Tuesday, 21st January, 2025 1:13

ĐÔNG NAM Á CÓ NHIỀU CƠ HỘI NẾU KINH TẾ EU BỊ SUY THOÁI

Các nước Đông Nam Á đang có nhiều cơ hội lẫn thách thức từ việc kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với suy thoái, theo báo Đức Deutsche Welle.

Hầu hết các nhà kinh tế học đều nhận định EU sẽ phải đối mặt với một mùa đông khó khăn với nạn lạm phát tăng tại đa phần khu vực này. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đẩy hóa đơn tiền điện và khí đốt của người dân, các doanh nghiệp lên mức tối đa. Việc này được dự đoán sẽ còn trầm trọng hơn vào cuối năm 2022.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ kéo giảm sức tiêu dùng. Hầu hết các dự báo đều nêu kinh tế châu Âu sẽ co nhỏ trong năm nay. Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo kinh tế vùng sử dụng đồng euro sẽ suy yếu 2% trong quý 4/2022, trong khi tạp chí The Economist viết “một cuộc suy thoái đang xuất hiện” trong bài đăng tuần trước.

Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á đang theo dõi tình hình kinh tế với cảm xúc vừa lo lắng vừa chuẩn bị đón nhận những cơ may.

EU là đối tác thương mại lớn của ASEAN

Bà Tamara Henderson, nhà kinh tế học của Bloomberg Economics về khu vực Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nói: “Một cuộc suy thoái ở EU sẽ tác động mạnh nhất đến lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, du lịch và đầu tư của Đông Nam Á. Các lĩnh vực này rất có thể yếu hơn trong nửa cuối năm 2022”.

Bà Henderson cho rằng tốc độ tăng trưởng hằng năm chậm hơn ở những lĩnh vực này, nhưng không phải là “sự suy giảm hoàn toàn, một phần là do tác động thấp của đại dịch COVID-19”.

Đa số các nước ASEAN đều coi EU là một trong 4 đối tác thương mại lớn nhất và đã xuất khẩu qua EU số hàng hóa trị giá khoảng 136 tỉ euro (136,8 tỉ USD) trong năm 2021, tăng so với 120 tỉ euro hồi năm 2020, theo dữ liệu EU. Trong khi đó, các nước EU chiếm khoảng 15% trong tổng khoản đầu tư vào khu vực ASEAN hồi năm 2021, theo các thống kê của ASEAN.

Khách du lịch châu Âu chỉ chiếm 5% trong tổng số du khách đến khối ASEAN hồi năm 2019, trước khi xảy ra dịch COVID-19. Nhưng nhóm du khách châu Âu tiêu tiền nhiều hơn du khách Trung Quốc hoặc từ các nước Đông Nam Á, theo các nhà phân tích.

Trên hết, các nước dựa vào du lịch tại khu vực ASEAN đang nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp không khói này. Số du khách châu Âu đến khu vực tránh đông vào cuối năm nay sẽ là lực lượng chủ yếu.

Hồi tháng 3, một báo cáo từ ngân hàng Maybank của Malaysia đã cảnh báo rằng chiến tranh tại Ukraine đã dẫn đến cuộc suy thoái ở châu Âu và sẽ gây “tổn thất ngoài dự kiến cho ASEAN”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2022 từ 3,6% xuống còn 3,2%, và còn hạ đến 2,9% trong năm 2023.

Hồi tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng hạ mức dự báo phát triển của châu Á, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á, từ 5,2% xuống còn 4,6% trong năm 2022 và từ 5,3% xuống 5,2% trong năm 2023.

Nhà kinh tế học James Villafuerte của ADB nói tác động của suy thoái kinh tế châu Âu sẽ biến động đáng kể đối với từng quốc gia. Ví dụ, theo dữ liệu EU thì khối này mua 1/5 hàng hóa xuất khẩu của Campuchia hồi năm 2021, nhưng chỉ mua 9% hàng hóa xuất khẩu của Indonesia.

Báo Deutsche Welle dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam, rằng EU mua khoảng 11% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 10% của Malaysia. Trong nửa đầu năm nay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua EU đã tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Tác động không đáng kể

Các nhà phân tích nói cuộc suy thoái kinh tế EU sẽ không làm sụp đổ các nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng sẽ tác động đến các ngành công nghiệp chủ lực, nhất là khi ASEAN đang trong giai đoạn sau dịch COVID-19.

Tình hình sẽ xấu hơn nếu một cuộc suy thoái kinh tế EU song hành với một cuộc suy thoái tương tự ở Mỹ vào cuối năm nay (vẫn là một nguy cơ) và ở Trung Quốc, nơi chưa từ bỏ chính sách “zero COVID”.

“Một cuộc suy thoái kinh tế EU sẽ gây tổn thất cho hoạt động xuất khẩu của ASEAN, nhưng có nhiều cơ hội là tác động này sẽ không đáng kể về sức tăng trưởng xuất khẩu nói chung”, theo nhà kinh tế trưởng Miguel Chanco ở tổ chức tư vấn Pantheon Macroeconomics (Anh).

Các nhà phân tích còn nói một cuộc suy thoái kinh tế EU sẽ không có nhiều tác động đến một số nền kinh tế ASEAN. Các nước Đông Nam Á không dựa nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu. Năm ngoái, ASEAN chỉ nhập số hàng hóa trị giá 80 tỉ euro từ châu lục này.

Ông Chanco nhận định việc ASEAN tăng giao thương với Trung Quốc sẽ có thể bù đắp cho sự giảm mua bán với EU.

Một cơ hội cho Đông Nam Á?

Đông Nam Á đang trải nghiệm nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhờ nền kinh tế đã phục hồi sau dịch COVID-19.

Bà Henderson nói: “Điều đó có nghĩa sức tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước Đông Nam Á sẽ mạnh hơn trong năm 2022. Khu vực này đã và đang tiếp tục làm việc để phát triển cơ sở xuất khẩu đa dạng hơn. Khu vực này cũng đang thực hiện các cải cách một cách chậm rãi nhưng đều đặn, cho phép hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn trong ASEAN để giúp chống lại các cú sốc từ bên ngoài. Như hiện tại, dòng chảy thương mại trong Đông Nam Á đã sánh ngang với Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chẳng hạn Indonesia và Philippines, xuất khẩu ròng chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong nền kinh tế nói chung”.

Mặt khác, vài quốc gia Đông Nam Á thậm chí được hưởng lợi từ những thách thức mà EU đang phải đối mặt, theo ông Chanco. Ví dụ năng lượng xuất khẩu của Indonesia – nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới – sẽ đạt mức cầu cao trong mùa đông tới, căn cứ vào việc vẫn chưa có giải pháp nào để kết thúc chiến tranh ở Ukraine.

Indonesia cũng là một nhà xuất khẩu than hàng đầu, dù nước này đã hai lần cấm xuất khẩu than nhằm bảo vệ nhu cầu sử dụng trong nước. Có thể lệnh cấm này sẽ được dỡ bỏ vào cuối năm nay, nhất là sau khi EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga và đang cần nguồn cung mới.

Filippo Bortoletti của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates lưu ý “một cuộc suy thoái kinh tế EU sẽ càng thúc đẩy nhiều doanh nghiệp châu Âu tìm cách đầu tư và tái hoạt động ở Đông Nam Á, tìm thấy sức sống mới và cơ hội tăng trưởng tại khu vực này, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của thế giới”.

 

NGUỒN: MỘT THẾ GIỚI