Friday, 22nd November, 2024 4:39

TIẾNG NÓI CHÍNH TRỊ THIẾU KINH NGHIỆM CỦA THẾ HỆ TRẺ MỸ

Những năm gần đây, Mỹ cho thấy rằng đất nước này dễ “tổn thương” bởi những cơn “địa chấn” của sự chia rẽ. Tình trạng phân biệt chủng tộc, vấn đề phá thai, bạo lực súng đạn… không chỉ phơi bày những mặt tăm tối nhất của xã hội Mỹ mà đằng sau đó còn khiến nhiều người tự hỏi: Thanh niên Mỹ ở đâu trong những biến cố chính trị đó?

Theo một nghiên cứu mới nhất, 2/3 người trẻ ở Mỹ thừa nhận rằng họ bị thiếu các kỹ năng cần thiết. Người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ bị phụ thuộc nặng nề vào công nghệ. 99% thanh niên Mỹ biết sử dụng Internet, riêng độ tuổi 13 – 17 đã dành trung bình 6,5 giờ cho việc sử dụng phương tiện truyền thông trên màn hình. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tiềm năng thì vẫn tồn tại các lo ngại về việc sử dụng công nghệ: Lối sống lười vận động; trốn tránh xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong một bộ phận giới trẻ; không gian mạng dần bị cực đoan hóa bởi những hành vi quấy rối và đấu tố lẫn nhau.

Báo cáo khoa học thường niên của Đại học Harvard năm 2022 cho biết, các cử tri trẻ tuổi ở Hoa Kỳ có xu hướng giảm nhiệt tình trước các cuộc bầu cử. Họ bị mất niềm tin vào bầu cử và 56% trong số đó tin là lá phiếu của họ không thực sự mang lại khác biệt gì cho cuộc sống. Tồi tệ hơn, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng: Thanh niên Mỹ đang xem chính trị là một trong những yếu tố gây căng thẳng. Năm 2010, chỉ 24% thanh thiếu niên Mỹ đi bỏ phiếu. 10 năm sau, tỷ lệ bỏ phiếu của người trẻ tăng lên (30%), nhưng nếu đặt con số ấy trên tổng số thanh thiếu niên hiện có thì vẫn chưa tương xứng.

Nhiều người trẻ hiện nay đang dần quay lưng lại với chính trị truyền thống. Khi người trẻ chối bỏ ngôn luận hợp pháp trên chính trường và chọn cất lên tiếng nói bằng thái độ hung hăng, đó cũng là lúc cho thấy họ thật sự thiếu kinh nghiệm về chính trị. Bởi thực tế đã chứng minh: Các phong trào xã hội có sự tham gia đông đảo của thanh thiếu niên ở Mỹ đều không tạo nên những thay đổi đáng kể. Họ đấu tranh không tới cùng, lâu lâu bùng phát, bị đàn áp là dễ dàng phân hóa, chia rẽ và rồi sụp đổ. Suy cho cùng, muốn phản đối một điều luật hay thủ tiêu bất công trong xã hội thì biểu tình, tuần hành, hay tệ hơn là bạo loạn chắc chắn không phải là cách nên làm.

Cách đây 14 năm, GS Mark Bauerlein đã từng dự đoán về tương lai của những người trẻ ở Mỹ, ngày nay, họ là những người trong độ tuổi từ 20 – 30. Một thế hệ thanh thiếu niên luôn thất vọng với nước Mỹ và mọi thứ khác kém hoàn hảo hơn họ. Từ những thanh niên sững sờ trước các thay đổi, khi lớn lên, họ trở thành những người lớn hung hăng, theo đuổi những khát khao có phần bảo thủ và cực đoan. Và thế hệ ấy, ở Mỹ, hôm nay và có lẽ là còn nhiều chục năm nữa, sẽ định hình tương lai của nước Mỹ. Một tương lai mà ở đó người trẻ luôn thiếu kinh nghiệm nhưng giàu niềm tin.

Trong khi, thanh thiếu niên ở Mỹ có những hạn chế chung thì người trẻ ở Việt Nam có những khác biệt về căn bản. Khác với số đông thanh niên Mỹ chuộng cuộc sống cá nhân, người trẻ Việt vô cùng gắn bó với gia đình. Theo cuộc khảo sát của Hội đồng Anh, 3/4 các ứng viên cho biết gia đình là yếu tố căn bản định hình nên con người họ. Ngoài ra, thanh niên Việt Nam cũng rất quan tâm đến các vấn đề của đất nước. Bằng chứng là các chương trình tình nguyện như “Hoa phượng đỏ”, “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh” hoặc “Tiếp sức mùa thi”… luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ người trẻ.

Ở một diễn biến khác, trong khi thanh thiếu niên ở Mỹ tỏ ra thờ ơ với quá khứ thì ở Việt Nam, các cuộc tranh luận xoay quanh các chủ đề lịch sử, chính trị, xã hội diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút không ít trẻ. Các buổi nói chuyện của các chuyên gia, chính trị gia có lượng người trẻ tham dự đông đảo như Sử talk, Café Thứ Bảy. Chưa kể, những năm gần đây, dưới sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ, một luồng gió tươi mới đã được thổi vào những bộ cổ phục Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến nhóm Đại Việt Cổ Phong. Sau đó, có các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận như: Đình làng Việt, S.River, Chèo 48h…

Bên cạnh đó, người trẻ Việt cũng góp mình vào các chiến dịch vì bình đẳng giới và môi trường. Các phong trào bình đẳng giới được tổ chức bởi các hội nhóm phổ biến hơn bao giờ hết. Những tổ chức như VGEM và VOGE hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Không những thế, thanh thiếu niên Việt Nam ngày càng nhận thức rõ về các vấn đề môi trường ở đất nước mình. Các chiến dịch tình nguyện phủ xanh đồi trọc, cải tạo không gian ven bờ, tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác,… không những có tác dụng tích cực trong việc duy trì một môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn cho thấy vai trò và vị trí của người trẻ trong các hoạt động gìn giữ màu xanh của đất nước.

Từ thực tế đời sống thanh thiếu niên ở Mỹ và Việt Nam những năm gần đây, có thể nhìn lại vai trò và vị trí của thế hệ trẻ trước các vấn đề của quốc gia, dân tộc. Việc đưa ra cái nhìn thế này không nhằm mục đích so sánh, đặt thanh niên Mỹ thấp hơn Việt Nam và ngược lại, điều muốn nói nhất là về những bài học mà người Việt cần rút ra cho công tác giáo dục, củng cố lý tưởng cho người trẻ. Hiện tại, có thể người trẻ ở Việt Nam đang rất nhiệt tình, hăng hái với đời sống. Nhưng nếu những vấn nạn ở các nước không được tiếp thu và học hỏi, rút kinh nghiệm thì sẽ đến lúc, người trẻ Việt trở thành nạn nhân tiếp theo của thời đại.

 

NGUỒN: CÁNH CÒ