Sunday, 22nd December, 2024 13:59

 

LIỆU CÓ NÊN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG MANG TÊN VUA GIA LONG?

Tháng trước, báo chí nước ta đều đưa tin về việc Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) ở Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học “Công lao và những đóng góp quan trọng của Vua Gia Long” vào ngày 31/5, nhân kỷ niệm 220 năm ngày vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn lên ngôi hoàng đế. Trong đó nổi bật là việc đề xuất việc đặt tên đường Gia Long ở thành phố Huế. Điều này đã tạo nên hai luồng ý kiến khen – chê (ủng hộ – phê phán) tranh biện rất gay gắt trên mạng xã hội.

Có một sự thực rằng Nguyễn Ánh – Gia Long là một nhân vật cực kỳ phức tạp và rất khó để đánh giá một cách hoàn chỉnh, toàn diện để đi tới một cách nhìn thống nhất. Sự phức tạp này cũng giống như bối cảnh lịch sử mà chính nhân vật này ra đời, và dấn thân vào con đường hoạt động chính trị. Nguyễn Ánh sinh ra trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, nước Đại Việt vẫn còn chưa thống nhất. Khi ông vừa lớn lên thì lại gặp bao biến cố lớn: 4 tuổi, cha bị quyền thần ngoại thích Trương Phúc Loan bắt giam và chết trong ngục tối; 9 tuổi, Tây Sơn khởi nghĩa làm lung lay cơ nghiệp của tổ tiên; 13 tuổi, chính quyền chúa Nguyễn bị quân đội chúa Trịnh liên minh cùng quân Tây Sơn đánh kẹp từ hai mặt, khiến ông và 4 anh em trong nhà theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam rồi vượt biển vào Gia Định. Từ đây, dù đang nhỏ tuổi nhưng ông đã phải trải qua những năm tháng hết sức khốn cùng và nguy hiểm.

Bản thân Nguyễn Ánh chỉ là con thứ (thứ 3) của vương tử Nguyễn Phúc Luân, chắc hẳn rằng ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm vua lập nên một triều đại lớn của đất nước, nếu như không gặp phải những biến động chính trị lớn lao đó. Nhưng vì mang trong mình dòng máu của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nên dù đang ở tuổi học tuổi chơi, ông đã phải gánh trên vai cơ đồ và sự nghiệp của tổ tiên, để rồi chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó đã biến ông trở thành vị vua sáng lập nên một triều đại.

Quay trở lại với việc đề xuất đặt tên đường mang tên Vua Gia Long tại Huế, tại cuộc tọa đàm khoa học có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở trong và ngoài nước gửi tham luận tham gia đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó còn có nhiều Facebooker nổi tiếng đăng tải status ủng hộ việc đánh giá lại Vua Gia Long và ủng hộ việc đặt tên đường. Tựu trung có 5 ý lớn, nêu bật công tích của Vua Gia Long. Tuy nhiên theo chúng tôi, việc gắn cho nhà vua với những công trạng này có chỗ chưa thỏa đáng. Chúng tôi xin trao đổi cụ thể như sau:

* Vua Gia Long có công rất lớn trong việc thống nhất, mở mang bờ cõi nước ta với vùng đất rộng lớn từ ải Nam Quan đến đất mũi Cà Mau.

Nước ta thế kỷ 16 bị chia thành Nam Triều và Bắc Triều với hai chính quyền Lê Mạc đối địch. Tới thế kỷ 17 lại bị chia là

