Không trực tiếp nêu đối tượng mục tiêu, nhưng Mỹ và Trung Quốc đang triển khai các cuộc tập trận mà theo chuyên gia quốc tế là nhằm “dằn mặt” nhau.
Các chiến hạm Mỹ tại vùng biển Philippines trước khi đến Úc tham gia tập trận
US NAVY
Ăn miếng trả miếng
Trang Taiwan News ngày 18.7 dẫn thông báo từ Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc cho biết nước này tổ chức cuộc tập trận ở biển Hoa Đông kéo dài đến 21.7. Bên cạnh đó, nhà chức trách nước này cũng thông tin một cuộc tập trận khác diễn ra từ 18.7 – 3.8 ngoài khơi thành phố Thai Châu (tỉnh Chiết Giang) – bên bờ biển Hoa Đông.
Taiwan News dẫn lời Giáo sư Trần Văn Giáp, thuộc Trường Nghiên cứu các vấn đề quốc tế – Đại học quốc lập Chính trị (Đài Loan), nhận định các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phản ứng việc một máy bay quân sự Mỹ vừa đáp xuống Đài Loan, mang theo vắc xin Covid-19 để viện trợ cho đảo này. Máy bay quân sự đã có hành trình bay qua các đảo gần Nhật Bản nên còn được cho là mang thông điệp quân sự về khả năng hoạt động của không quân Mỹ trong khu vực.
Cùng ngày 18.7, Bloomberg đưa tin Bắc Kinh đã điều động chiến hạm thứ 2 tiến về vùng biển gần Úc để theo dõi cuộc tập trận Talisman Sabre ở ngoài khơi bang Queensland (Úc). Trước đó, phía Úc cho rằng Trung Quốc cũng đã điều một chiến hạm để theo dõi cuộc tập trận Talisman Sabre.
Diễn ra từ ngày 14 – 31.7, cuộc tập trận có sự tham gia trực tiếp của Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, Canada, Hàn Quốc và New Zealand. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia, Đức và Pháp tham gia với vai trò quan sát viên. Nội dung tập trận bao gồm phòng thủ và tái chiếm đảo.
Ngoài lực lượng lục quân tham gia và có bắn thử hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ cũng có mặt trong cuộc tập trận. Mỹ đã điều động lực lượng viễn chinh với nhóm tác chiến viễn chinh số 7 gồm tàu đổ bộ tấn công USS America (LHD-6) và một số tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ. Thuộc nhóm này, USS America mang theo chiến đấu cơ F-35 có khả năng triển khai tác chiến như tàu sân bay. Phía Nhật thì cử 1 đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất chuyên trách bảo vệ các đảo xa xôi và phụ trách phản ứng tiên phong khi có tình huống xảy ra ở chuỗi đảo Nansei, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Tokyo kiểm soát và Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Katsunobu Kato, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, khẳng định: “Cuộc tập trận sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác của chúng ta hướng tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở”. Tương tự, chuẩn đô đốc Chris Engdahl, Chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 của Mỹ, khẳng định cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng ứng phó các vấn đề ở Indo-Pacific để đảm bảo khu vực này tự do và rộng mở.
Mô hình hợp tác mới ?
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng cuộc tập trận lần này là một phần trong nỗ lực phát triển khả năng tương tác, chia sẻ các tiêu chuẩn và kinh nghiệm phối hợp.
“Mặc dù không công khai nhắm đến Trung Quốc, nhưng bản chất của các cuộc tập trận sẽ tập trung vào các kịch bản về khả năng Bắc Kinh tấn công quân sự ở eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông. Nội dung tập trận bao gồm phòng thủ và tái chiếm các đảo”, ông Nagy đánh giá và phân tích thêm: “Tham gia tập trận trực tiếp có 3 trong số 4 thành viên của “bộ tứ kim cương” (Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ). Ấn Độ tham gia với tư cách là quan sát viên. Điều này đâu đó chỉ ra một giới hạn của cuộc tập trận là Ấn Độ vẫn không tham gia trực tiếp cùng các thành viên khác của “bộ tứ”. Mặc dù vậy, tham gia tập trận có Anh, Canada và Hàn Quốc lại là dấu hiệu cho thấy hợp tác “bộ tứ kim cương” mở rộng sẽ là mô hình của hợp tác an ninh hàng hải trong tương lai”.
“Cuộc tập trận này thể hiện sự hội tụ ngày càng tăng giữa nhiều quốc gia trong mối quan tâm chung trước việc Trung Quốc có nhiều hành vi gây quan ngại ở Thái Bình Dương”, PGS Nagy đánh giá.