Saturday, 21st December, 2024 23:20

PHẢI CHĂNG TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN "ĐÃ LÀ QUÁ KHỨ, KHÔNG CÒN PHÙ HỢP VỚI THỜI ĐẠI HIỆN NAY"?

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen trình bày trong tác phẩm đến nay vẫn còn nguyên giá trị; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không luận điệu nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Cách đây 176 năm, tháng 02/1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã ra đời bằng sự công bố của C. Mác và Ph. Ăngghen do chính các ông soạn thảo bởi sự ủy nhiệm của Đồng minh những người cộng sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản công khai “trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ” của những người cộng sản; vạch ra những phạm trù, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học mang tính chất phổ biến toàn nhân loại cả về mặt lý luận và thực tiễn; đập lại “câu chuyện hoang đường” mà các thế lực chống đối rêu rao về một “bóng ma cộng sản” ở châu Âu. V.I. Lênin từng đánh giá: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng nghìn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”1. Giá trị lý luận – thực tiễn và tầm ảnh hưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là vô cùng sâu sắc và to lớn, mang tầm thời đại, toàn nhân loại, có sức sống mãnh liệt “xuyên thế kỷ”, đã và đang vận động trong dòng chảy thời đại.

Thế nhưng, suốt 176 năm qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dưới mọi màu sắc không ngừng điên cuồng chống phá, công kích, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và những nguyên lý lý luận cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Hiện nay, chúng có vẻ hữu ý “thừa nhận” những giá trị của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nhưng lại cho rằng Tuyên ngôn chỉ có giá trị trong thời của C. Mác, cùng lắm là trong thế kỷ XX, không còn phù hợp với hiện tại của thế kỷ XXI, nó đã là “quá khứ”, bị “thời đại vượt qua”. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn, rất thâm độc và tinh vi, xảo quyệt. Nó dễ làm cho chúng ta rơi vào ngộ nhận và “lầm tưởng” rằng đó là một kiểu bổ sung, phát triển sáng tạo những tư tưởng cơ bản trong Tuyên ngôn! Và vấn đề càng đặc biệt trở nên nguy hại khi chúng ta đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin.

Vậy, có đúng là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã là “quá khứ”, bị “thời đại vượt qua” không? Với lập trường cách mạng và từ sự kiểm nghiệm những nguyên lý lý luận của Tuyên ngôn trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa suốt tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người 176 năm qua, thì câu trả lời của chúng ta dứt khoát là không. Trái lại, chúng ta càng thấy rõ hơn những giá trị to lớn cả về phương diện lý luận và thực tiễn, cũng như sức sống bất diệt của nó đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và nhân loại cần lao.

Thực tế chứng minh, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá, thì ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của Tuyên ngôn càng trở nên sâu rộng và tỏa sáng không ngừng. Những kẻ tung ra luận điệu Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã là “quá khứ”, đã bị “thời đại vượt qua” cần nhớ lại và hiểu rõ thực tiễn rất sống động rằng, trong 176 năm qua, nhận thức của nhân loại và tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người có những phát triển lớn lao, biến đổi rất sâu sắc theo chiều hướng tiến bộ và văn minh. Đó là bởi sự tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác – Lênin. Sự lớn mạnh và phát triển, những thay đổi to lớn, cả những thăng trầm và biến cố lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế suốt gần 200 năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề rất mới mang tầm thời đại cả về lý‎ luận và thực tiễn, cần phải giải quyết. Song những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là phương pháp luận và lời giải cơ bản cho câu trả lời về các vấn đề mới đặt ra của thời đại.

Ví như, phát hiện và làm sáng tỏ về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân – phạm trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học – cống hiến vĩ đại của C. Mác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, giai cấp công nhân đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình với những nội dung, hình thức mới trong điều lịch sử mới trước sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Phạm trù trung tâm này được C. Mác và Ph. Ăng-ghen luận chứng, làm sáng tỏ và chỉ rõ trong Tuyên ngôn; đó là điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là do địa vị kinh tế – xã hội của chính nó, chứ không phải giai cấp này chỉ là giai cấp nghèo khổ; đồng thời khẳng định, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”2. C. Mác và Ph. Ăng-ghen cũng vạch ra con đường, biện pháp và những điều kiện thiết yếu để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

Thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó không những không bị mất đi, mà càng trở nên sống động và thực tế hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 dù có phát triển như thế nào chăng nữa cũng không thể làm thay đổi địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân. Trong điều kiện hiện nay, yếu tố vốn không còn quan trọng như trước nữa, mà tri thức, tài năng, chất xám và những ý tưởng liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố chính yếu, chiếm ưu thế nổi trội của nền sản xuất hiện đại trong khi giai cấp công nhân có sự phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là trình độ tri thức, công nghệ, kỹ năng lao động. Địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân không bị mất đi nên sứ mệnh lịch sử của giai cấp tiên tiến này cũng không thể mất đi. Giai cấp công nhân vẫn là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến – phương thức sản xuất với mức độ xã hội hóa, quốc tế hóa ngày càng cao, là lực lượng nắm giữ và vận dụng khoa học, công nghệ hiện đại; bản chất cách mạng, tính tiên tiến, triệt để cách mạng, tính kỷ luật của giai cấp công nhân vẫn không thay đổi, mà tiếp tục được củng cố, tăng cường và ngày càng thêm sâu sắc.

Luận điểm nổi tiếng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Giai cấp tư­ sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy – những công nhân hiện đại, những ng­ười vô sản”3 đã cung cấp cho chúng ta phương pháp luận rất cơ bản trong việc xem xét vấn đề sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong điều kiện lịch sử mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất,… làm biến đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống nhân loại. Thực chất, đó là sự phát triển của công nghiệp, của khoa học, công nghệ mang tính khách quan đã và đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư­ bản làm “tốt hơn” việc rèn dũa “vũ khí sẽ giết mình” thêm sắc nhọn. Đồng thời, tạo ra và phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ “những ngư­ời sử dụng vũ khí ấy” – giai cấp công nhân nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ chủ nghĩa t­ư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản văn minh, xác định rõ hơn con đ­ường, biện pháp thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại đó.

Ở các nước tư bản phát triển hiện nay, công nhân không còn bị bóc lột như trước nữa, đã và đang trở nên “trung lưu hóa”, thậm chí một bộ phận trở nên khá giả khi đã có cổ phiếu trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty. Nhưng, cần phải thấy rõ, sự “trung lưu hóa” đó là sự phản ánh mức sống của giai cấp công nhân trong điều kiện lịch sử mới, do tiến bộ chung của sự phát triển xã hội và là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của chính giai cấp này trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản suốt nhiều thế kỷ qua, chứ điều đó tuyệt đối không phải làm thay đổi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Người công nhân không phải đã trở thành “nhà t­ư bản” như cách người ta vẫn nói, mà “thành nhà t­ư bản đối với chính mình”; họ dù có cổ phiếu với giá trị cao hơn trước cũng chẳng vì thế mà thay đổi địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội tư­ bản. Người công nhân trước kia chỉ bán sức lao động cơ bắp là chủ yếu, thì ngày nay họ còn bán cả sức lao động trí óc, chất xám cho nhà tư bản. Những tư liệu sản xuất chủ yếu vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản và người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là các nhà tư bản. Vậy là, giai cấp công nhân vẫn là giai cấp bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư dưới nhiều hình thức tinh vi, họ vẫn là giai cấp những người làm thuê. Do đó, giai cấp công nhân muốn giải phóng mình, thì dứt khoát phải đồng thời giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công.

Trong thời đại ngày nay, những luận đề lý luận then chốt của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn còn nguyên giá trị và có sức sống mới. Trước đây, giai cấp công nhân đã từng đứng lên kêu gọi và đoàn kết tất cả các giai cấp, các tầng lớp khác đấu tranh vì dân chủ, dân sinh, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động, chống giai cấp tư sản; đã từng đi tiên phong trong các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bất công, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, với trình độ được tri thức hóa, với tổ chức khoa học và tinh thần cách mạng triệt để, giai cấp công nhân vẫn là chủ thể hàng đầu trong đấu tranh vì các quyền tự do cơ bản của con người, quyền của các dân tộc, chống mọi áp bức, bóc lột, bất công, thúc đẩy công bằng, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ xã hội; vẫn là lực lượng đi tiên phong và đoàn kết với nhân dân lao động trên toàn thế giới trên con đường đi tới xã hội chủ nghĩa. Kể từ khi Tuyên ngôn ra đời đến nay, dù có những thăng trầm và biến động lớn lao, nhưng sự lớn mạnh và trưởng thành của giai cấp công nhân; sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; sự hình thành, phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và sự phát triển mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực; những giá trị nhân văn, nhân đạo, tiến bộ của nhân loại; sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều chính giới, học giả, kể cả học giả tư sản đối với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đối với chủ nghĩa Mác – Lênin,… là thực tiễn sinh động cho thấy giá trị trường tồn và sức sống bất diệt của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lênin.

Ngày nay, dù tình hình có phát triển và biến đổi như thế nào chăng nữa, nhưng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không phải đã là “quá khứ”, “không còn phù hợp với thời đại ngày nay” như sự rêu rao, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trái lại, những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là định hướng tương lai, vẫn là cơ sở khoa học, phương pháp luận cho việc luận giải các vấn đề cơ bản của thời đại, vẫn là kim chỉ nam, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường thực hiện sứ mệnh lịch sử: loại bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản văn minh.

Tuy vậy vẫn cần có sự bổ sung và phát triển mới khi thời đại đã có những thay đổi. Điều đó đòi hỏi chúng ta khi vận dụng, phát triển phải đứng vững trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, phải thực hiện với một tinh thần và phương pháp khoa học nghiêm túc, đúng đắn. Nắm vững bản chất cách mạng và khoa học; dựa chắc vào thực tế khách quan, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận là yêu cầu tối quan trọng để bảo đảm sức sống và phát huy những giá trị, vai trò to lớn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn.

NGUỒN: QPTD