Friday, 17th January, 2025 12:59
CÓ ỔN ĐỊNH MỚI CÓ PHÁT TRIỂN

Ngày 18/9, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” đã diễn ra với sự đồng chủ trì của Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là diễn đàn quan trọng nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và gợi ý chính sách cho Quốc hội, bảo đảm mọi quyết sách của Quốc hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc.

Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo những triển vọng khả quan nhưng cũng đối mặt với không ít yếu tố bất ổn. Trong tháng 9.2022, Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng ổn định. Xếp hạng của Moody’s phản ánh năng lực chống chịu tốt hơn của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài. Đây là một trong những minh chứng cho thấy những chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã phát huy được hiệu quả mong muốn.

Đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua là cú sốc lớn đối với nền kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Dịch bệnh đã khiến không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Cùng với dịch bệnh, căng thẳng quân sự Nga – Ukraine là cú sốc kép, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là nguồn cung ứng xăng dầu. Giá xăng dầu tăng mạnh trong quý II và III.2022 đã gia tăng thêm áp lực đối với các doanh nghiệp, đồng thời khiến cho nguy cơ lạm phát trở nên hiện hữu.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế và phấn khởi về xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng bao nhiêu, chúng ta càng cần cẩn trọng, sáng suốt và quyết đoán với các quyết sách kinh tế bấy nhiêu. Các chuyên gia kinh tế và chính trị cho rằng, thế giới đã và đang bước vào một giai đoạn đầy bất ổn (VUCA). Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới với bốn đặc trưng: biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity).

Trong một thế giới đầy bất ổn như vậy, ổn định và phát triển là hai mặt của cùng một vấn đề. Theo đó, ổn định là nền tảng của phát triển, có ổn định thì mới có phát triển trong khi phát triển phải góp phần củng cố ổn định. Ổn định là “bất biến” còn phát triển là “vạn biến”. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định, ổn định chính trị là nền tảng cho mọi sự phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo”. Theo đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô được Chủ tịch Quốc hội xác định là yếu tố “bất biến’’ để ứng phó với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước càng cần được tăng cường. Việc tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế đồng nghĩa với việc nền kinh tế trong nước trở nên dễ tổn thương hơn. Việc Mỹ và các nước châu Âu thực hiện hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong thời gian vừa qua là bài học đáng suy ngẫm. Chính sách kinh tế khôn ngoan, hợp lý phải tập trung vào việc phát huy nội lực, nâng cao khả năng tự lực tự cường, cải thiện năng lực chống chịu của nền kinh tế mà đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò xương sống của nền kinh tế.

Định hướng là như vậy nhưng giải pháp nào, công cụ quản trị và điều tiết nào, tổ chức thực hiện và giám sát như thế nào lại đòi hỏi trước hết là căn cứ khoa học, sau đó là quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội. Các chính sách đất đai, phát triển thị trường lao động, phát triển thị trường vốn, bảo đảm an sinh xã hội… đều cần dựa trên nền tảng khoa học, khách quan. Xét trên phương diện này, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” có cả ý nghĩa khoa học, chính trị và xã hội.

NGUỒN: BÁO NHÂN DÂN