Friday, 17th January, 2025 11:25

CƠ HỘI CHO VIỆT NAM KHI 5 "ÔNG LỚN TRUNG QUỐC" ĐỒNG LOẠT RỜI BỎ THỊ TRƯỜNG MỸ

Vừa qua, năm công ty nhà nước của Trung Quốc chính thức thông báo sẽ hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Động thái đã làm dấy lên lo ngại sẽ có một phản ứng domino rút ròng dòng vốn giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tháo chạy khỏi Mỹ và ngược lại. Từ đó tạo ra nhiều khoảng trống ở thị trường mỗi bên cũng như khiến dòng tiền nhãn rỗi tại các doanh nghiệp này tăng lên. Một làn sóng đầu tư và thay thế mới sẽ diễn ra, vậy điều đó có tạo cơ hội cho Việt Nam ta?

Một đi không trở lại

5 công ty Trung Quốc gồm Tập đoàn dầu khí Sinopec, Công ty bảo hiểm nhân thọ China Life Insurance, Tập đoàn nhôm Aluminium, Công ty xăng dầu PetroChina và Công ty Sinopec Thượng Hải. Trước đó, một công ty vận tải qua ứng dụng công nghệ internet VTC Didi, dưới sức ép của Bắc Kinh cũng đã phải rút khỏi Thị trường chứng khoán Wall Street chỉ mới sau 5 tháng lên sàn. Hay như hồi tháng 4 mới đây, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng thông báo đang chuẩn bị rút khỏi Mỹ, Anh và Canada do lo ngại về các lệnh trừng phạt, quy định và chi phí gia tăng.

Hiện có hai hướng để giải thích cho động thái này của các doanh nghiệp Trung Quốc. Thứ nhất là họ đã học được một bài học đắt giá từ cuộc chiến Nga-Ukraine, nên việc nghe theo chính quyền Bắc Kinh và hồi hương nguồn vốn. Nhất là trong các lĩnh vực chiến lược sẽ giúp các công ty nước này chuẩn bị sẵn sàng cho mọi lệnh trừng phạt nếu Trung Quốc phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Loan. Nhưng mặt khác, nhìn ở góc độ kinh tế, thì trong bối cảnh Mỹ Trung căng thẳng suốt nhiều năm qua đã khiến cho dòng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường Trung Quốc. Vì thế khi căng thẳng tiếp tục leo thang vì vấn đề Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh sẽ rất cần các doanh nghiệp trong nước đang đầu tư nước ngoài quay về tái đầu tư và vực dậy tăng trưởng cho nền kinh tế trong nước.

Cả ba số liệu về Trung Quốc bao gồm sản lượng công nghiệp, doanh thu bán lẻ và tăng trưởng tín dụng mới công bố vừa qua đều không đạt dự báo của giới phân tích. Kinh tế Trung Quốc đang thật sự giảm tốc cộng thêm những bất ổn từ chính trị có thể là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài hướng dòng vốn đầu tư về nước. Tuy nhiên, dù là ở góc độ nào đi nữa thì xu hướng rút vốn khỏi thị trường Mỹ vẫn sẽ còn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, nguy cơ dòng vốn rút về Trung Quốc không chỉ diễn ra ở Mỹ, mà sẽ còn là ở nhiều nước đồng minh với Mỹ hoặc những nước có tư tưởng thân phương tây. Dòng vốn các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm đến các nước có quan điểm thân thiện với Bắc Kinh và điều đó chắc chắn sẽ tạo ra hai khối kinh tế tách biệt nhau. Một bên là Nga và Trung Quốc, một bên là Mỹ và đồng minh.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Tính đến hết năm 2021, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 21.337 triệu USD với 3.325 dự án và xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 12/2021, Trung Quốc đã xếp thứ 4 trong danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 2.921 triệu USD và 204 dự án cấp mới. Chính vì vậy, khi làn sóng các doanh nghiệp lớn Trung Quốc tìm về ngày càng mạnh, sẽ kéo theo làn sóng đầu tư vào Việt Nam tăng cao. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ xây dựng được những dự án đầu tư mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần là sản xuất rồi xuất khẩu. Đơn cử như trong lĩnh vực điện và năng lượng, Tổng công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật Trung Quốc (CNTIC) – một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư dài hạn. Họ đang hợp tác với ta để phát triển các dự án phát điện lớn sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió và LNG. Nhiều lĩnh vực tiềm năng khác cũng còn đang chờ khai phá, điển hình như khai thác khoáng sản, kim loại công nghiệp dạng thô, thứ công nghệ Trung Quốc đang vượt trội hơn Việt Nam rất nhiều.

Có hai lý do quan trọng để doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chọn gia tăng vốn đầu tư tại Việt Nam chứ không phải các nước ASEAN khác. Thứ nhất Việt Nam là nước xuất siêu vào Hoa Kỳ, được hưởng lợi nhờ các hiệp định thương mại FTA, nên ở Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ yên tâm về việc xuất khẩu và doanh số bán hàng mà không lo về các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đồng minh. Thứ hai về mặt chính trị, Việt Nam là nước có chính sách thân thiện với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/8 cũng khẳng định rằng Việt Nam luôn kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc”. Lập trường của Việt Nam về Đài Loan là nhất quán, được thể hiện trong các văn kiện chung nhân các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chính vì vậy, nếu quan hệ Mỹ Trung tiếp tục leo thang, đặc biệt là càng rời xa nhau tạo thành thành những khối kinh tế riêng biệt, thì dòng vốn FDI sẽ càng tìm về Việt Nam. Bởi ở đây, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm thấy được con đường ngắn nhất đi đến cả hai khối kinh tế này. Kinh tế Việt Nam cũng vì thế sẽ giữ được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.

 

NGUỒN: CÁNH CÒ