Friday, 17th January, 2025 3:29

Mỗi tờ báo có hàng trăm phóng viên, nhà báo có kinh nghiệm nên có thể phối hợp để tạo thành các Facebooker cũng như các tờ báo để tuyên truyền thông tin rộng rãi, kịp thời, chính xác như truyền thông.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Phản ứng chậm là thất bại trong truyền thông - Ảnh 1.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí – Ảnh: GIA HÂN

Phát biểu tại buổi giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão sáng 31-1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những khó khăn trong năm 2021, 2022 không chỉ của riêng với Việt Nam mà là thách thức mang tính sống còn, bởi đây là giai đoạn chứng kiến đến cực đỉnh các vấn đề toàn cầu.

Trong đó có đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thách thức của mô hình phát triển không cho phép con người đi xa hơn nữa mà phải thay đổi từ tư duy đến nhận thức.

Ông chỉ rõ hội nghị báo chí đầu xuân Quý Mão đặt ra rất nhiều vấn đề truyền thống nhưng cũng đặt ra những nền tảng quan trọng cho đổi mới tư duy, thay đổi để phát triển.

Phó thủ tướng chia sẻ lại việc đầu năm có dịp cùng Thủ tướng đi qua nhiều địa phương từ Bắc vào Nam và được chứng kiến không khí rất hồ hởi, phấn khởi.

“Ở nhiều nơi, dù phải nhường nhà, đất để làm đường nhưng với chính sách đúng đắn nên người dân đã thể hiện rõ niềm tin, chia sẻ, ủng hộ cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đây là không khí rất đặc biệt”, ông Hà nêu.

Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự tin tưởng của người dân, những bài học sâu sắc trong quá trình phát triển, chống dịch có thể hết sức tin tưởng đây sẽ là năm kiến tạo, đồng hành.

Cũng theo Phó thủ tướng, chúng ta đang bước vào giai đoạn, số lượng, cơ hội, quyết tâm có đủ. Sự ủng hộ của các cơ quan, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có đủ song thách thức với báo chí cũng rất lớn.

Ông nhắc hiện có hơn 700 cơ quan báo chí nhưng thực chất chỉ có khoảng 200 cơ quan là các tờ báo, đài truyền hình có đủ năng lực, sức khỏe, còn lại chủ yếu là các tạp chí. Trong khi với thế giới chuyển đổi số, có hàng nghìn các loại hình như Facebook cũng trở thành một tờ báo, ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số.

Do đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm thế nào để có đủ năng lực, sức mạnh, cạnh tranh với số lượng đó.

Trước yêu cầu đổi mới, Phó thủ tướng mong muốn báo chí phải nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh, phải xây dựng được đội ngũ có tính chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, ngoại giao, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số…

Phó thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí có những đề xuất với lãnh đạo Chính phủ để thực hiện được những yêu cầu này. Đồng thời trong cơ chế thị trường, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng được những ấn phẩm, tác phẩm, đầu tư với nhiều hình thức.

Mỗi tờ báo có hàng trăm phóng viên, nhà báo có kinh nghiệm nên rất mong muốn có thể phối hợp để tạo thành các Facebooker và cũng là tờ báo nhằm tuyên truyền thông tin rộng, kịp thời, chính xác.

“Tại sao lại không? Vì chúng ta đang cần đưa ra nhiều thông tin với nhiều người dân hơn, bằng nhiều hình thức hơn, trên quan điểm thống nhất về chủ trương, quan điểm… Vậy tại sao không phong phú bằng việc này…

Làm sao trong mỗi tờ báo có bao nhiêu phóng viên phải cùng họ trở thành chiến sĩ trên mặt trận này. Kể cả về chất lượng, số lượng thì mới có thể chiến thắng trong thời đại cách mạng thông tin”, ông Hà nêu và nhấn mạnh báo chí cần phải kịp thời trong việc truyền thông về mặt chính sách, “bởi phản ứng chậm là thất bại trong truyền thông”.

Ông Hà nói thêm, năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng với Quốc hội, Chính phủ, trong đó có xây dựng dự Luật đất đai sửa đổi. Do vậy, các cơ quan báo chí phải cùng đồng hành, ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, phản biện xã hội để xây dựng dự án luật đạt kết quả tốt nhất.

 

Nguồn: Thành Chung