Là một trong những khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, Đông Nam Á đã, đang là nơi diễn ra cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Điều này sẽ tác động đa chiều tới môi trường an ninh và sự phát triển của các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường đồng thuận, giữ vững bản sắc, vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của khu vực là vấn đề được dư luận quan tâm sâu sắc.
Tâm điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn
Thời gian gần đây, khi xu thế trọng tâm kinh tế, chính trị của thế giới đang có sự dịch chuyển từ Tây sang Đông, thì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với nhiều lợi thế chiến lược trở thành địa bàn trọng yếu, nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, quốc gia nào kiểm soát được Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về cơ bản sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến toàn cầu. Đông Nam Á nằm ở trung tâm, kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế đi qua và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với dân số hơn 650 triệu người, GDP khoảng 3.000 tỉ USD,… nên được coi là khu vực có vị trí quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc giành được ưu thế ở Đông Nam Á cũng đồng nghĩa với việc có được lợi thế trong cuộc đua tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc tại khu vực Đông Nam Á diễn ra ngày càng quyết liệt và khó dự báo. Do khác nhau về lợi ích chiến lược cũng như cách thức xử lý các mối quan hệ, cho nên trong cuộc cạnh tranh này xuất hiện nhiều yếu tố tác động không nhỏ đến hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có giải pháp và đối sách hợp lý. Trong cạnh tranh, bên cạnh những chính sách cứng rắn nhằm răn đe, ngăn chặn đối thủ, các cường quốc cũng rất coi trọng việc tăng cường sức mạnh mềm thông qua các dự án hợp tác về kinh tế, hỗ trợ về quốc phòng, an ninh cho các đối tác truyền thống, các nước bản địa, nhằm tập hợp lực lượng, mở rộng ảnh hưởng và giành ưu thế. Các hoạt động đó tạo cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á những cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc phòng, quân sự và đảm bảo an ninh quốc gia, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an ninh và chiến lược phát triển của các nước.
Bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN
Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, việc giữ vững bản sắc và vai trò trung tâm luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Cộng đồng ASEAN – làm nên thương hiệu và sự thành công. Trong bối cảnh các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược, thời cơ và thách thức đan xen, ASEAN đã và đang triển khai nhiều chính sách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp; đồng thời, nỗ lực phát huy bản sắc, vai trò trung tâm nhằm quản lý, giữ cân bằng trong quan hệ với các đối tác, nhất là các cường quốc. Cùng với đó, Hiệp hội cũng tìm cách hạn chế những thách thức, mâu thuẫn nảy sinh trong việc thực hiện quy chế hợp tác, đưa quan hệ hợp tác song phương và đa phương đi theo hướng có lợi nhất cho các nước thành viên và khu vực. ASEAN kiên định các nguyên tắc cơ bản đã được cộng đồng thống nhất, phát huy vai trò, hiệu quả của các quy chế đối thoại, bảo đảm phù hợp với năng lực, điều kiện của từng đối tác và nhu cầu của Hiệp hội. Thông qua đối thoại, ASEAN cùng các đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, thay vì sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là dấu ấn riêng của ASEAN mà chưa có bất kỳ tổ chức nào trên thế giới làm được.
