Tuesday, 16th April, 2024 15:38

BÀ PELOSI ĐỂ LẠI MỘT ĐỐNG RẮC RỐI CHO ĐÀI LOAN MÀ SAO MỸ VẪN CHỈ NGỒI IM?

Đáng ra, đây là lúc tàu USS Ronald Reagan nên thực hiện một chuyến đi xuyên eo biển Đài Loan để thực thi quyền tự do hàng hải thì tàu vẫn đang ở vùng biển Philippines.

Một tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sang thăm Đài Loan trong chuyến đi hết sức âm thầm với lịch trình được giữ đến phút chót. Sau những phát ngôn đầy cảm xúc, bà Pelosi bay sang Hàn Quốc nhưng không đề cập một chút gì về Đài Loan (có thể đây là đề nghị từ phía chủ nhà để tránh gây căng thẳng).

Giờ bà Pelosi đã trở lại nước Mỹ còn Đài Loan thì đang sống trong vòng vây của Trung Quốc. Ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ rời Đài Loan, giới quân đội Trung Quốc đã ra hai thông báo sẽ tiến hành tập luyện quân sự quan trọng và tổ chức bắn đạn thật tại 6 vùng biển và không phận từ ngày 4 đến ngày 7.8 (theo giờ Bắc Kinh) khiến tàu bè và các chuyến bay gần khu vực này không thể thực hiện. Đài Loan phải chờ đến ngày 7.8, mới nới lỏng các hạn chế bay gần 6 khu vực tập trận trên. Nhưng Đài Loan chưa kịp hít thở thì bị thít tiếp.

Sau khi ngày tập trận cuối cùng theo kế hoạch nói trên kết thúc, Trung Quốc lại đưa ra thông báo tiếp tục tập trận. Giới chức Trung Quốc chưa chính thức thông tin cụ thể về ngày kết thúc cuộc tập trận..

Với việc Trung Quốc liên tục tập trận như vậy thì rất khó cho Đài Loan vì hoạt động du lịch hay đầu tư vào Đài Loan sẽ không thể thu hút trong thời gian trước mắt. Trước đó, việc xuất khẩu của Đài Loan cũng chịu biện pháp cấm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói rằng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan hiện nay do phía Mỹ gây ra và Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và nhận lấy hậu quả về điều này.

Vậy mà, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có hành động nào thiết thực để răn đe Trung Quốc và trấn an Đài Loan. Thay vào đó, các quan chức Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng chỉ lên tiếng phản đối hành động này, mô tả đây là một phản ứng thái quá.

Báo chí Mỹ cho biết cho biết các quan chức quân sự của Mỹ gắng gọi điện liên lạc với đồng cấp Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không trả lời. Politico dẫn 3 nguồn tin cho biết trong số những quan chức quân sự bị phớt lờ ở phía Mỹ có cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley.

Thậm chí, Mỹ lúc này còn tỏ ra rất rụt rè vì sợ Trung Quốc nổi giận. Một quan chức Mỹ nói với kênh truyền hình CNN rằng Lầu Năm Góc đã hoãn vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III được lên kế hoạch từ lâu vì lo ngại gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Quan chức trên cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chỉ đạo hoãn kế hoạch thử nghiệm trước tình hình Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Eo biển Đài Loan.

Ngoài phát biểu lên án các cuộc tập trận, Mỹ cũng chỉ biết trấn an đồng minh rằng không có điều gì xảy ra. Hôm thứ hai, Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về chính sách cho biết Lầu Năm Góc không thay đổi đánh giá của mình rằng Trung Quốc không có kế hoạch tấn công Đài Loan trong hai năm tới, bất chấp việc Bắc Kinh phát động các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo vào tuần trước. Ông Kahl còn khẳng định: “Chính sách Trung Quốc là những thứ đã thay đổi còn chính sách của Mỹ thì không thay đổi”, tức là Mỹ chủ trương cứ để tình trạng như hiện giờ.

Thực ra, khi bà Pelosi vừa rời đi thì Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ra lệnh rằng “USS Ronald Reagan và các tàu trong nhóm tác chiến sẽ ở lại đóng quân trong khu vực chung để theo dõi tình hình”. Thông tin đó được người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết tại cuộc họp giao ban hôm 4.8. Nhưng vị trí tàu neo đậu ở đâu lại không được đề cập kỹ.

Còn theo trang chuyên theo dõi hải trình của Mỹ, tàu USS Ronald Reegan – tàu sân bay gần Đài Loan nhất – vẫn đang khá thong dong ở biển Philippines mà thật ra là gần Philippines và khá xa Đài Loan. Đáng ra, đây là lúc tàu USS Ronald Reagan nên thực hiện một chuyến đi xuyên eo biển Đài Loan để thực thi quyền tự do hàng hải thì cao thượng và dũng cảm biết bao. Đó mới là thông điệp cứng rắn mà Đài Bắc mong chờ nhất lúc này khi tàu chiến, máy bay của Trung Quốc liên tục bước qua đường trung tuyến.

Thực ra, ngay từ đầu, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản đối chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan. Tổng thống Joe Biden cũng không ủng hộ chuyến thăm này vì tiềm ẩn nhiều rắc rối cho nước Mỹ. Chỉ khi bà Pelosi cương quyết đi với tư cách Chủ tịch Hạ viện Mỹ thì ông Biden cũng đành phải nói lời ủng hộ theo kiểu sự đã rồi. Nếu chính quyền Mỹ đã quyết tâm ủng hộ chuyến đi này thì cần lên tiếng từ đầu chứ không thể bày tỏ thái độ bất nhất rất lạ như vậy, đồng thời làm “suy yếu” mạnh mẽ giá trị của chuyến đi.

Nếu ngay từ đầu, cả khối hành pháp và lập pháp của Mỹ đều cùng ủng hộ chuyến đi chứ không phải chờ sát nước mới vội vã tìm được tiếng nói chung thì chuyến đi đó thực sự gây tiếng vang lớn hơn nhiều.

NGUỒN: MỘT THẾ GIỚI