Thursday, 2nd January, 2025 22:33

MỸ LO LẮNG CÁI GIÁ "1.000 ĐỔI 1" KHI ĐÁP TRẢ CÁC CUỘC TẤN CÔNG CỦA HOUTHI

Mỹ lo lắng về chi phí “1.000 đổi 1”

Politico đưa tin, Lầu Năm Góc tỏ ra lo lắng về chi phí cho các cuộc tấn công của Houthi khi họ phải bắn tên lửa trị giá 2 triệu USD để hạ gục máy bay không người lái (UAV) trị giá 2.000 USD của đối phương, tức cái giá phải trả là 1.000 đổi 1.

Một chuyên gia cho rằng: “Điều đó nhanh chóng trở thành vấn đề”.

Khi các tàu chiến Mỹ tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa của Houthi ở Biển Đỏ, các quan chức Lầu Năm Góc ngày càng cảnh giác không chỉ về mối đe dọa đối với lực lượng hải quân Mỹ và tuyến vận tải biển quốc tế, mà còn cả chi phí ngày càng tăng để giữ an toàn.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD), các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã bắn hạ 38 UAV và nhiều tên lửa ở Biển Đỏ trong hai tháng qua, khi các chiến binh được Iran hậu thuẫn tăng cường tấn công vào các tàu thương mại vận chuyển nhiên liệu và dầu mỏ qua tuyến vận tải quan trọng nhất thế giới.

Chỉ riêng ngày thứ Bảy 16/12, tàu khu trục USS Carney đã đánh chặn 14 UAV cảm tử.

Các nhà lãnh đạo Houthi cho biết các cuộc tấn công là thể hiện sự ủng hộ người Palestine và chúng sẽ không dừng lại cho đến khi Israel ngừng hoạt động ở Gaza.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 18/12 đã công bố thành lập một liên minh hàng hải quốc tế mới để bảo vệ hoạt động vận chuyển và chống lại các cuộc tấn công.

Theo ba quan chức khác của Bộ Quốc phòng, chi phí sử dụng tên lửa hải quân đắt tiền – có thể lên tới 2,1 triệu USD một phát bắn – để tiêu diệt các UAV đơn giản của Houthi – ước tính chỉ khoảng vài nghìn USD mỗi chiếc – đang ngày càng trở thành mối lo ngại. Các quan chức, giống như những người khác được phỏng vấn về câu chuyện này, được giấu tên để mô tả các hoạt động nhạy cảm và các cuộc thảo luận nội bộ.

Một quan chức của DOD cho biết: “Việc bù đắp chi phí không đứng về phía chúng tôi”.

Các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề cần được giải quyết và kêu gọi Bộ Quốc phòng bắt đầu xem xét các phương án phòng không có chi phí thấp hơn.

Mick Mulroy, cựu quan chức DOD và CIA, nhận định: “Điều đó nhanh chóng trở thành một vấn đề vì lợi ích lớn nhất, ngay cả khi chúng tôi bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái đang lao tới của họ, vẫn có lợi cho họ.

Chúng tôi, Mỹ, cần bắt đầu xem xét các hệ thống có thể đánh bại những mục tiêu này phù hợp hơn, với chi phí tương xứng mà họ (Houthi) phải trả để tấn công chúng tôi”.

Mỹ dùng vũ khí gì để đánh chặn mục tiêu của Houthi?

Các quan chức của Bộ Quốc phòng sẽ không xác nhận loại vũ khí nào đang được sử dụng hoặc phạm vi mà máy bay không người lái bị chặn, vì lý do an ninh tác chiến.

Tuy nhiên, các cựu quan chức và chuyên gia của Bộ Quốc phòng cho biết, chỉ có một loại vũ khí phù hợp cho công việc đó: Tên lửa Standard 2 (SM 2), một loại vũ khí phòng không tầm trung có thể đạt tầm bắn tới 92 hoặc 130 hải lý (tương đương 166 hoặc 234km), tùy theo biến thể. Biến thể mới nhất, Block IV, có giá 2,1 triệu USD một quả đạn.

