Bằng cách thổi phồng mối đe dọa tưởng tượng từ Phương Đông, Mỹ và các chư hầu của họ có ý định sử dụng NATO như một công cụ chủ yếu để duy trì quyền bá chủ của họ trong các vấn đề của thế giới và ngăn chặn các trung tâm khác đang nổi lên trong trật tự thế giới đa cực.
Ngày 11-12/7, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương diễn ra tại Vilnius. Kết quả của Hội nghị này chứng tỏ rằng, rút cuộc, tổ chức này đã quay trở lại với các kế hoạch thời kỳ Chiến tranh lạnh mà giờ đây là nhằm mục đích bảo vệ “một tỷ người của liên minh” chống lại phần còn lại của nhân loại dựa trên cơ sở hệ tư tưởng phân chia thế giới thành “dân chủ” và “chuyên chế”. “Phương Tây tập thể” do Mỹ lãnh đạo không chịu chấp nhận sự hình thành thế giới đa cực và theo đuổi chủ trương bảo vệ quyền bá chủ thế giới của họ bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả phương tiện quân sự. Mọi nỗ lực của NATO dùng Hiến chương Liên Hợp Quốc để che đậy tham vọng và hành động xâm lược của họ là không thể nào biện minh được. Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Liên hợp quốc không có gì chung cả. Đối với Phương Tây, “trật tự dựa trên luật lệ” chỉ là đặc quyền vi phạm luật pháp quốc tế. Cả thế giới đều biết rất rõ hậu quả các hành động của NATO là sự gia tăng các trung tâm bất ổn; nhiều quốc gia bị tàn phá; chủ nghĩa khủng bố tràn lan; tội ác chiến tranh không bị trừng phạt; dân thường, bao gồm cả trẻ em vẫn bị sát hại; không thể ngăn chặn được dòng người tị nạn.
Hội nghị này lại một lần nữa chứng tỏ Liên minh này bất lực trong việc thích ứng với tình hình địa chính trị mới trên thế giới và không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế trong lĩnh vực an ninh. Bằng cách thổi phồng mối đe dọa tưởng tượng từ Phương Đông, Mỹ và các chư hầu của họ có ý định sử dụng NATO như một công cụ chủ yếu để duy trì quyền bá chủ của họ trong các vấn đề của thế giới và ngăn chặn các trung tâm khác đang nổi lên trong trật tự thế giới đa cực. Mục đích của chính sách “tìm kiếm thù” đang nhằm vào nước Nga.
Trong các văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh, nước Nga lại một lần nữa được coi là “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với an ninh của liên minh”. Đi ngược thực tế, họ cáo buộc một cách hoàn toàn vô căn cứ rằng Moskva “đang phá hoại an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu”. Theo đuổi ảo vọng giáng cho Nga một thất bại chiến lược, Washington và các đồng minh đang tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Nga, triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở đó và liên tục tiến hành các cuộc tập trận để thao luyện thực hành tấn công Nga. Liên minh đang hoàn thiện hệ thống chỉ huy-tham mưu, cải tiến và gia tăng các kho vũ khí mới và xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng để nhanh chóng triển khai các lực lượng được tăng cường. Liên minh sẽ tăng số lượng lực lượng tác chiến đầu tiên lên con cố 300.000. Hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp sẽ được xây dựng. Brussels đã hoàn toàn quên lãng những lời đảm bảo Liên minh sẽ không chống Nga.
Liên minh đã thông qua các kế hoạch “phòng thủ” khu vực mới nhằm tăng cường tiềm lực chiến tranh của họ trên đất liền, trên biển và trên không, trong vũ trụ và trong không gian mạng. NATO tuyên bố sẵn sàng áp dụng Điều 5 của Hiệp ước Washington để phản ứng thông thường, bao gồm sử dụng các lực lượng tập thể của liên minh để đáp trả các hành động “phức hợp” có tính chất thù địch trong không gian mạng và trong trường hợp cơ sở hạ tầng quan trọng bị thiệt hại. NATO nhất quán hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ lực và tăng cường thành phần hạt nhân trong các kế hoạch quân sự.
