Friday, 29th March, 2024 18:58

Năm qua, do mối quan hệ Nhật Bản-Nga đi xuống trầm trọng nên Tokyo muốn tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với Moscow trước khi quá muộn.

Những “lời cảnh tỉnh”

Mối quan hệ căng thẳng dai dẳng lâu nay giữa hai bên đang có chiều hướng xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây. Các nhà chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đánh giá những mối nguy hiểm của chiều hướng này.

Ngày 19/10, 10 tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã đi qua Eo biển Tsugaru, tuyến đường biển tương đối hẹp ngăn cách các đảo chính của Nhật Bản là Hokkaido và Honshu.

Mặc dù việc đi qua Eo biển Tsugaru không phải là bất hợp pháp, vì tuyến đường này nằm trong khu vực được xác định là vùng biển quốc tế, song hành động phô trương sức mạnh nói trên như một lời cảnh tỉnh rõ ràng đối với người Nhật rằng họ có những nước láng giềng mạnh, không đặc biệt thân thiện, với các chương trình nghị sự riêng liên quan đến trật tự khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, Nga đã và đang đều đặn nâng cấp Hạm đội Thái Bình Dương, đồng thời thông báo một loạt các chương trình nâng cấp mới cho các cơ sở trên bờ và có ý định triển khai thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường tới khu vực này.

Moscow đã bày tỏ sự không hài lòng với cả thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ-AUKUS cũng như việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có xu hướng can dự nhiều hơn vào các vấn đề an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu hôm 10/11 rằng Nhật Bản sẽ kiên quyết đối phó với cả Trung Quốc và Nga, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Mối quan hệ Nhật Bản-Nga đã đi xuống trong hơn một năm qua. Chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đến quần đảo Kuril đang tranh chấp (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) hồi tháng 7 vừa qua đã cho thấy rõ xu hướng này. Ngoài ra, Moscow cũng đã thực hiện các bước để tăng cường sự hiện diện của mình trên các đảo tranh chấp này.

Cần tiếp bước cựu Thủ tướng Abe

Mối quan hệ Nhật Bản-Nga đã trở thành một mối quan hệ bất thường rất rõ rệt ở Đông Bắc Á trong ít nhất 2 thập kỷ qua.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai quốc gia này đã có nhiều bước đi để cải thiện quan hệ, đạt được tiến bộ trong việc phi quân sự hóa cũng như xây dựng các mối quan hệ thương mại, chẳng hạn như trong lĩnh vực năng lượng và đánh bắt thủy sản.

Chính cựu Thủ tướng Abe Shinzo là người đã giữ cho quan hệ Nhật-Nga phát triển theo chiều hướng tích cực. Tổng cộng, ông Abe và Tổng thống Putin đã gặp nhau 27 lần, một kỷ lục phi thường.

Ông Abe đã mạnh dạn bỏ qua sự phản đối rõ ràng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đến Nga để gặp ông Putin hồi tháng 5/2016, qua đó giúp phá vỡ tình thế bị quốc tế cô lập của Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine trong giai đoạn 2014-2015.

Tuy nhiên, ông Abe không thể hoàn toàn đạt được bước đột phá với Nga về tranh chấp đảo. Dù vậy, mối quan hệ thân tình và sâu sắc của họ đã tạo nên những thành tựu kinh tế và văn hóa đáng chú ý.

Hơn nữa, một “lợi ích phụ” đáng kể của mối quan hệ này là giúp giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn cực kỳ biến động 2017-2018.

Tất nhiên, ông Abe nỗ lực cải thiện quan hệ với Điện Kremlin không phải xuất phát từ việc ông thích trứng cá muối của Nga hay búp bê Matryoshka, mà là do ông quyết tâm không để Moscow trượt sâu hơn vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Nếu như mối quan hệ Nhật Bản-Nga bị “cuốn theo chiều gió”, điều rõ ràng là có lợi cho Trung Quốc.

Ngày 26/10, Military Review, một tờ báo của Nga đã đăng một bài viết có nội dung: “Có lẽ, trước những sự kiện gần đây, đã đến lúc nói về người láng giềng đặc biệt của chúng ta, quốc gia mà chúng ta vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình, tức là giữa hai nước gần như vẫn đang có chiến tranh”.

Khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Moscow gia tăng nhanh chóng, các chiến lược gia của Nhật Bản có thể sẽ buộc phải cân nhắc một số kịch bản khá xấu trong quan hệ với Nga.

Để ngăn chặn tình huống xấu nhất có thể xảy ra, Tokyo nên tiếp tục tích cực cải thiện quan hệ với Moscow, theo đuổi những gì mà ông Abe đã đặt nền tảng, đó là ưu tiên việc hai nước phụ thuộc lẫn nhau về thương mại (Kế hoạch hợp tác 8 điểm) hơn là một thỏa thuận về lãnh thổ vốn không có khả năng đạt được.

Hai hướng đi đầy hứa hẹn cho hợp tác Nhật Bản-Nga là về Triều Tiên và Bắc Cực. Rõ ràng, Triều Tiên vẫn chưa nhân nhượng trong việc không phi hạt nhân hóa, nên Nhật Bản và Nga hiện cần phối hợp để giúp bán đảo Triều Tiên có một tương lai tươi sáng hơn.

Thêm nữa, tuyến đường biển phía Bắc đi qua Bắc Cực để tới châu Âu rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Nga chắc chắn cũng sẽ đánh giá cao sự hỗ trợ bổ sung của Nhật Bản.

Thay vì tham gia các động thái mang tính biểu tượng với các nước NATO, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu Tokyo tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ đang xuống dốc nhanh chóng với Moscow trước khi quá muộn.

NGUỒN: BÁO QUỐC TẾ