Saturday, 20th April, 2024 5:07

NỀN GIÁO DỤC CỦA MỸ CÓ PHÙ HỢP VỚI VIỆT NAM KHÔNG

Hai ngày vừa qua, mạng xã hội rầm rộ trước livestream bà T.H.T tố việc con gái mình bị đánh tại trường Quốc tế ISHCMC – AA, gây ra thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Trước tình hình các cơ sở giáo dục quốc tế đang mọc lên như nấm sau mưa, vụ việc này đã và đang dấy lên nhiều lo ngại rằng môi trường quốc tế có thật sự hợp với nền giáo dục Việt Nam hiện tại hay không.

1. Trường học quốc tế chạy đua với lợi nhuận

Theo nhiều cuộc khảo sát gần đây, học phí trường quốc tế tại Việt Nam đang ở mức khá cao so với thế giới. Nhiều trường tiểu học thậm chí có mức học phí lên đến 500.000.000 VNĐ/năm. Đồng thời, cũng không ít trường quốc tế tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu gần 700.000.000 VNĐ/năm đối với bậc phổ thông.

Điều đáng nói đây là mức lợi nhuận rất lớn. Với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều nhà đầu tư giáo dục nhằm mục đích phục vụ xã hội, không lấy lợi nhuận làm mục đích chính. Thay vào đó, học phí trường quốc tế là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, nhưng có lẽ chưa có một cơ chế cụ thể nào để khống chế mức học phí quá cao như hiện tại.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục tại các trường quốc tế cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Ông Lê Ngọc Điệp – Nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TP HCM) cho biết, trường học giống như một xã hội thu nhỏ, trẻ sẽ được cùng ăn, cùng chơi, cùng học với nhau, trẻ được giáo dục kỹ sẽ có cái nhìn đa dạng hơn về xã hội, biết chia sẻ và cảm thông, còn trong môi trường quốc tế, nếu không được chú trọng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách trẻ dễ trở nên ích kỷ.

Thực tế cho thấy rằng, nhiều trẻ học trường quốc tế, gia đình khá giả thường có tâm lý học đòi và xa cách với bạn bè đồng trang lứa ít đủ đầy như mình. Bên cạnh đó, có không ít những vụ bạo lực học đường tại các cơ sở này để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này khiến chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về “dạy chữ” và “dạy người” trong môi trường giáo dục quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều trường quốc tế chỉ xem những môn học như Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức,… như những môn ngoại khóa mà không chú trọng đào sâu. Kết quả là không ít trẻ không có kiến thức về nguồn cội, quên đi bản sắc văn hóa Việt Nam trong ứng xử,… thậm chí khiến người khác cảm thấy thiếu tôn trọng trong cách xưng hô.

2. Tự mãn và tự cô lập

Nếu đánh giá một cách công bằng, bên cạnh những điểm nổi bật của giáo dục Mỹ, việc đem nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới này áp dụng vào Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Việc quá chú trọng vào phát triển cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến tính cách cư dân Mỹ. Song song với đó, việc độc lập và cương quyết khiến giáo dục kiểu mỹ dần đối mặt với nguy cơ tư duy một chiều, mang tính độc đoán và có phần bảo thủ. Chính sự tự mãn này có thể khiến trẻ em học trường quốc tế áp dụng tiêu chuẩn giáo dục Mỹ có khả năng tự cô lập chính mình, tự hủy đi vô vàn cơ hội phát triển và giao lưu với bạn bè quốc tế.

Nhược điểm của nền giáo dục tinh hoa Mỹ đó chính là khiến các em học dễ cảm thấy bất lực trong cuộc nói chuyện với những người không giống mình. Thậm chí có những học sinh mang tư tưởng rằng mình là những người giỏi nhất và thông minh nhất trong khi những người khác không học cùng môi trường là những kẻ “không cùng đẳng cấp”.

Mặt khác, học trường quốc tế có thể đánh lừa học sinh bằng những tờ A4 kết quả thi SAT, GPA,.. mà tự luyến trong khi bản thân còn thiếu những kỹ năng thuộc các mảng kiến thức khác.

Thực tế có nhiều em học sinh có thể đạt được điểm số rất cao ở trường quốc tế nhưng kiến thức chỉ đạt mức trung bình nếu xét ở trường công lập. Điều này khiến cho một bộ phận học sinh tại môi trường giáo dục này mang tâm lý tự cao và lầm tưởng về khả năng của bản thân.

3. Sự tầm thường đặc quyền

Nền giáo dục của Mỹ dần nhồi nhét vào đầu học sinh một ý thức có phần sai lệch về giá trị cái tôi. Nhập học, học tập tại các môi trường quốc tế, học sinh dường như đang xác định danh tính và vị trí bằng những con số thứ tự điểm thi SAT, GRE, GPA,… Dường như giáo dục tinh hoa Mỹ đang khiến học sinh quên đi rằng điểm kiểm tra chỉ có thể đánh giá khả năng làm bài, dần dần tạo nên sự hiểu lầm tai hại “vượt trội trong học tập là sự vượt trội tuyệt đối”.

Tự hào về trí tuệ là một niềm tự hào chính đáng. Nhưng cái sai nằm ở điểm bắt đầu của sự tự mãn thiển cận với những lời hoa mỹ chúc mừng trong những lá thư thông báo từ phía nhà trường. Bên cạnh đó, giáo dục tinh hoa cũng có thể khiến các em nghĩ rằng các chỉ số đo lường trí thông minh và các thành tích học thuật cũng là thước đo giá trị đạo đức. Tuy nhiên sự thật không phải vậy. Dù học trường quốc tế nhưng không ít em thiếu trầm trọng các kỹ năng xã hội, và kết quả là không ít trường hợp rơi vào trạng thái trì trệ, không biết bắt đầu từ đâu.

