Thursday, 16th January, 2025 23:09

THẾ GIỚI NHÌN TỪ TUYÊN BỐ CHUNG NGA - TRUNG QUỐC NGÀY 22/3/2023

Tuyên bố chung của Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và và hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên mới được ký kết trên cơ sở kết quả cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong dịp chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo CHND Trung Hoa từ ngày 20 đến ngày 22/3/2023.

Sau đây là tóm tắt những nội dung cơ bản của Tuyên bố chung đề cập tới tình hình chính trị thế giới.

Hai bên nhận thấy những biến đổi trên thế giới đang diễn ra nhanh chóng; sự biến đổi sâu sắc cấu trúc quốc tế; tính không thể đảo ngược của các xu thế lịch sử như hòa bình, phát triển, hợp tác và cùng có lợi; ghi nhận quá trình tăng tốc thiết lập trật tự thế giới đa cực; vị thế của các nước có thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được củng cố; sự gia tăng số lượng các cường quốc khu vực có ảnh hưởng đến các quá trình toàn cầu và đang thể hiện mong muốn bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp của họ. Trong khi đó, vẫn còn phổ biến các biểu hiện của chủ nghĩa bá quyền, đơn phương và bảo hộ; không thể chấp nhận được mưu toan thay thế các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bằng “trật tự dựa trên luật lệ”.

Sức sống của mô hình đa cực và sự phát triển bền vững của các quốc gia phụ thuộc vào tính mở phổ quát và tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia không có ngoại lệ trên cơ sở bao trùm và không phân biệt đối xử. Nga và Trung Quốc kêu gọi tất cả các nước thúc đẩy các giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, phát triển, bình đẳng, công bằng, dân chủ và tự do, đối thoại thay vì đối đầu, áp dụng cách tiếp cận bao trùm thay vì loại trừ lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy sự phát triển hòa bình thế giới; phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Hai bên phản đối việc chính trị hóa hợp tác nhân đạo quốc tế, phân biệt đối xử đối với đại diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thể thao dù dựa trên bất kỳ chỉ dấu nào như quyền công dân, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị và tín ngưỡng khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội.

Hai bên tái khẳng định sẵn sàng kiên quyết bảo vệ hệ thống quốc tế do Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế xuất phát từ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc; phản đối mọi hình thức bá quyền, cách tiếp cận đơn phương và chính trị cường quyền, tư duy Chiến tranh lạnh, hình thành các khối đối đầu và tạo ra các định dạng hẹp nhằm chống lại một số quốc gia.

Phía Nga ghi nhận ý nghĩa tích cực của quan điểm xây dựng “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh” của Trung Quốc nhằm tăng cường tình đoàn kết của cộng đồng thế giới và chung sức ứng phó với các thách thức chung. Phía Trung Quốc đánh giá tích cực những nỗ lực mang tính xây dựng và nhất quán của Nga nhằm hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa cực công bằng.

Hai bên ủng hộ xây dựng nền kinh tế thế giới mở, hệ thống thương mại đa phương, trong đó Tổ chức thương mại thế giới giữ vai trò trung tâm; thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; kêu gọi xây dựng môi trường phát triển mở, công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử; phản đối các cách tiếp cận đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, tạo dựng rào cản và chướng ngại, phá vỡ các mối quan hệ và chuỗi cung ứng, các biện pháp trừng phạt đơn phương và các chính sách hạn chế cưỡng bức. Phía Nga đánh giá tích cực “Sáng kiến phát triển toàn cầu” [của Trung Quốc] và sẽ tiếp tục tham gia vào công việc của Nhóm nạn bè để hỗ trợ sáng kiến này.

Hai bên sẽ tiếp tục khuyến khích cộng đồng quốc tế tập trung vào các vấn đề phát triển, cùng đóng góp vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo sớm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

Các bên quan ngại sâu sắc về những thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực an ninh quốc tế, xuất phát từ thực tế vận mệnh của người dân tất cả các quốc gia đều có mối liên hệ với nhau, không quốc gia nào được đảm bảo an ninh của mình bằng cách đánh đổi an ninh của các quốc gia khác. Các bên kêu gọi cộng đồng quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc thảo luận tập thể và hành động chung, tích cực tham gia quản lý an ninh toàn cầu, tăng cường hiệu quả sự ổn định chiến lược toàn cầu và đảm bảo an ninh phổ quát, toàn diện, bền vững dựa trên sự hợp tác bằng cách sử dụng các cơ chế quốc tế thích hợp, bao gồm các công cụ kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Để đạt được mục tiêu này, các bên khẳng định cần đổi mới toàn diện và cải thiện cấu trúc an ninh quốc tế theo hướng bền vững hơn trước các cuộc khủng hoảng.

