Sunday, 22nd December, 2024 10:22

Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga xác nhận nước này sẽ nhận 3 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson (J&J) từ Mỹ. Brazil chỉ còn hơn 3 tuần để sử dụng vì số vắc xin này sẽ hết hạn ngày 27-6.

 

Thùng đựng vắc xin J&J được chuyển tới bang Kentucky của Mỹ vào tháng 3-2021 - Ảnh: REUTERS

Thùng đựng vắc xin J&J được chuyển tới bang Kentucky của Mỹ vào tháng 3-2021 – Ảnh: REUTERS

Trình bày trước Quốc hội Brazil ngày 8-6, ông Queiroga tỏ ra sốt ruột vì Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa cấp phép xuất khẩu 3 triệu liều vắc xin nói trên.

“Nếu FDA trì hoãn cấp phép, số vắc xin này chẳng còn hữu ích gì với chúng ta nữa. Thời gian còn lại quá ngắn”, ông Queiroga nêu quan ngại trước các thượng nghị sĩ Brazil.

Lô vắc xin của J&J sẽ hết hạn vào ngày 27-6, do đó Brazil cần phải “tiêm rất nhanh”, theo Bộ trưởng Queiroga.

Brazil đã ký hợp đồng mua 38 triệu liều vắc xin J&J với thời gian dự kiến giao trong cuối năm nay nhưng hy vọng có thể nhận sớm hơn để chặn đứng dịch COVID-19.

Theo nhật báo Wall Street Journal (WSJ), không chỉ Brazil mà các bệnh viện và trung tâm y tế ở Mỹ cũng đang chạy đua với thời gian để giải quyết hàng triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn.

Số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hơn 10 triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn trên khắp nước này.

Đây thực sự là một bài toán đau đầu cho các nhà quản lý Mỹ vì không thể bắt dân trong nước đi tiêm và cũng không thể chuyển ra nước ngoài kịp.

WSJ giải thích hàng triệu liều vắc xin J&J tồn kho là do có một khoảng thời gian ngắn loại vắc xin này bị dừng tiêm vì các lo ngại gây máu đông. Nhiều người đăng ký tiêm vắc xin J&J đã hủy lịch hẹn kể cả khi việc tiêm chủng được nối lại.

Nếu hàng triệu liều vắc xin này bị tiêu hủy, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nước đang chật vật tìm nguồn cung vắc xin, theo WSJ.

 

Mỹ xuất khẩu hàng triệu liều vắc xin COVID-19 sắp hết hạn

 

Một số bang đề nghị chính quyền liên bang chuyển số vắc xin sắp tới hạn cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), không phải quốc gia nào cũng sẵn lòng tiếp nhận hoặc không có đủ nguồn lực để tiêm phòng diện rộng trong thời gian ngắn.

Khó khăn còn nằm ở chỗ các quy định của chính quyền liên bang Mỹ. Một quan chức bang Ohio than thở với báo New York Times về việc không thể chuyển vắc xin sắp hết hạn cho các bang hoặc quốc gia đang cần.

Theo vị này, có nhiều quy định của liên bang cấm thu hồi vắc xin được phân phối cho tiểu bang, kể cả khi chúng không thực sự phục vụ nhu cầu địa phương.

Ông Andy Slavitt, một cố vấn của Nhà Trắng về COVID-19, gợi ý thống đốc các bang có vắc xin dư và sắp hết hạn nên tham khảo ý kiến của FDA. Theo ông Slavitt, cơ quan này có thể hỗ trợ cách lưu kho và kéo dài thời hạn sử dụng.

Một phát ngôn viên của FDA từ chối bình luận về vấn đề và đề nghị nên hỏi trực tiếp hãng sản xuất cách tăng thời hạn sử dụng vắc xin.