Tuesday, 31st December, 2024 0:57

Chung tay hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh

Trong giai đoạn 2012-2022, Binh chủng Hóa học đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, dự án, phần việc trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) tồn lưu sau chiến tranh theo nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội giao. Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học kiêm Tổng giám đốc Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH và môi trường (NACCET).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhiều người chưa hình dung được quy mô và hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Chúng ta cần thông tin rõ hơn về thực chất cuộc chiến tranh này?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Đúng như vậy! Cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ và đồng minh gây ra ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Tính từ năm 1961 đến 1971, theo số liệu được công bố tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội (tháng 8-2016), quân đội Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin-một chất độc hại nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Quân đội Mỹ còn sử dụng hơn 9.000 tấn chất độc CS để phun rải trên chiến trường miền Nam nước ta, gây nhiễm độc môi trường rải rác ở các tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu: 4, 5, 7, 9; làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thực tế đã chứng minh: Chất độc da cam/dioxin đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ, hủy diệt sức khỏe con người, gây biến đổi gene di truyền đã đến thế hệ thứ ba, thứ tư, gây tai biến sinh sản, dị tật của nhiều đứa trẻ sinh ra, gây các bệnh ung thư…

PV: Ngày 1-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 651/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Binh chủng đã triển khai thực hiện kế hoạch đó như thế nào?

 

Chung tay hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh

Thiếu tướng Hà Văn Cử.

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Đảng, Nhà nước, quân đội rất quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu sau chiến tranh. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 651/QĐ-TTg thì thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 3490/QĐ-BQP ngày 16-9-2013 về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Bộ Quốc phòng” để giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong quân đội triển khai thực hiện.

Đối với Binh chủng Hóa học, trong xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh: Từ năm 2012 đến nay, binh chủng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài quân đội thực hiện 3 dự án về thu gom, xử lý chất độc CS và đạn dược chứa chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh; điều tra, phúc tra tại 293 huyện, thị xã, thành phố của 34 tỉnh thuộc các Quân khu: 4, 5, 7, 9; thu gom, xử lý một khối lượng lớn chất độc CS, đạn dược chứa chất độc CS và hàng nghìn khối đất nhiễm.

Trong xử lý các khu vực ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, binh chủng đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức quốc tế tiến hành điều tra, đánh giá, khoanh vùng, chôn lấp, cô lập khu vực ô nhiễm dioxin tại các sân bay quân sự và sân bay dã chiến từng được sử dụng trong chiến tranh. Có thể kể đến là Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 2 (XĐ-2)”; Dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm chất diệt cỏ chứa dioxin và asen trong đất tại một số sân bay dã chiến thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9”; Dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; thử nghiệm công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai)…

 

Chung tay hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh

Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: MINH HƯNG. 

 

PV: Những khó khăn nào gặp phải trong quá trình triển khai các dự án khắc phục hậu quả CĐHH tồn lưu, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Trong nhiều năm triển khai thực hiện các dự án, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Trước hết, khối lượng, diện tích ô nhiễm CĐHH rất lớn, phức tạp, phân bố không theo quy luật nên khó khăn trong đánh giá tổng thể. Thứ hai, địa bàn điều tra, thu gom xử lý rộng, địa hình phức tạp từ đồng bằng, trung du đến miền núi nên nhiều nơi phải thực hiện bằng các phương pháp thủ công. Thứ ba, chúng ta hiện mới chỉ làm chủ được công nghệ xử lý triệt để chất độc CS và sản phẩm thủy phân chất độc CS mà chưa làm chủ được các công nghệ xử lý triệt để chất độc da cam/dioxin. Hiện nay, các nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc da cam/dioxin trong điều kiện Việt Nam mới ở mức thử nghiệm ở quy mô pilot, chưa được áp dụng ở quy mô lớn. Các dự án, nhiệm vụ xử lý CĐHH tồn lưu với khối lượng lớn, phạm vi rộng cần kinh phí lớn, trong khi kinh phí dành cho nhiệm vụ còn hạn chế.

PV: Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Binh chủng Hóa học tập trung vào những trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Hà Văn Cử: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 651 với nhiều kết quả đạt được và còn chưa làm được, ngày 28-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2215/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH/dioxin sau chiến tranh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, ngày 10-2-2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Thông tư số 15/2022/TT-BQP về Ban hành điều lệ công tác bảo vệ môi trường của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, Binh chủng Hóa học được giao nhiều nhiệm vụ, trọng tâm là tiếp tục làm chủ công nghệ xử lý các loại CĐHH tồn lưu sau chiến tranh. Với chức năng là một binh chủng kỹ thuật và là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH và môi trường, chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tham mưu cho thủ trưởng Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành có liên quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các dự án xử lý chất độc da cam/ dioxin khu vực sân bay Phù Cát; tiếp tục điều tra, khoanh vùng, xử lý chất độc CS ở các vùng bị ô nhiễm, tồn lưu; điều tra khảo sát, thống kê xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, hỗ trợ xác định nạn nhân trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, làm chủ công nghệ xử lý CĐHH/dioxin; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả CĐHH… Bên cạnh đó, binh chủng đang tập trung xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển dụng, hợp tác quốc tế để thực hiện tốt nhiệm vụ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

NGUỒN: QDND