Thursday, 12th December, 2024 2:36

NỖI ĐAU CÒN MÃI

Ai đốt quê hương thiêu cháy bụi bờ?
Những vườn sầu riêng khô cành trụi lá
Anh bắt gặp em mắt bừng tia lửa
Cúi xuống bên cây như bên xác người thân

Chúng giết người, giết cả màu xanh
Từng búp măng non, từng mầm sống nhỏ
Lúa Phước Tân gục đầu không dậy nữa
Cao su Long Thành run rẫy cánh tay xương

Nắng lửa chói chang đổ khắp ruộng vườn
Một mảnh thân ta trở thành đất chết
Có gì chạy trong lòng xương ống mạch
Ngột ngạt tê người như thuốc độc em ơi!…
Thơ: Giang Nam

Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó, 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống các vùng từ rừng núi đến nông thôn với tổng diện tích hơn 3,06 triệu ha, chiếm khoảng ¼ diện tích miền Nam Việt Nam. Ước tính khoảng 86% lượng chất độc da cam rải xuống rừng núi, đầu nguồn sông, suối và 14% rải xuống đồng ruộng. Hầu hết các hệ sinh thái rừng của Nam Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bị tàn phá hơn 3 triệu ha rừng nguyên sinh bị hủy hoại. Môi trường toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị đảo lộn, một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; cây cối không phát triển hoặc bị chết làm cho khí hậu vùng cũng bị thay đổi vì độ ẩm giảm, cường độ chiếu sáng tăng, đất bị xói mòn, thoái hóa. Thậm chí một số vùng bị nhiễm nặng đến nay cây cối vẫn chưa mọc lại. Rừng phòng hộ đầu nguồn của lưu vực nhiều con sông, bị hủy hoại nặng nề, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Cùng với đó là những “điểm nóng” về dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát, nơi mà trước đây quân đội Mỹ tập kết chất độc da cam trước khi mang đi phun rải. Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam. hàng trăm nghìn người đã chết ở tuổi còn trẻ hoặc đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo như: thần kinh, tai biến sinh sản, ung thư, biến đổi gien, quái thai, dị dạng,…đồng thời cảnh báo phơi nhiễm chất độc da cam có thể di truyền xuyên thế hệ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba và tại một số địa phương đã có di nhiễm sang thế hệ thứ tư.

Tội ác do chất độc da cam gây ra không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia mà nhiều binh lính Mỹ và các nước đồng minh như Hàn Quốc, Australia, Newzeland,…từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam cũng mắc các bệnh liên quan đến chất độc da cam. Hành động hủy diệt môi trường, gây tổn hại nghiêm trọng, lâu dài đối với con người đã bị nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới lên án. Trước tình hình đó, từ ngày 3/5/1971, quân đội Mỹ đã phải dừng các cuộc phun rải, giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng hòa đảm nhận. Và chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện phi vụ phun rải được xác định là ngày 31/10/1971.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt. Hằng năm, Nhà nước ta đã dành khoản ngân sách hơn 10 ngàn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Đặc biệt, Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam và các cấp Hội trong cả nước đã vận động, huy động các nguồn lực để giúp đỡ các NNCĐDC và gia đình nạn nhân, bao gồm xây dựng các cơ sở bán trú, xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất…

NGUỒN: ST