Câu chuyện kỷ luật lãnh đạo huyện không dưng lại ồn ào đến lạ mấy hôm rày.
Mà ồn ào cũng là đúng. Vừa mới hơn năm trước, ông ấy còn đĩnh đạc trình bày báo cáo điển hình ở huyện về tấm gương tiêu biểu trong công tác lãnh đạo. Từ phong cách dân chủ, lắng nghe; gần gũi cán bộ, chia sẻ khó khăn; rồi cả tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chưa hết, ông ấy còn tự nhận mình là “nòng cốt” trong gây dựng sự đoàn kết tập thể được “anh em” suy tôn vừa là thủ lĩnh, vừa là thủ trưởng… Đùng một cái, năm nay, ông ấy bị kỷ luật bởi vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; độc đoán, chuyên quyền trong công việc; trù úm, đe dọa nhân viên trái ý… Biết luận việc này như thế nào cho đúng?
Nghe phong thanh cũng nhiều ý kiến trái chiều. Người không biết thì bảo, ông ấy chắc mới thoái hóa, biến chất; lại cũng có người nghi ngờ “lợi ích nhóm này” “phe cánh nọ” đấu đá nhau, phân chia không đều nên mâu thuẫn.
Nhưng quan sát mới thấy, lạ nhất là không ít trong đám “anh em” cấp dưới – những người đã từng tôn vinh ông ấy lại hỉ hả trong lòng khi sếp “lĩnh án”. Tìm hiểu mới vỡ lẽ ra, rằng việc “vậy mà không phải vậy”, cái “gương” kia suy cho cùng chỉ là “diễn gương” mà thôi. Dân chủ gì khi chỉ “giả vờ” họp hành, ra vẻ muốn “lắng nghe” ý kiến tham mưu của anh em, nhưng cuối cùng, ông tự quyết định theo ý mình, ai trái ý, ông gọi riêng “chỉnh đốn”. Khi cấp dưới tranh luận, phản biện, ông lấy quyền tự quyết của người đứng đầu, để “chốt hạ”, ông bảo đó là “dám nghĩ, dám làm”, và dĩ nhiên, “tôi chịu trách nhiệm, chứ các anh chị có chịu trách nhiệm cho tôi đâu” – ông “khảng khái”. Ông “ngọt ngào” với anh em mỗi kỳ bỏ phiếu tín nhiệm; “hiền lành, tốt tính”, hòa đồng mỗi dịp bình bầu thi đua cuối năm; “gần gũi”, ra vẻ thân thiết khi nhà có việc… nhưng rồi chẳng mấy ngày sau mà ông trở mặt lạnh tanh, “quan dạng” …
– “Biết ông ấy thế, sao không ai phản ánh, góp ý, mà còn bỏ phiếu bầu, tôn vinh dù biết chỉ là “diễn gương”?”
– Ai hơi đâu mà dại, dính vào ông ấy như dính vào “chảo lửa”, ông ấy muốn thì mình cho ông ấy thành gương. Chứ ai mà chẳng biết, gương vỡ, gương giả, “gương diễn”? Mình chẳng “tôn vinh” ông ấy thì cũng chẳng xong, đầy người bỏ phiếu cho ông ấy đó thôi.
Hóa ra, biết là “gương giả”, “gương diễn” nhưng cả tập thể, các cá nhân vẫn nhất trí “nêu gương” ông ấy. Và rồi, khi cái gương ấy “vỡ”, vẫn tập thể, vẫn các cá nhân ấy lại “cười” bởi cái “mặt nạ” đã rơi, vai diễn kết thúc. Suy cho cùng, trên sân khấu này, không chỉ ông quan huyện “diễn gương” mà cả tập thể, cả tổ chức, cả bao cá nhân đều cùng là “diễn viên” xuất sắc. Thật đáng buồn!
Đương nhiên, sẽ chẳng có “đất dụng võ” cho những vai “diễn gương” nếu như mỗi cá nhân, tập thể dám thẳng thắn đương đầu, góp ý, phê bình, phản biện, tranh luận và dĩ nhiên là từ chối bỏ cho những vai diễn yếu kém về đạo đức như ông huyện kia.
Câu chuyện nhỏ ở huyện như một lời cảnh tỉnh mỗi chúng ta.
Nêu gương, xin chớ diễn gương!
NGUỒN: SONG MINH