Friday, 29th March, 2024 19:12

Tính đến nay đã gần hai tháng sau ngày Trung  Quốc chính thức mở cửa. Tại thời điểm đó chúng ta đã kỳ vọng cho sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam. Nhận diện tình hình hiện tại của Việt Nam: thị trường nông nghiệp liên tục đón nhận tin vui, du lịch nhiều địa phương ảm đạm do vắng bóng khách Trung Quốc.

Trung Quốc đã đóng cửa ba năm do tình hình dịch Covid trước khi mở cửa lại vào ngày 08 tháng 01. Trung Quốc đóng cửa đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước ta khiến nhiều công ty đóng cửa và nhiều người thất nghiệp. Khi nghe tin Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, chúng ta đã kỳ vọng rằng có thể khôi phục một số ngành nghề và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mọi thứ diễn ra dường như không giống với kịch bản chúng ta đã tưởng. Việc Trung Quốc mở cửa không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, mà còn kéo theo nhiều thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. 

Nông nghiệp có nhiều khởi sắc đáng mừng

Theo tạp chí doanh nghiệp Kinh Tế Xanh, việc Trung Quốc mở cửa thông quan giúp cho hoạt động thu mua nông sản tăng mạnh. Hầu hết các loại nông sản, thủy hải sản và đặc biệt là trái cây đều được tăng giá. Thậm chí có tình trạng tăng giá gấp đôi, gấp ba. Hai loại trái cây hiện nay Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất là thanh long và sầu riêng. Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng từ các nước. Riêng thanh long, nhờ vào việc tiêu thụ mạnh từ Trung Quốc. Hiện nay giá thanh long ở nước ta được thu mua từ 20 đến 30 ngàn đồng, với mức giá này giúp cho bà con trồng thanh long có thu nhập khá ổn.

Tại nước ta, nông nghiệp chiếm diện tích lớn, vị trí địa lý lại gần Trung Quốc dễ dàng trao đổi buôn bán. Thời gian xuất khẩu nông sản nhanh, giữ được sự tươi ngon và tránh được phần lớn tình trạng hao hụt. Đây sẽ là ưu điểm tuyệt vời cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong thời gian Trung Quốc đóng cửa, chúng ta đã nâng cao được chất lượng sản phẩm. Điển hình là chúng ta đã sản xuất qua các thị trưởng khó tính như Mỹ, Nhật Bản,… Đây cũng sẽ là một lợi thế lớn cho nông sản nước ta khi vào thị trường Trung Quốc.  

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong đà tăng trưởng và phát triển vượt bậc. Là yếu tố góp phần tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.

Du lịch Việt Nam vỡ kịch bản, đối mặt với nhiều khó khăn

Những ngày đầu tiên khi nghe tin Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, du lịch chính là ngành mà Việt Nam có nhiều kỳ vọng nhất. Chúng ta đã ráo riết chuẩn bị để đón chào những vị khách đến từ Trung Quốc. Sự chuẩn bị này là có căn cứ. Bởi vì, năm 2019 trước khi Trung Quốc đóng cửa do tình hình dịch Covid, Việt Nam đã đón được 5,8 triệu du khách đến từ Trung Quốc, chiếm đến ⅓ số khách du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên sau khi mở cửa trở lại đến nay, chúng ta vẫn chưa có khách đến từ Trung Quốc.

Các công ty du lịch Trung Quốc đã mở các tour du lịch đến hai mươi quốc gia, nhưng không có Việt Nam. Trong đó có những nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia,… Việc Trung Quốc không mở tour du lịch đến Việt nam đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình du lịch nước ta. Nhiều khu du lịch vắng bóng khách, khiến nhà hàng khách sạn không thể hoạt động và đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt, nhiều hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. 

Tình hình vắng bóng khách du lịch kéo dài, là một điều vô cùng bất ổn cho ngành du lịch nước ta. Khi mà du lịch là một trong những nguyên nhân giúp GDP tăng trưởng nhanh. Vì thế chúng ta cần sớm đưa ra những giải pháp khắc phục, giúp ngành du lịch thu hút nhiều du khách hơn.

Góc nhìn toàn cảnh: nhiều ý kiến trái chiều “kẻ khóc người cười”

Đứng trước thông tin trên, liên quan đến ngành du lịch không đón được nhiều khách Trung Quốc như mong đợi. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân không có liên quan vấn đề kinh tế đến ngành du lịch đã rất vui mừng. Họ cho rằng không đón được khách Trung Quốc là một cái phước lớn của chúng ta. Để không phải lây lan tình hình dịch bệnh từ Trung Quốc sang. Những lời này đang gây ra tranh cãi từ nhiều phía khác nhau. 

