Hàng trăm nghìn nông dân đã tập trung tại bang đông dân nhất của Ấn Độ vào ngày Chủ nhật (5/9), tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong một loạt các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng để buộc chính phủ bãi bỏ ba luật nông nghiệp mới.
Cuộc biểu tình diễn ra ở thành phố Muzaffarnagar của bang Uttar Pradesh, một bang chủ yếu là nông nghiệp và là nơi sinh sống của 240 triệu người. Hơn 500.000 nông dân tham dự cuộc tuần hành đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh hoặc bãi bỏ những quy định mới, cảnh sát địa phương cho biết.
Trong 8 tháng qua, hàng chục nghìn nông dân đã cắm trại trên các đường cao tốc lớn đến thủ đô New Delhi để phản đối luật nông nghiệp do chính phủ liên bang khởi xướng.
Theo luật được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, nông dân được phép bán trực tiếp sản phẩm của họ cho những nhà buôn lớn, bên ngoài các chợ đầu mối do chính phủ quản lý. Chính phủ cho biết điều này sẽ giúp đỡ nông dân và giúp họ có được giá tốt hơn.
Tuy nhiên, nông dân cho rằng luật này sẽ làm tổn hại đến sinh kế của họ và khiến họ có ít khả năng thương lượng đối với các nhà bán lẻ và chế biến thực phẩm tư nhân lớn.
Nông nghiệp là một lĩnh vực rộng lớn, nuôi sống gần một nửa trong số hơn 1,3 tỷ người của Ấn Độ, và chiếm khoảng 15% trong nền kinh tế 2,7 nghìn tỷ USD của đất nước.
Balbir Singh Rajewal, một lãnh đạo nông dân khác, cho biết cuộc biểu tình hôm Chủ nhật (5/9) là lời cảnh báo đối với Thủ tướng Modi và Đảng Bharatiya Janata của ông, tổ chức này vào năm tới sẽ tham gia tranh cử vào quốc hội ở Uttar Pradesh. Kết quả tại bang này thường được coi là phong vũ biểu cho sự ủng hộ và niềm tin của chính phủ liên bang.
“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – hoặc bãi bỏ luật hoặc đối mặt với thất bại trong cuộc bầu cử tiểu bang”, ông nói thêm.
Chấn Phong