Quan hệ của ASEAN với các đối tác được thực hiện theo quy chế: “Đối thoại chính thức”, “Đối thoại theo lĩnh vực”, “Đối tác phát triển”, “Quan sát viên đặc biệt”, “Khách mời”;… trong đó, quy chế “Đối thoại chính thức” là quy chế cao nhất và quan trọng nhất mà ASEAN dành cho các đối tác là những cường quốc, các nước phát triển hoặc tổ chức quốc tế lớn. Theo đó, ASEAN tiến hành đối thoại với các nước lớn thông qua các cơ chế: (1) ASEAN+1 – khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với các quốc gia và các thực thể khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Hiện ASEAN duy trì quan hệ với 10 đối tác, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và New Zealand. Chính cơ chế này đã không những giúp ASEAN đối thoại một cách bình đẳng, ngang hàng với các nước lớn, tranh thủ được các nguồn lực để phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sự ổn định khu vực, mà còn thúc đẩy quan hệ với đối tác theo hướng có lợi nhất cho các nước thành viên. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ diễn ra tại Washington DC hồi tháng 5 vừa qua là một minh chứng rõ nét, khi Hoa Kỳ tái khẳng định: tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN; cam kết cùng ASEAN thiết lập, nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của mỗi bên; (2) ASEAN+3 – cơ chế hợp tác giữa ASEAN với ba quốc gia hàng đầu khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong hợp tác này, ASEAN phát huy vai trò trung tâm, gắn kết, mở rộng hợp tác giữa hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Trên thực tế, Hội nghị trực tuyến các quan chức cấp cao ASEAN+3 được tổ chức ngày 08/6/2022 vừa qua đã mở ra một trang mới trong hợp tác, liên kết giữa hai khu vực giàu tiềm năng này. Theo đó, ASEAN cùng với ba nước Đông Bắc Á đã thông qua nhiều định hướng hợp tác quan trọng trong việc ứng phó, kiểm soát dịch Covid-19, phối hợp thúc đẩy phục hồi bền vững; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính; thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết kinh tế khu vực thông qua các Hiệp định FTA giữa ASEAN với từng nước; (3) Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) – cơ chế đối thoại cấp cao giữa ASEAN với lãnh đạo các quốc gia Đông Á và khu vực lân cận. Trong đó, ASEAN với vai trò trung tâm, tổ chức thảo luận những vấn đề chiến lược, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng khu vực. Hội nghị trực tuyến cấp cao Đông Á (EAS) được tổ chức hồi tháng 6/2022, với sự tham dự của quan chức cấp cao các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tại Hội nghị, các bên đã thảo luận, bày tỏ quan điểm về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm; bàn thảo những định hướng hợp tác trong việc kiểm soát điểm nóng, xử lý vấn đề nổi cộm trên thế giới, như: tình hình Biển Đông, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Myanmar, Ukraine cùng nhiều vấn đề quan trọng khác; (4) Thành lập các Ủy ban ASEAN tại thủ đô các nước lớn nhằm kịp thời phối hợp hành động và xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương.
Ngoài ra, vai trò trung tâm của ASEAN cũng được nhiều nước đánh giá cao thông qua các cơ chế, cấu trúc an ninh và khuôn khổ hợp tác do ASEAN thành lập và dẫn dắt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nổi bật là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) – cơ chế hợp tác và hội đàm các vấn đề chính trị, an ninh; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) – cơ chế hợp tác quốc phòng, quân sự. Hai cơ chế trên là cơ chế đa phương chính của ASEAN cấp Bộ trưởng và là diễn đàn có vai trò trung tâm cùng các nước đối tác đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác và quản lý xung đột. Tháng 6/2022 vừa qua, Hội nghị quan chức cấp cao ARF đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế hiện nay. Đối với tình hình Biển Đông, các bên tham gia Hội nghị đã đạt được nhận thức chung về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; cam kết kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hội nghị cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phấn đấu xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, phát triển.
Triển vọng của ASEAN
Từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy, từ một cơ chế hợp tác có tính tiểu khu vực, đến nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức hạt nhân, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có cả các nước lớn và các tổ chức khu vực, quốc tế. Các đối tác đều tôn trọng các cơ chế, khuôn khổ của ASEAN, tức là tôn trọng vai trò trung tâm của Hiệp hội. Hiện ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với: Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh, Thị trường chung Nam Mỹ, Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ và Carribe (Nhóm Rio), Liên minh Thái Bình Dương,… và ngày càng có nhiều quốc gia, tổ chức ủng hộ, tham gia tích cực vào các cơ chế đối thoại hợp tác của ASEAN, như: Diễn đàn khu vực ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, v.v.
Trong bối cảnh địa kinh tế, địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng đang thay đổi sâu sắc, sự can dự và chính sách gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực ngày càng khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây chia rẽ, đối đầu trong khu vực, thì các cơ chế, khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt có nguy cơ bị đe dọa, vai trò trung tâm của ASEAN bị thách thức. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế và chính khách của các nước thành viên ASEAN cho rằng, với tiềm năng sẵn có và những thành tựu đã đạt được trong suốt 55 năm qua, ASEAN vẫn sẽ là một cộng đồng gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Song, để đạt được điều đó, đòi hỏi tất cả các nước thành viên ASEAN cần phải giữ vững bản sắc, phát huy vai trò trung tâm trong hợp tác song phương, đa phương với các nước lớn, tổ chức khu vực và quốc tế. Ngoài ra, cũng cần chủ động đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, các cấp độ, hình thành một số chuẩn mực, cơ chế để đối phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, hạn chế và ngăn ngừa xung đột, giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
NGUỒN: QPTD