Các nước NATO chiếm hơn một nửa chi tiêu quân sự của thế giới. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Giờ đây, các thành viên của khối quân sự này sẽ chi ít nhất 2% GDP cho mục đích “quốc phòng”. Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ đang tỏ ra phấn khích trước việc các đồng minh sẽ phải mua mua vũ khí trang bị của Mỹ với giá cao ngất ngưởng để thay thế những vũ khí mà họ đã cung cấp cho Ukraine và đã bị phá hủy trên chiến trường.
Trong khi đẩy nhanh quá trình quân sự hóa và gia tăng căng thẳng quân sự-chính trị nhằm đạt được ưu thế vượt trội, NATO tiếp tục chính sách bành trướng khiêu khích. Tâm điểm của những tham vọng này của NATO là đẩy nhanh quá trình “NATO hóa” Ukraine. Hội đồng NATO-Ukraine được thành lập, nơi Kiev được hứa hẹn có cơ hội được tham gia bình đẳng với các quốc gia thành viên của liên minh. Liên minh đã xác nhận “công thức Bucharest” năm 2008, theo đó Ukraine sẽ gia nhập NATO. Tuy nhiên, một lần nữa, NATO vẫn chưa quyết định thời điểm nào Ukraina được gia nhập liên minh. Để làm dịu vị cay của liều thuốc đắng này đối với Kiev, NATO đã hủy bỏ Kế hoạch hành động để trở thành thành viên như một điều kiện thiết yếu để gia nhập liên minh. Đồng thời, Ukraine được sử dụng như một loại vật tư tiêu hao chính trong cuộc chiến phức hợp do NATO tiến hành chống Nga. Chủ trương leo thang chiến tranh, NATO đã cam kết sẽ cung cấp cho chế độ Kiev vũ khí tầm xa và hiện đại hơn để kéo dài cuộc xung đột càng lâu và càng tiêu hao nhiều càng tốt.
NATO tiếp tục lôi kéo Georgia, Bosnia và Herzegovina, Moldova vào “mạng lưới” của liên mình. Tham vọng bành trướng của NATO không chỉ giới hạn trong không gian Châu Âu-Đại Tây Dương. Sau khi đã “nuốt chửng” Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển mà không có bất kỳ cuộc thảo luận và trưng cầu dân ý nào, NATO tìm cách biến Bắc Cực thành đấu trường đối đầu quân sự, ráo riết thâm nhập vào không gian hậu Xô Viết. Trung Đông và Châu Phi đã được tuyên bố là khu vực có lợi ích chiến lược, nơi Washington và các đồng minh đang cố gắng áp đặt các quy tắc của riêng họ và rút cạn tài nguyên theo các mô hình thực dân mới. NATO đang vươn tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với lý do biện minh sai lầm rằng những diễn biến ở đó “có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Châu Âu-Đại Tây Dương”. Trong cơn điên cuồng bành trướng toàn cầu ở Vilnius, NATO tuyên bố rằng mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga trái ngược với “các giá trị và lợi ích của liên minh”.
Đối với hầu hết các quốc gia, những gì đang xảy ra gây ra mối lo ngại nghiêm trọng. Đường lối, hành động thực tế và hoạt động quân sự của liên minh hoàn toàn mâu thuẫn với nhiệm vụ khách quan là hình thành một trật tự thế giới mới công bằng, không có ranh giới phân chia giả tạo, không thể phân chia các quốc gia thành “ta” và “địch”, thừa nhận lợi ích chính đáng của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường phát triển và mô hình quản lý xã hội.
An ninh chỉ có thể là không thể chia cắt và không thể được tăng cường bằng cách phớt lờ an ninh của các quốc gia khác. Bất kể các kế hoạch địa chính trị của Washington và Brussels kéo dài đến đâu, thế giới sẽ không trở thành một “quả địa cầu của NATO”.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ được phân tích cẩn thận. Cân nhắc các thách thức và mối đe dọa đã được xác định đối với an ninh và lợi ích của Nga, chúng ta sẽ phản ứng kịp thời và phù hợp bằng mọi phương tiện và phương pháp mà chúng ta có. Ngoài các quyết định đã đưa ra, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố tổ chức quân sự và hệ thống phòng thủ của đất nước.
NGUỒN: REDSVN