Nhiều hướng dẫn viên du lịch và những người làm trong nhà hàng khách sạn tại địa phương thường xuyên tiếp đón khách Trung Quốc cho hay. Đã một thời gian dài những khu này đều vắng khách dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Để trải qua giai đoạn khó khăn họ phải liên tục tìm nhiều công việc khác nhau. 

Còn một luồng ý kiến khác cho hay,  ở khu du lịch của họ từ tết đến nay đón khá nhiều khách du lịch từ Hàn Quốc, Nhật Bản,… Vì thế việc vắng khách Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều. Họ có lời khen cho nước ta đã nhìn trước được tình hình, bắt đầu thu hút khách từ nhiều nước khác thay vì Trung Quốc như trước đó.

Nhìn chung thì tình hình du lịch nước ta vẫn còn khá ảm đạm so với những năm trước dịch. Năm 2019 nước ta đã ghi nhận có đến 18 triệu khách du lịch nước ngoài ghé thăm Việt Nam. Nhưng đến năm vừa rồi 2022 chỉ đón được 3.66 triệu khách. Chúng ta đã kỳ vọng khách Trung Quốc sẽ một phần nào đó làm tăng con số này, khi Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên như chúng ta thấy đến hiện tại vẫn chưa nhận được du khách từ Trung Quốc.

Giải pháp thích ứng với tình hình hiện tại

Chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để thích ứng theo mọi tình huống. Đối với ngành nông nghiệp, chúng ta cần khai thác tối đa cơ hội mà Trung Quốc đang mang đến. Tập trung sản xuất nhiều nông sản sang Trung Quốc. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến phát triển bền vững nông sản sạch. Lợi dụng ưu thế về khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng mang tính cạnh tranh. 

Tuy nhiên không thể vì Trung Quốc đang thu mua một lượng lớn mà chúng ta lại phụ thuộc hoàn toàn nông sản vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta cần rút ra bài học về việc giải cứu thường xuyên nông sản Việt, và việc trồng ồ ạt loại cây có giá để rồi khi thu hoạch mất giá. Vì thế song song xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chúng ta cần tìm ra hướng đi mới cho nông sản Việt, bằng việc tìm thị trường trong các nước khó tính như việc chúng ta đã làm khi Trung Quốc đóng cửa.

Đối với ngành du lịch, bên cạnh việc đợi Trung Quốc mở tour đến Việt Nam thì chúng ta cần tìm cho Việt Nam hướng đi mới. Việt Nam cũng là một địa điểm yêu thích của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Năm 2022, du khách đến từ Hàn Quốc đứng đầu Việt Nam có đến gần 800.000 lượt khách. 

Tuy nhiên để thu hút du khách đến từ những nước này chúng ta cần tăng độ nhận diện cho du lịch Việt Nam. Chỉ có 18% du khách Hàn là tự tin biết hết về Việt Nam và 68% du khách Nhật tương đối hiểu về Việt Nam. Chúng ta sẽ không chọn đi đến một quốc gia du lịch khi chẳng biết rằng nó sẽ có những gì. Vì thế Việt Nam chúng ta cần quảng bá rộng hơn nữa về du lịch Việt Nam cho bạn bè quốc tế biết đến. Về những khu phố ẩm thực đặc sắc về những vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng và cả con người hiếu khách thân thiện của Việt Nam. 

Tương lai Việt Nam và Trung Quốc 

Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên tầm nhìn tương lai quan hệ quốc tế của nước ta và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn phát triển. Vì thế mọi thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc đều gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Ví dụ cụ thể, khi Trung Quốc đóng cửa do dịch bệnh, kinh tế của nước ta cũng đã có khoảng thời gian chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do không có linh kiện và các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa ứ đọng do không thể xuất khẩu sang đó, ngành du lịch ảnh hưởng lớn do không có khách Trung Quốc. 

Tính đến nay thì Trung Quốc cũng chỉ mới mở cửa trở lại chưa đầy hai tháng, mà chúng ta có thể thấy nền nông nghiệp đã liên tiếp đón nhiều tin vui. Vì thế chúng ta có quyền tiếp tục kỳ vọng cho ngành du lịch.

 

Nguồn: NTD