Theo một cựu quan chức Hải quân, tàu khu trục Mỹ cũng có thể sử dụng pháo hạm cỡ nòng 127mm. Đây là một lựa chọn có chi phí thấp hơn, nhưng chúng chỉ có thể đánh chặn các mục tiêu ở khoảng cách dưới 10 hải lý (18km), có thể quá gần để tạo sự tự tin mục tiêu sẽ bị phá hủy 100%.

Các lựa chọn có tầm bắn ngắn nhất là Tên lửa Evolved Sea Sparrow, được thiết kế để bắn vào các mục tiêu cách xa dưới 5 hải lý (~10km), trị giá 1,8 triệu USD mỗi quả, hoặc hệ thống vũ khí tầm gần 20mm, cho các mục tiêu trong phạm vi một hải lý (2km), theo chuyên gia, cựu sĩ quan hải quân.

Nhưng một lần nữa, vũ khí của Houthi càng đến gần tàu thì nguy cơ bị va chạm càng lớn.

“Tôi đoán là (các tàu khu trục) đang bắn tên lửa SM-2 trong thời gian sớm nhất có thể, họ không có ý định tận dụng cơ hội để các mục tiêu thù địch tiến lại gần”, cựu quan chức này nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các tàu khu trục bị hạn chế về số lượng tên lửa có thể bắn trước khi cần quay về cảng để nạp lại vũ khí và mỗi tàu chứa 90 ống tên lửa trở lên. Tuy nhiên, với rất nhiều tàu khu trục trong khu vực, ít nhất là bốn chiếc tính đến ngày 19/12, việc hết đạn có thể sẽ sớm xảy ra trong tương lai gần.

Ngược lại, các chuyên gia ước tính UAV cảm tử của Houthi, chủ yếu do Iran sản xuất, có giá tối đa chỉ 2.000 USD. Shaan Shaikh – thành viên của Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – cho biết, chiếc UAV Shahed-136 lớn hơn ước tính trị giá 20.000 USD. Dù bằng cách nào, đó là một sự khác biệt đáng kể về chi phí.

“Ngay bây giờ, Mỹ dường như không có lựa chọn nào tốt hơn những gì họ đang sử dụng”, Samuel Bendett, cố vấn của Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức tư vấn của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cho hay.

Giữ cho thương mại quốc tế được thông suốt là một trong những nhiệm vụ của Mỹ. Bộ trưởng Austin cho biết rằng, ông đang xem xét cuộc khủng hoảng một cách nghiêm túc.

Lầu Năm Góc đã điều động một lượng lớn binh lực tới khu vực, bao gồm hai nhóm tác chiến tàu sân bay tấn công: Gerald R. Ford ở phía đông Địa Trung Hải và Dwight D. Eisenhower ở Vịnh Aden. Ít nhất 4 tàu khu trục và một tàu tuần dương đang tuần tra gần nút cổ chai Bab al-Mandab.

Hôm 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Austin cũng tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm hàng hải mới bao gồm ít nhất 9 quốc gia đối tác từ khắp nơi trên thế giới, được gọi là Chiến dịch “Người bảo vệ Thịnh vượng”, để chống lại các cuộc tấn công.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng giải thích: Tình hình rất phức tạp đối với các quốc gia Ả rập vì nhận thức rằng lực lượng đặc nhiệm được thiết kế để bảo vệ các tàu thương mại liên kết với Israel.

Ông Austin nói với các phóng viên ở Israel: “Những cuộc tấn công này là liều lĩnh, nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế… Đây không chỉ là vấn đề của nước Mỹ, đây là một vấn đề quốc tế và nó xứng đáng nhận được phản ứng quốc tế”.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường biển sầm uất bậc nhất thế giới, nối Ấn Độ Dương với Kênh đào Suez. Các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới trong tuần này đã bắt đầu định tuyến lại các tàu rời khỏi Biển Đỏ, thay vào đó buộc các tàu phải đi vòng quanh châu Phi qua Mũi Hảo vọng phía nam.

NGUỒN: DÂN TRÍ