Bên cạnh đó, nền giáo dục của Mỹ còn tập dượt cho các em lối sống chung với đặc quyền. Dù thành tích thảm bại về bài vở hay hành động đe dọa bắt nạt học sinh khác,… cũng không khiến học sinh bị loại khỏi trường. Nói cách khác, các trường học tinh hoa nuôi dưỡng sự ưu tú nhưng cũng nuôi dưỡng điều mà không ít học sinh, sinh viên Mỹ xem là “sự tầm thường đặc quyền”. Với giới tinh hoa, luôn có sự gia hạn, giải cứu, miễn tội, cải tạo,…

4. Dễ bị bạo lực

Với phương châm thực hiện “chất lượng giáo dục toàn diện”, học sinh theo học các chương trình theo chuẩn Mỹ không chỉ phải đối mặt với những áp lực học tập mà còn phải đối mặt với không ít các vấn đề xã hội cũng như các hoạt động ngoại khóa.

Giáo dục Mỹ chú trọng sự phát triển con người nên dễ thấy hoạt động ngoại khóa luôn được ưu tiên ngang hàng với việc học tập, thể thao. Bởi vậy, áp lực cân bằng khiến không ít thanh niên Mỹ tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ, thậm chí thường xuyên phụ thuộc vào thuốc để sốc lại tinh thần.

Tuy nhiên, nhiều học sinh không tìm được cách giải quyết áp lực căng thẳng nên đã sa đà vào rượu chè, ma túy, bạo lực. Nói cách khác, môi trường học tập cũng được coi là yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi, thái độ của các em học sinh. Tuy nhiên, với cường độ áp lực cao như hiện nay, nền giáo dục Mỹ phải đối mặt với tình trạng bạo lực học đường ngày một nghiêm trọng hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng bạo lực học đường có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau. Song đây là một quá trình phức tạp, cần có sự can thiệp sâu từ phía nhà trường. Bạo lực, nói cách khác chính là một hình thức lạm quyền. Với nền giáo dục chưa đề cao vai trò can thiệp của các bên liên quan, liệu rằng nền giáo dục tinh hoa Mỹ có thể nhanh chóng áp chế, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường tiếp diễn hay không?

5. Ý nghĩa của sự tồn tại

Các trường đại học tư thục (quốc tế) của Mỹ là cho phép những đứa trẻ giàu có quen biết và thiết lập mối quan hệ với nhau để củng cố địa vị giai cấp của họ trong khi đó lại không cho phép những đứa trẻ bình thường được nhận vào trường.

Nhiều trường tinh hoa tự hào về sự đa dạng thành phần người học nhưng hầu như sự đa dạng này đến từ chủng tộc, sắc tộc. Do đó, những trường này hầu hết có sự đồng đều về tầng lớp. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh con cái của giới doanh nhân, chuyên gia đang học tập và vui đùa với nhau trong môi trường giáo dục quốc tế.

Tuy nhiên, mặc dù xu hướng này có thể nuôi dưỡng tư tưởng tự do trong tiềm thức của học sinh nhưng lại dễ khiến họ rơi vào thế bí khi khó lòng tham gia vào việc bàn luận hay nói chuyện với người thuộc tầng lớp khác.

Bên cạnh đó, nền giáo dục quốc tế của Mỹ trao cho học sinh, sinh viên một thông điệp rằng bản thân là số một, rằng những người khác thì không giỏi bằng mình. Trong khi đó, nền giáo dục tinh hoa được cho là có thể cung cấp giá trị nhân văn nhưng điều đó dường như đã cô lập và tách các em khỏi số đông trong xã hội. Thêm vào đó, giáo dục tinh hoa Mỹ từ chối cơ hội phát triển đồng đều của học sinh Mỹ nói chung, thay vào đó họ ưu tiên sự đồng điệu về tầng lớp. Điều này vô hình chung đã in hằn trong suy nghĩ của không ít thế hệ học sinh quan điểm khước từ cơ hội nói chuyện, giao lưu cùng bè bạn thuộc nhiều môi trường trong xã hội bởi bốn chữ “không cùng đẳng cấp”.

Thử lấy ví dụ từ chính nền chính trị Mỹ, hai ứng viên từng ứng cử Tổng thống của Đảng Dân chủ, Al Gore và John Kerry, cả hai ứng viên này đều xuất thân từ những trường đại học thuộc hàng tinh hoa của Mỹ – Harvard và Yale. Họ đều là những chính trị gia nghiêm túc, lịch thiệp và giàu trí tuệ nhưng cả hai đều không thể giao tiếp hay tương tác với phần lớn cử tri thuộc tầng lớp lao động.

Vẫn biết rằng nền giáo dục của Mỹ là nền giáo dục hiện đại, khoa học hàng đầu thế giới. Vẫn biết rằng tiếp thu tinh hoa nhân loại là điều chính đáng. Song sự tiếp thu này chỉ phát huy hiệu quả khi chúng ta có một nền tảng văn hóa vững chắc, một quá trình nghiên cứu và áp dụng phù hợp trên nhiều khía cạnh. Được như vậy, nền giáo dục nước nhà mới có thể phát triển hơn nữa trong tương lai, vừa có thể tiếp thu chọn lọc tinh hoa, vừa có thể làm phong phú thêm vốn sống và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

NGUỒN: PHAN LỢI