa ra kết luận này cho thấy Mỹ coi giá trị Mỹ là trên hết và các nước mong muốn làm đồng minh, đối tác tin cậy của Mỹ sẽ phải tuân theo những tiêu chuẩn mà Mỹ đề ra.

Ngay khi Ngoại trưởng Mỹ công bố Việt Nam trong danh sách SWL, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, chống đối trong và ngoài nước đã lập tức tung hô, chỉ trích về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cụ thể, VOA cho rằng “hoan nghênh khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn giữ Việt Nam trong hạng Cần Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, vì những tổ chức tôn giáo độc lập luôn bị gây khó khăn”; đồng thời trích dẫn, cổ súy cho các phát biểu của cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật như Y Quynh Bdap – đồng sáng lập nhóm Người Thượng Vì Công lý (MSFJ), hay Hội thánh Tin lành Đấng Christ. Những nhóm này đã lấy cái danh mĩ miều là “thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên” nhưng thực chất lại thông qua các trang mạng xã hội để liên lạc, kích động những người dân thiếu hiểu biết trong nước vi phạm pháp luật để chính quyền xử lý, từ đó, thu thập, sử dụng các thông tin sai sự thật và xuyên tạc nhằm vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số và gia tăng vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm mục đích vụ lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam. Cũng chính từ thu nhận bởi những tiếng nói của các cá nhân, “tín đồ” vi phạm pháp luật như trên nên phía Bộ Ngoại giao Mỹ đã vin vào đó để quy kết phía Việt Nam đang “đàn áp tự do tôn giáo” và cho rằng, việc xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội là “xử lý và đàn áp tôn giáo”. Thật quá nực cười! Nếu đó thực sự là các tín đồ của các tôn giáo được Chính phủ Việt Nam công nhận thì làm gì có sự đàn áp nào. Sự đàn áp mà chúng nói chỉ xảy ra đối với những kẻ đội lốt tôn giáo để tổ chức các hoạt động chống đối chính quyền nhân dân ở các địa phương.

Nếu như thực sự khách quan thì VOA cần dẫn chứng thêm những nhận định, quan điểm của những vị lãnh đạo trong các tổ chức giáo hội đã được Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân, họ mới chính là người đại diện cho giáo hội, cho lợi ích của đại đa số chức sắc, tín đồ trong các tôn giáo ở Việt Nam. Thế nhưng, bấy lâu nay, khi lấy thông tin đánh giá, các trang thông tin báo chí nói trên luôn phớt lờ và bỏ qua thực tế này và một mực trung thành với quan điểm của các đối tượng, “tín đồ” chống phá.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực thi hành năm 01/01/2018), Nghị định 162/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003, Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX về công tác tôn giáo, nêu 5 quan điểm về chính sách trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, tín đồ. Những quy định này đã tạo cơ sở cho những phát triển, thành tựu trên lĩnh vực tôn giáo, trong đó nhìn nhận yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo là “nhu cầu không thể thiếu của một bộ phận người dân”“Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo”; xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nguồn lực quan trọng mà các cơ quan, ban, ngành chức năng trong hệ thống chính trị phải phát huy để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn tín ngưỡng, tôn giáo với đạo đức con người, văn hóa dân tộc.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Có hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự, trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số loại hình tín ngưỡng và di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản phi vật thể của thế giới. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều phát triển mới, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo tăng lên.

Đặc biệt với việc Việt Nam 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016 và nhiệm kỳ 2023-2025) với số phiếu bầu rất cao cho thấy sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với cách nhìn nhận đánh giá đúng đắn, công tâm về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.

Những thành tựu có được trong bức tranh về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng sống động cho thấy những cáo buộc của phía Mỹ khi đưa Việt Nam vào “danh sách cần giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo” thực sự là phi lý!

NGUỒN: DƯƠNG CHÍ HƯƠNG