Phía Nga đánh giá tích cực lập trường khách quan và không thiên vị của phía Trung Quốc đối với vấn đề Ukraina. Nga hoan nghênh thái độ sẵn sàng của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao và những cân nhắc mang tính xây dựng được nêu trong văn kiện do phía Trung Quốc đề xuất “Về lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraina”. Hai bên lưu ý rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina, cần tôn trọng mối quan tâm chính đáng của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn hình thành đối đầu theo khối, ngăn chặn các hành động tiếp tục thúc đẩy xung đột. Các bên nhấn mạnh rằng đối thoại có trách nhiệm là cách tốt nhất để giải quyết bền vững cuộc khủng hoảng Ukraina và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ các nỗ lực mang tính xây dựng trong vấn đề này. Các bên kêu gọi chấm dứt tất cả các bước tạo điều kiện leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự, tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng cho đến khi chuyển sang giai đoạn không thể kiểm soát. Hai bên phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt mà không được phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Một trong những trụ cột trung tâm của an ninh quốc tế cần phải là các nguyên tắc và tham số đã được thống nhất và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình trong giai đoạn lịch sử hiện tại sẽ giúp giảm thiểu khả năng xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia. Cần tránh đến mức tối đa xung đột giữa các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vốn có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu.

Các bên lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, thúc đẩy ý tưởng thành lập một mặt trận chống khủng bố toàn cầu duy nhất với vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp Quốc; phản đối chính trị hóa và tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan; lên án hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia núp dưới chiêu bài chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan quốc tế, cũng như các nỗ lực sử dụng các nhóm khủng bố và cực đoan vào các mục đích địa chính trị; ủng hộ cuộc điều tra khách quan, không thiên vị, chuyên nghiệp về các vụ nổ tại đường ống dẫn khí đốt “Nord Stream”.

Hai bên quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, bao gồm cả trong khuôn khổ triển khai “Sáng kiến an ninh toàn cầu”; thiết lập sự hợp tác hiệu quả theo các hình thức song phương và đa phương trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, cùng nhau phản đối các kế hoạch và nỗ lực chính trị hóa vấn đề nguồn gốc của coronavirus.

Các bên quyết tâm tăng cường phối hợp trong khuôn khổ G20 và các cơ chế đa phương khác, khuyến khích G20 ứng phó với những thách thức hiện nay trong lĩnh vực kinh tế và tài chính quốc tế, cải thiện hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu trên cơ sở công bằng và hợp lý; ủng hộ Liên minh Châu Phi gia nhập G20.

Các bên tái khẳng định sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt và tăng cường nhất quán Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí sinh học và độc tố cũng như việc tiêu hủy diệt chúng; bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động sinh học quân sự của Hoa Kỳ được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia cũng như bên ngoài biên giới đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của các quốc gia khác và nhiều khu vực, yêu cầu Hoa Kỳ đưa ra lời giải thích về tình hình này và không thực hiện bất kỳ hoạt động sinh học nào trái với Công ước nói trên.

Các bên phản đối quân sự hóa công nghệ thông tin và truyền thông, chống lại việc hạn chế phát triển và hợp tác phát triển các công nghệ đó; ủng hộ việc hình thành một hệ thống quản trị Internet toàn cầu đa phương, bình đẳng và minh bạch, đồng thời bảo đảm chủ quyền và an ninh của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực này; ủng hộ các hoạt động của Nhóm công tác mở của Liên Hợp Quốc về an ninh trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giai đoạn 2021-2025.

Hai bên cho rằng cần tăng cường hơn nữa năng lực của UNESCO với tư cách là diễn đàn liên chính phủ phổ quát trong lĩnh vực nhân đạo.

Hai bên chủ trương phát triển hợp tác theo định dạng “Nga – Ấn Độ – Trung Quốc” và “Nga – Trung Quốc – Mông Cổ”, cũng như tăng cường tương tác tại các diễn đàn như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác đối thoại.

Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động và rủi ro đối với sự ổn định chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương liên quan đến việc thiết lập Đối tác an ninh ba bên (AUCUS) giữa Mỹ, Anh và Australia và kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân của các bên.

Hai bên thực hiện các biện pháp có hiệu quả, phát triển hợp tác và đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tái khẳng định cam kết đối với Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và các mục tiêu, nguyên tắc và điều khoản của Thỏa thuận Paris.

Nga và Trung Quốc phản đối nỗ lực của từng quốc gia biến không gian vũ trụ thành đấu trường đối đầu vũ trang và phản đối các hoạt động nhằm đạt được ưu thế quân sự và sử dụng ưu thế đó cho các hoạt động tác chiến.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố chung của Lãnh đạo 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và chạy đua vũ trang, khẳng định rằng không thể có bên nào chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không để chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường vai trò và ảnh hưởng của SCO trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong không gian của tổ chức này; đóng góp tích cực vào các cuộc thảo luận về việc mở rộng BRICS và tăng số lượng thành viên tham gia.

NGUỒN: ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM