Sunday, 22nd December, 2024 11:20

Nhiều thành phố Mỹ đang đối mặt làn sóng tội phạm xông vào cửa hàng bán lẻ, đập kính lấy đi nhiều món hàng đắt tiền rồi tháo chạy.

Ít nhất 18 người xông vào cửa hàng Nordstrom ở Los Angeles tối 22/11, lấy đi số hàng hóa trị giá hàng nghìn USD trước sự chứng kiến của nhiều khách hàng. Vụ cướp xảy ra sau hàng loạt vụ tương tự cuối tuần qua ở khu vực Vịnh San Francisco. Một băng tràn vào trung tâm mua sắm Southland ở Hayward tối 21/11, cầm búa đập phá tủ trưng bày của một cửa hàng trang sức, vơ vét đồ bên trong rồi chạy trốn.

Ba nghi phạm bị bắt tối 20/11 sau khi tham gia vụ cướp phá liều lĩnh tại trung tâm mua sắm Nordstrom ở Walnut Creek, phía đông San Francisco. Khoảng 80 nghi phạm liên quan đến vụ cướp phá này và chúng tháo chạy khỏi trung tâm mua sắm trên ít nhất 10 chiếc xe.

Vụ cướp xảy ra tương tự các vụ tối 19/11 ở Quảng trường Union ở San Franciso, nơi nhóm nghi phạm tấn công các cửa hàng bán đồ hiệu Louis Vuitton, Burberry và Bloomingdale, cũng như một tiệm bán thuốc tây và cần sa.

 

NẠN CƯỚP PHÁ CỬA HÀNG HOÀNH HÀNH NƯỚC MỸ

14 tên cướp xông vào lấy đồ trong cửa hàng Louis Vuitton ở ngoại ô Chicago hôm 17/11. Video: Cảnh sát Oak Brook

California không phải nơi duy nhất nạn “phá và cướp” hoành hành. 14 tên cướp xông vào một cửa hàng Louis Vuitton ở ngoại ô Chicago tuần trước, lấy đi số hàng hóa trị giá hơn 100.000 USD.

“Nạn cướp bóc không liên quan gì tới đại dịch”, Pete Eliadis, một cựu quan chức hành pháp, người sáng lập công ty bảo vệ ICP, nói. “Đại dịch đang được đem ra làm cớ quá nhiều lúc này”.

San Francisco ghi nhận tình trạng tội phạm gia tăng từ khi tái mở cửa trong đại dịch. Tại quận Central, các vụ trộm cắp vặt tăng gần 88% so với một năm trước và tỷ lệ phạm tội nói chung tăng gần 52%.

Nhiều tên cướp đeo khẩu trang hoặc đội mũ trùm đầu, khiến cảnh sát khó nhận dạng, dù camera an ninh ghi lại được cảnh chúng cướp phá cửa hàng. Cảnh sát Los Angelesh và San Francisco đã bắt một số nghi phạm, nhưng những người này thường bị trừng phạt nhẹ.

Eliadis cho rằng một nguyên nhân khiến nạn cướp phá cửa hàng gia tăng là lực lượng cảnh sát Mỹ đang thiếu nguồn lực, khiến một số vụ trộm cướp không được coi là ưu tiên điều tra. Ngoài ra, phong trào đòi “cắt ngân sách cảnh sát” rộ lên ở Mỹ gần đây cũng khiến một số sĩ quan xuống tinh thần.

“Không ai đủ quyết tâm chính trị truy tố những kẻ đó trong hoàn cảnh hiện nay. Tại sao cảnh sát phải lãng phí thời gian điều tra một vụ gây lộn, khi biết kẻ đó sẽ không phải vào tù vì trại giam quá tải, còn công tố viên sẽ không khởi tố vụ án vì nó không thuộc danh sách ưu tiên”, Eliadis nói. “Điểm mấu chốt là chúng ta cần quyết tâm chính trị, khởi tố quyết liệt hơn và hỗ trợ lực lượng hành pháp tốt hơn”.

Lynda Buel, chủ tịch công ty tư vấn an ninh SRMC có trụ sở tại Ohio, cho hay chính sách phi hình sự hóa các tội danh ít nghiêm trọng ở một số bang cũng thúc đẩy tội phạm lộng hành.

Luật 47 về Trường học và Khu dân cư An toàn được bang California thông qua năm 2014 đã tìm cách giảm bớt tình trạng quá tải ở nhà tù bằng cách giảm nhẹ hình phạt cho một số loại tội phạm. Luật này quy định một người chỉ bị coi là phạm tội trộm cắp khi lấy tài sản trị giá tối thiểu 950 USD, tăng gần gấp đôi so với mức 500 USD trước đây.

“Điều này đồng nghĩa một người có thể ăn cắp tới số tiền tới 950 USD mà chỉ bị phạt nhẹ”, Buel nói.

Bà cho hay các đường dây tội phạm có tổ chức thường đứng sau các vụ “cướp phá” cửa hàng. “Những kẻ cướp phá này hiểu rằng chúng phải chịu rất ít hậu quả, đặc biệt là khi số tài sản bị lấy đi dưới ngưỡng tội nghiêm trọng”, Buel nói.

Bà cho rằng không có gì lạ khi các vụ cướp phá cửa hàng tăng lên vào mùa Giáng sinh. Cửa hàng thường bày nhiều hàng hóa hơn cho các dịp lễ, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các băng cướp.

Giới chuyên gia cho hay có nhiều cách các băng nhóm tội phạm bán đồ cướp được từ cửa hàng một cách dễ dàng. Đa số đồ bị cướp đều không có seri, khiến giới chức không thể truy tìm nguồn gốc, trong khi chúng có thể được bán lại dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử.

Các băng nhóm cũng có thể bày bán đồ cướp được ở chợ trời, cửa hàng cầm đồ hay quầy bán rong. Chúng có thể bán những món đồ đắt tiền với giá giảm sâu, thu hút nhiều người mua.

Vòng luẩn quẩn này sẽ ảnh hưởng tới mọi người, theo Eliadis. Những cửa hàng thường xuyên bị cướp sẽ phải đóng cửa hoặc đổi địa điểm, cũng như phải đóng tiền bảo hiểm cùng chi phí bảo vệ cao hơn, trong khi bên chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.