m 2 miền Đàng Trong và Đàng Ngoài (1666) với hai chính quyền Trịnh – Nguyễn đối địch. Cho tới năm 1789 sau khi đánh bại Mãn Thanh, Vua Quang Trung là vị Hoàng đế duy nhất nắm quyền điều hành chính thống tại nước ta do trước đó Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, còn Vua Lê Chiêu Thống nhà Lê đã lưu vong sang nhà Thanh. Nhờ chiến thắng trước quân Xiêm và quân Thanh mà uy tín của Hoàng đế Quang Trung trong lòng sĩ dân bấy giờ ngày càng cao, đồng thời lại được chính triều Thanh sắc phong làm An Nam quốc vương (thay thế địa vị của nhà Lê) nên tính chính thống lại cao hơn bao giờ hết. Nhưng việc thống nhất đất nước vẫn chưa được thực hiện bởi Nguyễn Ánh đang hùng cứ Gia Định (dù chưa xưng đế) và ngày càng lấn ra Diên Khang và Bình Thuận. Chính vì vậy sẽ không sai khi nói Vua Gia Long là người thống nhất đất nước sau khi ông thành lập triều Nguyễn. Nhưng phải nhớ rằng việc làm chủ cả nước Việt rộng lớn từ Bắc chí Nam, Vua Gia Long kế thừa rất nhiều từ những thành tựu mà Vua Quang Trung đã làm được từ trước đó: “Vua Quang Trung trồng cây, Vua Gia Long hái quả”. Còn việc mở mang bờ cõi thì lại là công của các chúa Nguyễn chứ không phải của Vua Gia Long, mà ngược lại, chính Vua Gia Long đã làm mất lãnh thổ của Tổ quốc, khiến cho diện tích đất nước thu hẹp lại rất nhiều so với trước đó.

* Vua Gia Long ổn định và phục hồi nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước sau thời gian dài chiến tranh, loạn lạc.

Với việc lập ra một triều đại mới, thì ổn định mọi việc là điều phải làm trước nhất. Nhưng điều đáng chú ý là trong suốt 18 năm Vua Gia Long cai quản đất nước, về chính trị: có tới hơn 90 cuộc khởi nghĩa nổ ra với nhiều lý do khác nhau trong đó có nguyên nhân do chính sách thuế khóa và lao dịch nặng nề. Chính vì việc tăng thuế cao hơn thời Tây Sơn nên người dân nước ta rất bất bình, tạo nên nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình lúc bấy giờ. Về kinh tế: Vua Gia Long không quan tâm đến thương mại nên ngoại thương thời Gia Long bị thu hẹp rất nhiều so với thời Tây Sơn. Các nước tư bản phương Tây như Anh hay Pháp tới xin giao thương, nhà vua đều từ chối và cũng không cho phép họ lập phố buôn trên lãnh thổ nước ta. Việc người châu Âu tới đặt quan hệ ngoại giao và thương mại từ sớm là cơ hội rất lớn để đất nước có thể duy tân và thoát Á, nhưng từ chính việc xa lánh phương Tây dưới thời Gia Long đã khiến cho nước ta mất đi cơ hội quý giá đó.

* Vua Gia Long đặt quốc hiệu “Việt Nam”.

Việc đặt tên nước là Việt Nam mà nước ta còn dùng tới ngày nay cũng chưa hoàn toàn là công của Vua Gia Long vì 2 lẽ: Thứ nhất, Vua Gia Long xin đổi quốc hiệu là “Nam Việt”, nhà Thanh sợ trùng với Nam Việt bao gồm cả đất Lưỡng Quảng của Trung Hoa nên mới đổi thành “Việt Nam”. Thứ 2, “Việt Nam” đã xuất hiện vào thế kỷ 14 khi danh sĩ Hồ Tông Thốc viết bộ sử mang tên Việt Nam thế chí. Tới thế kỷ 16, Việt Nam lại xuất hiện trong tập Trình tiên sinh quốc ngữ văn của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt nhất phải kể đến mảng văn khắc ở thế kỷ 16 – 17 như văn bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Phòng, văn bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, văn bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh… trong đó nổi bật nhất là văn bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới giáp với Trung Hoa có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan”.

