Friday, 17th January, 2025 10:37

Mỏ quặng uranium khổng lồ có thể phục vụ khai thác công nghiệp được phát hiện ở độ sâu hàng nghìn mét, khiến nguồn dự trữ ước tính tăng 10 lần, lên tới 2 triệu tấn.

Các nhà nghiên cứu dò tìm dấu vết của quặng uranium. Ảnh: Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu dò tìm dấu vết của quặng uranium. (Ảnh: Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc)

Phát hiện đưa Trung Quốc sánh ngang với Australia, một trong những nước giàu uranium nhất thế giới, theo các nhà khoa học tham gia dự án. Sử dụng một số công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất thế giới, những nhà địa chất học tăng độ sâu thăm dò lên 3.000 m, sâu gấp 6 lần so với phần lớn mỏ uranium ở Trung Quốc.

Nhu cầu uranium của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, với nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới (6 – 7 lò phản ứng mới được xây dựng mỗi năm). Tuy nhiên, hầu hết mỏ uranium của Trung Quốc đều nhỏ về quy mô và chất lượng quặng nghèo nàn, dẫn tới hơn 70% nguồn cung cấp phải nhập khẩu từ các nước như Kazakhstan, Canada và Australia.

Li Ziying, giám đốc Viện nghiên cứu địa chất học uranium Bắc Kinh, cho biết phát hiện mới thách thức giả thuyết phổ biến về quá trình hình thành mỏ uranium. Giới nghiên cứu cho rằng nguyên tố phóng xạ chỉ tập trung ở khu vực nông và ổn định về mặt địa vật lý. Nhưng một số mỏ uranium lớn nhất tìm thấy ở miền nam Trung Quốc trong những năm gần đây nằm ở độ sâu hơn 1.500 m bên dưới mặt đất. Những khu vực này cũng trải qua vận động kiến tạo dữ dội, khiến quá trình hình thành quặng uranium dài và phức tạp trở nên bất khả thi theo quan điểm trước đây.

Theo nhà chức trách Trung Quốc, Li và cộng sự phát hiện uranium có thể bị đẩy thẳng lên từ lớp phủ và mắc kẹt bên trong những “điểm nóng” cách mặt đất vài nghìn mét trong vài vụ va chạm kiến tạo lớn. Theo ông, khó khăn nằm ở chỗ có rất ít manh mối trên mặt đất về mỏ uranium sâu. “Việc xác định vị trí của mỏ khó không kém tìm một chiếc đĩa CD trên khu vực rộng 10.000 km2”, Li chia sẻ.

Trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm hỗ trợ tìm kiếm uranium sâu, theo bài báo của Li và cộng sự trên tạp chí Bulletin of Mineralogy, Petrology and Geochemistry. Cảm biến trên không siêu nhạy điều khiển từ xa cho phép họ phát hiện dấu vết nhiệt cực nhỏ tạo bởi quặng phóng xạ với độ chính xác chưa từng có trong khu vực rộng. Nhóm nghiên cứu cũng tạo ra một máy khoan với mũi khoan đặc biệt để lấy mẫu vật từ độ sâu lớn hiệu quả hơn so với trước, đồng thời tăng tốc phân tích dữ liệu bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào phát triển vật liệu lọc uranium từ nước biển. Nhằm cải thiện hiệu quả, nhà chức trách hạt nhân nước này lên kế hoạch xây dựng một số cơ sở tái chế chất thải hạt nhân bằng nhiều công nghệ khác nhau, bao gồm máy gia tốc hạt.

NGUỒN: SCMP