Sau 2 năm hứng chịu tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh, tới nay, nhiều doanh nghiệp bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhưng vẫn không đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng. Vì sao vậy?
Mặc dù thị trường lao động vẫn còn sự mất cân đối, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chiếu theo lẽ thường, nếu thiếu lao động, doanh nghiệp càng phải chăm lo phúc lợi tốt hơn cho lao động, kèm theo đó phải tăng lương thì mới giữ chân được lao động. Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Huỳnh Thị Mỹ – Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, dù không phải là ngành thâm dụng lao động, nhưng hiện nay các doanh nghiệp thuộc ngành này cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội có hơn 300 doanh nghiệp thành viên, sử dụng khoảng 300 nghìn lao động.
Mặc dù không chịu tác động mạnh như một số ngành khác, năm 2021 nhiều đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất nhựa vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 5%.
“Dù vậy, chi phí nguyên liệu, chi phí vận chuyển đường biển… tăng cao cũng kéo theo chi phí sản xuất gia tăng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn”, bà Mỹ nói.
Đề cập tới câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng, bà Mỹ cho rằng: “Doanh nghiệp nào cũng cần người lao động. Ai cũng muốn chăm lo nhiều hơn cho lao động bởi vì có chăm lo tốt cho lao động thì họ mới gắn bó, doanh nghiệp mới phát triển được. Lẽ thường là vậy, nhưng có nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn ‘lực bất tòng tâm’ không thể làm gì được”.
Theo bà Mỹ, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt đã chủ động tăng lương ngay từ đầu năm, không phải đợi tới khi Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng thì mới tăng. Vấn đề là tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm gia tăng tiền đóng BHXH, quỹ tiền lương… và tăng chi phí sản xuất. Trong bối cảnh “sức khỏe” doanh nghiệp còn đang yếu hậu Covid-19 thì điều này có thể tạo thêm một “cú đập” nữa khiến doanh nghiệp khó khăn khó ngóc đầu lên được nữa.
Nhiều chuyên gia thì cho rằng câu chuyện thỏa thuận về chế độ tiền lương giữa người lao động và doanh nghiệp trong nền cơ chế thị trường là vấn đề bình thường. Trong bối cảnh lao động khó khăn, kinh tế trên đà phục hồi cũng nên tăng lương cho lao động.
TS Đỗ Quỳnh Chi – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, việc trả mức lương đủ sống cho người lao động là vấn đề “sống còn” đối với DN. Bà Chi cho rằng đôi khi các bên nhìn nhận vấn đề tăng lương theo kiểu thắng – thua, chứ không phải là hai bên cùng thắng theo kiểu “Người lao động được hưởng mức lương cao hơn và DN cũng được hưởng lợi nhiều hơn”. Nữ chuyên gia này cho rằng trong 2 năm đại dịch, không ai có thể phủ nhận những nỗi khổ của người lao động.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát tiền lương công nhân lao động Bắc Thăng Long (Hà Nội). (ẢNH: N.T)
“Nỗi khổ ấy không chỉ về vật chất, kinh tế, sức khỏe mà tinh thần cũng bị kiệt quệ. Một khảo sát của chúng tôi vào tháng 9/2021 cho thấy tỉ lệ bị bạo lực gia đình trong công nhân may, giày da tăng gấp đôi so với trước đó. Điều này rất kinh khủng, đó là lý do vì sao sau khi các địa phương phía Nam dừng thực hiện Chỉ thị 16 thì có hàng loạt công nhân bỏ về quê. Công nhân có trở lại nhà máy hay không phụ thuộc vào việc DN đối xử với họ trong thời gian dịch cũng như thời gian sắp tới” – bà Chi nhìn nhận.
Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như DN. Bà Minh nhấn mạnh: “Để có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt. Muốn vậy, chúng ta phải chăm sóc để người lao động có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ – và tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó”.
Bà Nguyễn Thu Giang- Phó Viện trưởng viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) thì cho biết, vấn đề tiền lương là vấn đề sống còn với người lao động, đặc biệt lao động di cư.
Bà Giang cũng cho biết, khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2020 công bố năm 2021 cũng cho thấy trong khi thu nhập lao động di cư giảm vì Covid-19 thì chi tiêu của người lao động lại gia tăng (chênh lệch tiền lương trước trong giãn cách lên tới hơn 3 triệu 1 người/1 tháng vào cuối năm 2020). Điều này đã đẩy nhiều công nhân lao động tới mức túng quẫn, không thể bám trụ được ở thành phố. Nhiều người chọn giải pháp về quê sinh sống.
“Nếu không tăng lương, quan hệ lao động khó hài hòa, biểu tình, đình công có thể xảy ra. Người lao động cũng không tìm được động lực để cố gắng lao động, sản xuất, gắn bó với công ty”, bà Giang nói.
NGUỒN: DÂN VIỆT