Saturday, 21st December, 2024 21:24

ĐỪNG CỐ TÌNH ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM!

I. Tiếp sức, vinh danh cho hành động phạm pháp, tự nó đã lộ rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam. Đúng 7 giờ sáng ngày 9/8/2022, VOA Tiếng Việt đưa tin “Blogger Phạm Đoan Trang sắp ra toà phúc thẩm”. Kèm theo lời bình có cánh, thể hiện ủng hộ, bảo vệ hành động trái pháp luật của Phạm Đoan Trang là dòng chữ hàm chứa bản chất đánh tráo khái niệm: “Nữ nhà báo tự do đấu tranh cho dân chủ Phạm Đoan Trang, 44 tuổi, có lịch ra tòa trong phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 25/8”.

“Đấu tranh cho dân chủ”- cụm từ thật não lòng. Đó chính là sự tiếp nối bản chất đánh tráo khái niệm mà lâu nay nhiều cá nhân, tổ chức như Việt Tân, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Đài BBC, VOA Tiếng Việt, Đài Phát thanh châu Á tự do (RFA)…, đã “phong” cho Phạm Đoan Trang cái danh hiệu sặc mùi giả tạo: “Nữ nhà báo tự do đấu tranh cho dân chủ”!

Thậm chí, có kẻ còn không biết ngượng khi tâng bốc hành động phạm pháp của Trang lên tầm cỡ quốc tế bằng cách phong tặng nhiều giải thưởng “đanh đá”. Điển hình là Hoa Kỳ trao cho Phạm Đoan Trang “giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế” (IWOC). Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) – một tổ chức phi chính phủ núp bóng thực hiện mục tiêu “chuyên thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới” để trao cho Trang “giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022”.

Tởm hơn, khi trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Shawn Crispin – Đại diện Cấp cao của Uỷ ban Bảo vệ Ký giải tại khu vực Đông Nam Á đã phân tích lý do Phạm Đoan Trang được trao giải năm 2022 là vì: “Trang có công thúc đẩy tự do báo chí ở Việt Nam”, “Trang đang ở trong tù và trước đó phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền VN trong suốt nhiều năm, trước khi họ quyết định giam cầm cô bằng một bản án giả tạo”.

Từ đó, ông Shawn Crispin liều lĩnh quy chụp: “chính quyền giam cầm bà Trang cho thấy xã hội và chế độ ở Việt Nam chưa hoà nhập được với thế giới văn minh, cụ thể là ở các giá trị như tự do báo chí và dân chủ”. Rồi ông lớn tiếng kêu gọi: “Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam nên bắt đầu coi tự do báo chí là một điều cần thiết, để khắc phục những vấn đề nội tại trong xã hội, để cải thiện vấn đề quản trị công và để đưa đất nước đi lên. Hãy coi những nhà báo tự do, những nhà báo độc lập là đối tác trong tiến trình kiến quốc, và đừng coi họ là kẻ thù nữa.”

II. Thực tế vẫn còn lắm kẻ hiểu “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” và “hoạt động dân chủ” theo kiểu cách xuyên tạc, đánh tráo khái niệm.Bởi vậy, rất cần khẳng định một số vấn đề cho thấu rõ:

– Trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng, có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định của nước đó.

– Tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

– Việc thực hiện tự do báo chí ở mỗi quốc gia phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.

– Trong xã hội có giai cấp thì báo chí bao giờ cũng mang tính giai cấp. Việc áp đặt n quan điểm, khái niệm về tự do báo chí của phương Tây làm tiêu chuẩn cho tất cả quốc gia là một cách tiếp cận sai lầm và vô lý. Sự áp đặt đó là nhằm làm giảm vị thế của các quốc gia khác, kéo dài sự phụ thuộc và mở rộng ảnh hưởng của các nước tư bản phương Tây.

– Người làm báo ngoài sự chế định của pháp luật còn có sự chi phối của lương tâm, trách nhiệm và sự giác ngộ chính trị. Tự do sáng tạo trong báo chí phải đi liền với việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ xã hội, vì lợi ích đại đa số nhân dân.

– Hoạt động phạm pháp, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ chính trị Việt Nam dù có nhiều thành tích đến mấy cũng không thể gọi là “nhà hoạt động dân chủ” và nếu vì dân chủ thực sự thì đã không hoạt động chống phá.

III. Hành động phạm pháp của Phạm Đoan Trang rõ như ban ngày, mọi sự bênh vực đều vô nghĩa. Tạiphiên tòa xét xử ngày 14/12/2021, cơ quan chức năng đưa ra đủ bằng chứng Phạm Đoan Trang về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, chịu hình phạt tù giam 9 năm.

Hội đồng xét xử cũng nhấn mạnh: “Bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi, tuy nhiên vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần, cần thiết xử phạt nghiêm minh”. Hành vi xuyên tạc đường lối chính sách, phỉ báng chính quyền của bị cáo Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân

Cụ thể là từ ngày 16-11-2017 đến 5-12-2018, Phạm Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, điển hình là “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.  Quá trình làm việc với cơ quan công an, bị cáo Đoan Trang xác nhận mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đoan Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra. Theo kết luận của viện kiểm sát, các tài liệu đó có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài (BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA) với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, “phỉ báng chính quyền nhân dân”.

Kết luận: Hành động phạm pháp của Phạm Đoan Trang đã rõ. Kết luận của cơ quan chức năng đã chính xác, minh bạch, công khai, đúng người, đúng tội. Những kẻ phạm tội và kẻ bênh vực cho phạm tội không thể nhân danh “tự do báo chí, tự do ngôn luận, hoạt động dân chủ” để chống phá cách mạng Việt Nam theo kiểu Đoan Trang. Ở Việt Nam không thiếu tự do báo chí, tự do ngôn luận và cũng không đói khát dân chủ, nhân quyền. Do vậy, tuyệt nhiên không cần đến kẻ bất lương nào phải làm việc hoài công không ai cần nhờ cậy đó!

 

NGUỒN: NGUYỄN HƯƠNG