* Vua Gia Long củng cố, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với nhiều đảo, quần đảo ở Biển Đông và đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Dưới thời các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong, chính quyền Phú Xuân đã xác lập chủ quyền của mình đối với “Bãi Cát Vàng” tức hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay, được rất nhiều bộ thư tịch ghi lại rất rõ ràng như Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686) của Giám sinh Đỗ Bá Công Đạo; Quảng Thuận đạo sử tập (năm 1774) của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh; Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Bảng nhãn Lê Quý Đôn…

* Vua Gia Long cũng là vị vua cho xây dựng hệ thống kiến trúc kinh thành Huế tồn tại cho đến ngày hôm nay và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Khi Vua Gia Long định đô tại Phú Xuân, thì Thăng Long trở thành cố đô. Theo quan niệm cố đô không thể to hơn kinh đô nên Vua Gia Long đã cho phá thành Thăng Long thời Lê và cho xây thành mới ở vị trí cũ với quy mô nhỏ bé hơn. Đại thi hào Nguyễn Du là người đương thời, nên trong bài Thăng Long (kỳ nhất) đã phải cảm thán:

Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
(Những ngôi nhà hùng tráng có từ ngàn xưa nay đã thành đường cái,
Một thành trì mới làm mất đi cung điện ngày xưa)

Bà Huyện Thanh Quan cũng tỏ ra tiếc nuối:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Sang thời Minh Mạng, nhà vua mở cuộc cải cách hành chính lớn, cho đổi Bắc Thành thành tỉnh Hà Nội. Năm 1835, nhà vua lại cho hạ thấp tường thành xuống 1 thước 8 tấc (tương đương 3,7m), và đóng hai cửa Tây và Nam. Từ đây, thành được gọi là thành Hà Nội.

Như vậy, không phủ nhận việc Vua Gia Long “xây dựng hệ thống kiến trúc kinh thành Huế tồn tại cho đến ngày hôm nay và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới” nhưng vẫn phải thừa nhận rằng chính Vua Gia Long cũng đã làm mất đi 1 di sản văn hóa của nước ta là hệ thống kiến trúc kinh thành Thăng Long gần cả ngàn năm lịch sử.

Việc thành lập nên triều đại từ một cuộc nội chiến như triều Nguyễn, so với việc thành lập triều đại từ một cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm như triều (Hậu) Lê rõ ràng có sự khác biệt. Vậy nhưng, trước và sau khi lập nên triều Nguyễn, Vua Gia Long lại phạm phải 2 sai lầm hết sức nghiêm trọng, đi ngược lại với tư tưởng và quyền lợi của dân tộc nói chung và chính các đời chúa Nguyễn nói riêng, dù biện luận ra sao cũng không thể nào thay đổi được.

Thời kỳ đang còn là Nguyễn vương ở Gia Định đối địch với nhà Tây Sơn, ông ký Hiệp ước Versailles năm 1787 với triều đình Louis XVI (tiếng Pháp: Traité de Versailles de 1787) đồng ý nhượng cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn cho nước Pháp để họ đưa quân đội, vũ khí sang giúp đánh nhà Tây Sơn (nhưng may mắn là Cách mạng tư sản Pháp nổ ra nên Hiệp ước này không thực hiện)

Ở miền Nam, vì muốn tiêu diệt Tây Sơn nên ông đã mở đường cho 3 vạn quân chính quy của triều đình Chakri nước Xiêm La vào đánh phá. Còn tại miền Bắc, ông lại đem tặng 50 vạn cân gạo tăng phần lương thảo cho quân Thanh khi chúng vào nước ta mưu đồ xâm lược (nhưng may mắn là thuyền gặp bão nên đã đắm hết toàn bộ số lương thảo đó).

Ở thời điểm bấy giờ, Xiêm La đang có tham vọng “Đông tiến” còn Mãn Thanh cũng có tham vọng “Nam tiến” để từng phần sáp nhập lãnh thổ nước ta vào đất nước họ. Hơn nữa, khi vào trong nội địa nước ta, quân Xiêm và quân Thanh đã thi hành những chính sách hết sức bạo ngược, làm tổn hại rất lớn đến quốc thể và dân sinh.

Như vậy, rõ ràng chúa Nguyễn Ánh mở đường cho quân đội chính quy từ một quốc gia khác vào trong nước để tranh đoạt chính quyền với nhà Tây Sơn chỉ đơn thuần là quyền lợi của gia tộc. Đến đây, chúa Nguyễn Ánh không còn giữ được chính danh, mà lại theo vết xe đổ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống năm xưa, xem lợi ích gia tộc cao hơn lợi ích dân tộc và phản bội lợi ích của quốc gia – dân tộc.

