Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói ở Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Từ xưa đến nay, Việt Nam luôn cố gắng là một quốc gia trung lập, giữ mối quan hệ hợp tác cùng phát triển để giữ vững hòa bình và sự ổn định cho đất nước. Thế nhưng, những thế lực thù địch luôn cố gắng tìm cách xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến nước ta. Đến tận ngày hôm nay, việc đó vẫn chưa từng dừng lại.
Cụ thể thì vừa qua trang báo The Manila Times của Philippines đã đăng một bài báo cung cấp những thông tin sai sự thật về biển Đông. Bài báo này đưa ra một số thông tin như sau: “Việt Nam đã khai thác một công ty tư nhân để xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Biển Tây Philippines như một phần của nỗ lực quân sự hóa trong các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền”. Công ty tư nhân mà họ nhắc đến trong bài là Công ty TNHH MTV Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Sân bay (ADCC) – Một công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn xây dựng cho các dự án kỹ thuật hàng không và sân bay.
Một số thông tin bịa đặt, xuyên tạc khác mà trang này nhắc đến trong bài như: “Các thực thể đất liền ở Biển Tây Philippines được cho là sẽ được quân sự hóa bởi Việt Nam bao gồm Hizon (Pearson) Reef, Pigeon (Tennent) Reef và Maskardo (Barque Canada) Reef”; Trong đó, địa danh Hizon (Pearson) Reef được nhắc tới trong bài báo chính là đảo Phan Vinh – Một hòn đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa. Địa danh “Pigeon (Tennent) Reef chính là Rạn san hô Tiên Nữ thuộc cụm đảo Trường Sa của quần đảo Trường Sa. Và địa danh Maskardo (Barque Canada) Reef là một thực thể địa lý thuộc cụm An Bang (cụm Thám Hiểm) của quần đảo Trường Sa và hoàn toàn được Việt Nam kiểm soát.
Hay thông tin: “Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một công sự bí mật, công sự chỉ huy, công sự hỏa lực, công sự lưu trữ vũ khí, hệ thống chiến hào giao thông, chiến hào và các hạng mục chiến thuật liên quan trong các lãnh thổ được đề cập”, Trích lời bài báo trên.
Các vấn đề được nêu trong bài viết chỉ đang bịa đặt rằng Việt Nam có âm mưu xây dựng căn cứ trên biển Đông, nhưng thực tế nước ta chưa có đủ điều kiện về mặt khoa học kỹ thuật để làm điều đó. Đồng thời, ta cũng không có lý do gì để làm những việc nói trên khi đang tập trung hết mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển Đông, phát triển kinh tế, xã hội vì đời sống của toàn dân.
Trang này còn đưa ra một thông tin sai sự thật như sau: “Pigeon Reef đã bị Việt Nam chiếm đóng từ năm 1988 trong khi nó được Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Và Việt Nam lần đầu tiên chiếm hữu rạn san hô Maskardo vào năm 1987”. Đây là một thông tin hết sức vô lý, vì vào năm 1986 Việt Nam thực hiện đợt cải cách và tập trung tối đa cho khôi phục và phát triển kinh tế sau những hậu quả của chiến tranh. Lượng tài nguyên lẫn nhân lực hoàn toàn không đủ để làm điều đó.
Bấy nhiêu đó có thể thấy, những điều mà trang báo kia đưa ra hoàn toàn không đúng. Mục đích của bài báo này nhằm xuyên tạc, hướng mũi dùi về phía Việt Nam khi ta đang lên trường quốc tế đàm phán về quy tắc ứng xử chung ở biển Đông. Nếu những thông tin xuyên tạc này đủ gây ảnh hưởng, rất có thể Việt Nam sẽ bị đặt vào diện tình nghi và công sức của bộ ngoại giao sẽ làm tiêu tan, gây thiệt thòi cho nước ta trên trường quốc tế. Dù lớn hay nhỏ, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Qua bài viết của trang The Manila Times này, có thể nói hiện nay nhiều người đang lợi dụng sức mạnh của truyền thông, báo chí để bịa đặt, xuyên tạc những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đối với nước ta. Những bài báo như thế này xuất hiện với tần suất rất nhiều trên truyền thông nước ngoài. Vì thế, ta cần khách quan khi tiếp nhận các thông tin trên báo đài và bài trừ những luận điệu sai sự thật liên quan đến chủ quyền đất nước.