Sáng ngày 2/3/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4 của Quốc hội khóa XV, theo trình tự thủ tục quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng. Kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội để Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự bầu Chủ tịch nước và thành lập Ban Kiểm phiếu. Cụ thể, Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín và với 487/488 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (đạt 98,38%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Long trọng và trang nghiêm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Tuy nhiên, trước một sự kiện chính trị trọng đại và trước sự vui mừng, hân hoan của toàn Đảng, toàn quân và đồng bào, cử tri cả nước thì các thế lực thù địch đã tung tin xấu độc trên mạng xã hội, nhất là trên các trang Quyenduocbiet.com; Fb Việt Tân; Thông http://xn--lun-6hz.net/… để xuyên tạc, bôi nhọ về việc bầu Chủ tịch nước nhằm làm giảm uy tín của đồng chí Võ Văn Thưởng. Đồng thời, chúng cho rằng: “Võ Văn Thưởng là người không làm gì tác hại cả… Không làm gì định hướng sai cả… Không làm ai bực mình, sứt mẻ đoàn kết cả… Vì trong suốt cuộc đời trước đó, ông là hạt giống đỏ” nên đã được chọn. Hơn nữa, “sự rút lui của ông Lâm đã mở đường cho sự trỗi dậy của ông Thưởng” và “Đảng có thể đã muốn khôi phục lại thông lệ có sự cân bằng vùng miền trong bốn vị trí thuộc hàng “tứ trụ”, gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội”. Nhất là, “quan trọng hơn, ông Thưởng được coi là đồng minh thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người được cho là được ông Trọng lựa chọn trong vai trò kế nhiệm vị trí tổng bí thư. Do đó, việc ông Thưởng được bầu vào vị trí chủ tịch nước có thể tạo thuận lợi cho kế hoạch này. Sự xuất hiện của một chính trị gia từ một phe khác có thể làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực” hay “Đảng chỉ cử một mình Võ Văn Thưởng thì cần gì bầu, đã biết là trúng”…
Trước những luận điệu bịa đặt, bôi đen và xuyên tạc như vậy, cần phải khẳng định rằng:
Một là, công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, nhân sự lãnh đạo cấp cao nói riêng ở Việt Nam có quy trình cụ thể, với những điều kiện cần và đủ về tiêu chuẩn cho từng cấp: từ các vị trí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư; từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải là cuộc mặc cả giữa các phe phái để “đạt được đồng thuận trong việc lựa chọn ứng viên” hay là ai đó đã “nắm được một số lợi thế” để lao “vào cuộc đua” như các phần tử cơ hội, phản động xuyên tạc.
Chức vụ Chủ tịch nước được quy định trong Điều 86 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 “là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cụ thể, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội và chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội…”, với những yêu cầu và tiêu chuẩn rất cụ thể về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm…
Đặc biệt, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã nêu rõ: Chủ tịch nước là người phải “bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Vì thế, việc đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ cấp cao của Đảng, được đào tạo bài bản (tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; thạc sĩ Triết học; cao cấp lý luận chính trị); có năng lực, uy tín, kinh nghiệm công tác khá toàn diện và đã từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng ở Trung ương và địa phương như: Phó bí thư Đoàn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia công tác Đoàn và được bầu làm Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh; Bí thư Quận ủy 12, Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa X (4/2006); Ủy viên Trung ương các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng các khóa XII, XIII và đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIV, XV… được bầu và trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xứng đáng; không chỉ đáp ứng các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn của một Chủ tịch nước mà còn đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.
Thực tế đó cho thấy, ở Việt Nam không có cuộc đua tranh, không có sự dàn xếp bất thường, mà chỉ có một sự thật là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước phải là người hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đã nêu về đức và tài; về sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của Quốc hội cùng cử tri cả nước.
Hai là, trên những chặng đường học tập, công tác và trưởng thành, từ khi là sinh viên cho đến khi đảm nhiệm các chức vụ trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, trong Đảng Cộng sản Việt Nam hay với tư cách một đại biểu Quốc hội, ở đâu và lúc nào đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, kiên định lý tưởng cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nêu gương đi đầu, thống nhất giữa nói và làm. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào đồng chí cũng tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, gắn bó mật thiết với nhân dân, củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ… và phát huy vai trò của đồng chí, đồng nghiệp, của quần chúng nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thực tế, một người cán bộ, đảng viên không chỉ sống tình nghĩa: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi. Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu; Tôi sống với cuộc đời chiến đấu. Của triệu người yêu dấu gian lao” như đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu trong lễ nhậm chức Chủ tịch nước, mà còn “may mắn được trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình Dân, được truyền cảm hứng từ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân ở cả 3 miền đất nước” đã nguyện “quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc; lấy lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân là điểm xuất phát, là mục tiêu quan trọng của các quyết sách với tinh thần “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, thì nhất định được và xứng đáng được Đảng, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước tín nhiệm, tin tưởng giao phó trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì thế, có thể khẳng định rằng: Bất chấp những thông tin xấu độc bịa đặt, xuyên tạc, bôi đen về sự kiện bầu Chủ tịch nước vừa qua của các thế lực thù địch, thì sự ghi nhận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và của đồng bào, cử tri cả nước khi bầu đồng chí Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước với số phiếu rất cao; cũng như việc Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là không chỉ “thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể Nhân dân Việt Nam” với cá nhân đồng chí, mà còn đồng thời khẳng định rằng “người sinh viên khoa Triết học” ngày xưa đó đã phấn đấu không mệt mỏi và trưởng thành; đã xứng đáng đảm nhận một trọng trách lớn lao và được tin tưởng khi đồng chí cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình với Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước trong hành trình sắp tới./.
NGUỒN: TRẦN PHÚC ĐÔNG A