Các triều đại trước đây chưa từng ghi nhận trường hợp nào dẫn đường cho quân đội chính quy từ một đất nước khác vào trong nước để giải quyết vấn đề nội chiến mà không bị lên án. Trường hợp chiến tranh Lê – Mạc kéo dài 144 năm hay chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài 148 năm, cả hai bên đều là hai thế lực không dung hòa, mục tiêu chung của họ trong cuộc chiến là tìm mọi biện pháp để loại trừ bên đối địch. Do đó việc quan trọng hàng đầu của cả hai chính quyền Lê – Mạc, sau này là chính quyền Trịnh – Nguyễn đều là xây dựng và củng cố lực lượng quân sự lớn mạnh để có thể chiến lợi thế và giành chiến thắng trên chiến trường. Vậy nhưng không một chính quyền nào trong 4 chính quyền trên lại liên minh quân sự với quốc gia khác để đưa quân đội vào trong nước nhằm giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ

Dù sau này triều đại nhà Mạc, rồi triều Tây Sơn có suy tàn và diệt vong, nhưng hai triều đại đó vẫn không cầu viện quân sự từ vương triều nước ngoài đưa về trong nước, nên trong suốt thời gian nhà Mạc và nhà Tây Sơn làm chủ, nước ta không phải chịu bất cứ một sự cai trị trực tiếp hay gián tiếp nào liên quan tới yếu tố ngoại bang. Đặc biệt nhất chính là tinh thần xem lợi ích dân tộc cao hơn lợi ích triều đại của các vua quan nhà Mạc, thể hiện qua câu nói của quan đại thần Mạc Ngọc Liễn:

“Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng… Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế!… Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.

Như vậy, rõ ràng việc Vua Gia Long từng mở đường cho 3 quốc gia là Pháp, Xiêm La và Mãn Thanh can thiệp quân sự vào đất nước ta thực sự là việc làm không thể dung thứ.

Sang đến thời kỳ đã làm chủ toàn cõi nước ta và lập nên triều Nguyễn, vì để trả công cho việc quốc trưởng Vạn Tượng liên minh với Xiêm La và Nguyễn Vương đánh nhà Tây Sơn, nên Vua Gia Long lại cắt rất nhiều đất đai cho nước họ. Việc này được chính sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí ghi lại rất rõ ràng. Tổng cả, Vua Gia Long đã cắt 4 vùng đất vô cùng rộng lớn của nước ta là Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Định, Trấn Biên để tặng cho Vạn Tượng (Lào).

Một vấn đề mang tính xuyên suốt trong lịch sử nước ta đó chính là vấn đề về lãnh thổ. Dân gian ta có câu: “Tấc đất tấc vàng”. Còn hoàng đế (Lê Thánh Tông) thì có câu: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ. Nếu đem một thước một tấc đất của tổ tiên làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di” đã cho thấy quan điểm chính trị và ý thức về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt Nam là không bao giờ được để mất lãnh thổ, dù chỉ là 1 tấc đất.

Tây Bắc hay Đông Bắc và đặc biệt là Tây Nam Nghệ An – nơi tiếp giáp với các vùng đất bị cắt kể trên đều là những vùng đất biên viễn, luôn được các triều đại phong kiến đánh giá đúng đắn và quan tâm tới mọi biến động ở đó. Dưới thời Lý, Vua Lý Thái Tông tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành giành được thắng lợi và xuống chiếu ban sư và “xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành”. Chính quyền nhà Lý từ thế kỷ 11 đã nhận thức được chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới nên đã sớm đưa dân lên những vùng xa xôi định cư và khai khẩn, và mục đích lớn nhất đó là giữ đất. Việc này làm đã nói lên tầm quan trọng của những mảnh đất biên cương địa đầu đất nước. Bên cạnh đó cũng đã có hàng chục lần vua Lý cùng các tướng giỏi cất quân đi chinh phạt ở biên giới phía Tây. Thời Trần cũng nối tiếp chính sách thời Lý, có tới gần 10 lần đi chinh phạt tại các vùng biên giới.

