Saturday, 20th April, 2024 8:27

HẠN HÁN Ở TRUNG QUỐC VÀ TẦM NHÌN CỦA VIỆT NAM

Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26 với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu. Đây là một chiến lược thể hiện tầm nhìn xa bởi Việt Nam cũng đang phải gánh chịu nhiều hậu quả như thiên tai, lũ lụt, hạn hán… ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của người dân. Đợt hạn hán kỷ lục ở nước láng giềng Trung Quốc mới đây cũng nhắc nhở chúng ta về những hậu quả nghiêm trọng của thảm họa này.

“Mực nước hồ giảm từ 19,43m xuống còn 7,1 m; lượng mưa giảm 60%; 267 trạm thời tiết báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục; tình trạng khô hạn kéo dài hơn 70 ngày; 10 hồ chứa trong 1 tỉnh giảm xuống dưới mực nước chết”. Đó là những số liệu khủng khiếp về đợt hạn hán đang hoành hành ở nước láng giềng Trung Quốc và làm giảm nghiêm trọng sản lượng thủy điện cũng như cản trở sự phát triển của cây trồng trước mùa thu hoạch năm nay. Hiểm họa về thời tiết bất thường và biến đổi khí hậu đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo từ “mẹ thiên nhiên” và Việt Nam ta, một nước làm nông nghiệp cần hết sức lưu ý vấn đề này.

Những năm qua, Việt Nam cũng nhiều lần phải đối mặt với tình trạng hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận và đồng bằng Sông Cửu Long. Chính quyền và nhân dân tại các địa bàn đó đã từng phải đưa ra nhiều biện pháp cấp bách như: xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt; giám sát việc vận hành việc điều tiết nước các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện; ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm… Vấn đề chú trọng bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên nước ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là khi nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển nhanh và đạt mục tiêu trở thành nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Hạn hán là một hiện tượng khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ những thiệt hại do hạn hán gây ra thông qua việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như: Xây dựng mới và nâng cấp các công trình tưới tiêu, giành thế chủ động tưới tiêu trên phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp, đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài phòng, chống hạn hán. Ngoài ra, một giải pháp phòng chống hạn khác có hiệu quả lâu dài và bền vững là trồng rừng và bảo vệ rừng.

Một chiến lược tầm xa hơn nữa là liên kết, thu hút các nguồn lực quốc tế để tài trợ cho các nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu. Đó là lý do để Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26 và đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu, giảm khí thải carbon, đồng thời kêu gọi được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các đối tác. Có thể thấy, nguy cơ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt luôn hiện hữu, nhưng Việt Nam đã có đầy đủ tầm nhìn và giải pháp, cả về ngắn hạn và dài hạn.

 

NGUỒN: CÁNH CÒ