Vào niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335), nước Ai Lao quấy nhiễu biên cương phía Tây nước ta, Thượng hoàng Trần Minh Tông nhiều lần tự làm tướng thân chinh đi đánh dẹp để ổn định các vùng đất ở biên giới. Danh sĩ Đoàn Nhữ Hài cũng vì bảo vệ sự bình yên của mảnh đất biên cương mà phải hy sinh trong trận giao tranh với Ai Lao. Tấm bia “Ma nhai kỷ công bi văn” do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn khắc lên vách núi Trầm Hương (nay thuộc xã Chi Khê huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An) vào mùa đông năm Ất Hợi đời vua Trần Hiến Tông là minh chứng rõ ràng nhất về ý thức bảo toàn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia của ông cha ta thuở trước.

Trong suốt hơn 800 năm kể từ khi dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Hoa để trở thành một quốc gia độc lập, cho tới đầu thời Nguyễn, nước ta chưa một lần nào ghi nhận việc bị mất lãnh thổ bởi một quốc gia khác.

Nhưng đến khi nhà Nguyễn thành lập, Trấn Ninh đã bị chính vị vua đầu triều cắt cho nước khác. Nhưng điều đau đớn hơn là việc mất những vùng lãnh thổ rộng lớn này không phải do sức ép chính trị, cũng không phải do sức mạnh quân sự uy hiếp và xâm chiếm từ một quốc gia lớn mạnh khác, mà lại do vị vua đầu triều Nguyễn tự ý cắt cho một nước nhỏ yếu như một món quà tặng phẩm. Xét về diện tích, đây là lần bị mất lãnh thổ lớn thứ 2 trong lịch sử Việt Nam, chỉ đứng sau việc Tự Đức cắt Nam Kỳ lục tỉnh cho thực dân Pháp.

Bởi bốn vùng đất rộng lớn kể trên vốn là lãnh thổ của nước ta từ đầu đời Lê Sơ, trải qua các đời vua từ Lê Nhân Tông tới Lê Chiêu Thống, sang nhà Tây Sơn vẫn không có gì thay đổi. Và cũng kể từ khi thuộc về lãnh thổ nước ta, vùng đất biên cảnh đã trở nên yên bình hơn và không còn bị quấy nhiễu bởi người Ai Lao, đồng thời các vị vua của triều Lê sơ cho đến Lê trung hưng đã không còn phải vất vả thân chinh đánh dẹp như các vị vua triều Lý Trần nữa.

Các vùng kể trên là tấm lá chắn tự nhiên trời ban cho đồng bằng Thanh Nghệ nói riêng và cả miền Trung nói chung. Đấy đều là những vùng đất chiến lược trong các hoạt động quân sự. Một minh chứng điển hình là việc hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Mật đóng căn cứ ở Trình Quang thuộc Trấn Ninh, để “phù Lê diệt Trịnh”, thanh thế và sức ảnh hưởng lan sang tận cả đất Lào và nhiều lần đưa quân xuống quấy nhiễu ở vùng đồng bằng Thanh Nghệ. Họ Trịnh đã phải huy động nhiều quân lính và khí giới, đồng thời cử tất cả các tướng quân giỏi nhất bấy giờ như Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể, Đàm Xuân Vực… mãi tới gần 10 năm mới có thể bình định được.

Vào thời hiện đại, năm 1972, liên quân Việt – Lào đã mở chiến dịch phòng ngự “Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng” ngay trên vùng đất Trấn Ninh của nước Đại Việt ngày trước. Nơi đây là tuyến vận tải và địa bàn tác chiến trọng yếu nối miền Bắc nước ta vào chiến trường Đông Dương, cách cửa khẩu Nậm Cắn tỉnh Nghệ An gần 150km. Nhờ vào địa thế tự nhiên và sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự mà Liên quân Việt – Lào đã tạo cục diện mới cho cuộc chiến tranh, đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của Mỹ.

Ngoài ra, việc Vua Gia Long cắt Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Biên cho Vạn Tượng cũng đã khiến cho nước ta mất kiểm soát một lưu vực lớn của sông Mekong chảy qua cao nguyên Lào, khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay gặp nhiều bất lợi. Và điều đáng tiếc hơn cả là khi lãnh thổ đất nước bị mất đi, thì không gian sinh tồn của dân tộc muôn vàn đời sau cũng vì thế mà bị thu hẹp.

Như vậy, ngoài việc mở đường cho quân đội chính quy Thái Lan sang đánh phá miền Nam, và tặng lương thảo cho quân đội triều Thanh đánh phá miền Bắc, thì một lần nữa Vua Gia Long lại đi ngược lại với quan điểm và lợi ích dân tộc. Sau này, khi Vua Minh Mạng (con trai Vua Gia Long) nhân nước Vientiane diệt vong đã lập tức cho sáp nhập Trấn Ninh trở về với nước Việt. Chắc hẳn rằng Vua Minh Mạng đã nhận thấy sai lầm của Vua Gia Long nên đã quyết tâm sửa chữa. Nhà vua dụ rằng: “Trấn Ninh vốn là bờ cõi cũ của ta, xưa đức Tiên đế đem cho Vạn Tượng, không tính đến tiết nhỏ. Nay A Nỗ xiêu dạt, tù trưởng đất ấy không chỗ nương tựa, lại đem đất ấy dâng ta, thế là ta không mất một mũi tên mà được người xa thần phục, kinh lược như thế là có tiếng giỏi. Vả lại đất ấy hiểm yếu, đời Lê trước Lê Duy Mật chiếm giữ hơn 30 năm, nhà Lê không làm gì được, hình thế vững chắc như thế đấy. Nay lại về ta, thực đủ san phẳng sào huyệt của kẻ gian mà thêm phên giậu mạnh cho nước nhà”. Các quan trong triều khi nghe nhà vua nói vậy đều đồng loạt chúc mừng. Điều đáng tiếc là khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương vào năm 1893, họ đã dựa theo địa hình và cắt phần đất này trở về lãnh thổ Lào.

Một sai lầm nữa của Vua Gia Long là nhà vua đã sớm nhận ra và lợi dụng sức mạnh khoa học cùng vũ khí của người châu Âu để giành lợi thế ở mặt quân sự trước nhà Tây Sơn, nhưng lại không tận dụng kĩ nghệ của phương Tây để tiến hành hiện đại hóa cho đất nước.

Trở lại với bản thân Vua Gia Long. Nếu nhìn kĩ tuổi thơ và cuộc đời của ông thì đó thực sự là người đáng thương và cũng có chỗ để khâm phục. Mới lên 4 tuổi đã mất cha, lên 13 tuổi lại bị Tây Sơn hủy diệt hết cả dòng họ, giết hại những người thân thích, phá hủy hết cả tông miếu, tước đoạt tất thảy cơ đồ, bản thân phải sống trong hiểm nguy rình rập. Đứng trước sự nghiệp lớn lao vĩ đại của gia tộc mấy trăm năm ở xứ Đàng Trong, ông quyết không buông tay phó mặc. Tuổi thơ bình yên chỉ được 12 năm, cuộc đời làm vua chỉ 18 năm, nhưng quãng thời gian ông dấn thân theo đuổi công cuộc giành lại cơ đồ của tổ tiên tới tận 25 năm. Quãng thời gian dài nằm gai nếm mật đó, nhiều lúc bị đánh không còn một manh giáp, tưởng chừng như không sống nổi, nhưng ông vẫn không nản chí, không ngại hiểm nguy, vẫn tiếp tục dấn thân theo con đường đã chọn. Khi thắng không kiêu, khi thua không nản, lại biết tận dụng nhiều yếu tố có lợi cho mình ở đất và người Nam bộ. Để rồi sau sau 25 năm chiến đấu ngoan cường bền bỉ, ông đã không những lấy lại được cơ nghiệp của tổ tiên, mà còn thống nhất đất nước trải dài từ Nam chí Bắc để lập ra triều đại mới. Sự nghiệp trung hưng đó không có gì đáng chê trách, nếu như ông không phạm phải hai sai lầm nghiêm trọng nói trên.

NGUỒN: BÁO NGHỆ AN