Tuesday, 21st January, 2025 19:55

TỰ DO BÁO CHÍ PHẢI TRONG KHUÔN KHỔ CỦA PHÁP LUẬT

Chúng ta biết, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều có quy định trong Hiến pháp: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì thế, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam xét xử một số nhà báo, hoặc những người đã từng làm báo vi phạm pháp luật là điều bình thường. Nhà báo cũng là công dân, đều bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác. Thế nhưng, gần đây, khi tòa án của Việt Nam xét xử một số phần tử lợi dụng “mác phóng viên” để kích động xuyên tạc, tán phát những thông tin sai lệch,… thì một số người đã “bày tỏ chính kiến” trên mạng xã hội hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng: “Việt Nam đã đàn áp nhà báo”, “Ở Việt Nam không có tự do báo chí”, v.v. Cùng với đó, một số tổ chức và báo chí của nước ngoài do không hiểu, hoặc cố tình không hiểu tình hình thực tế của Việt Nam đã thêu dệt và đưa những thông tin không đúng sự thật về báo chí Việt Nam. Điển hình là Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022”, đưa ra luận điệu bịa đặt và cáo buộc rằng: Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ”. Từ đó, họ kêu gọi mọi người đấu tranh đòi “tự do báo chí đích thực”, “thả tự do cho các nhà báo” vi phạm bị pháp luật xử lý, v.v.

Những người có hành vi đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân Việt Nam có thể không biết, hoặc cố tình không biết rằng, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người, nhưng quyền này luôn có giới hạn và phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định như vậy. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có chế tài, điều khoản luật xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tự do báo chí để vi phạm pháp luật. Nói cách khác, tự do báo chí, ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải gắn với chế độ chính trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức, pháp lý trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân. Ở Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm, gây hấn, v.v. Tháng 4/2003, Peter Arnett (tác giả của cuốn sách “Từ chiến trường khốc liệt” đã được Nhà xuất bản Thông tấn dịch ra tiếng Việt), là phóng viên “ruột” của hãng CNN, bỗng dưng bị sa thải vì đưa thông tin không phù hợp với quan điểm của Nhà trắng và Lầu năm góc. Ở Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận cũng đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc, trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật Tự do báo chí, năm 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật Dân sự); cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (Luật Hình sự). Việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí, v.v.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được hiến định tại Điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946): “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành (năm 2013) tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có những quy định cụ thể về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các đạo luật này còn có những quy định cụ thể về hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,… đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Như vậy, về mặt pháp luật, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền con người.

Suốt 77 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể được thụ hưởng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí in và điện tử, hơn 70 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cả nước có hơn 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có hơn 17.000 người được cấp Thẻ Nhà báo, v.v. Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người (chiếm 70% dân số), v.v.

Những năm qua, báo chí ở Việt Nam luôn giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan báo chí của Việt Nam thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tuyên truyền nhanh, đầy đủ, chính xác các tin tức sự kiện, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phát hiện và phản ánh trung thực gương tốt, việc tốt, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, mô hình hiệu quả, những biểu hiện tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19; qua đó, cổ vũ cán bộ, đảng viên, quần chúng, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, đặc biệt là trong công cuộc phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19. Báo chí đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang làm cản trở sự phát triển của đất nước. Trong hoạt động nghiệp vụ, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn, thách thức, lăn lộn với thực tiễn, phát hiện những “kẽ hở”, bất cập trong việc ban hành các chính sách,… từ đó kiến nghị với các cơ quan chức năng của Nhà nước sửa đổi, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, phanh phui nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng – những “con sâu” đang đục khoét đời sống của người lao động, những kẻ làm giàu bất chính, những nguyên nhân kìm hãm tài năng của quần chúng; nêu các biện pháp ngăn chặn và khắc phục những trở ngại đó. Báo chí, truyền thông đã tạo dư luận mạnh mẽ đấu tranh, lên án những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, như: thói lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối, biểu hiện thờ ơ vô trách nhiệm, vô tổ chức, v.v. Đây chính là cuộc đấu tranh cho cái tốt thắng cái xấu, đấu tranh cho phương hướng đúng, hành vi tốt ngày càng được nhân rộng và phát triển vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Đó là minh chứng sinh động cho sự tự do báo chí ở Việt Nam.

Thế nhưng, một số tổ chức, cá nhân có thể không hiểu hoặc có biết nhưng do có dụng ý xấu lại xuyên tạc, bịa đặt. Họ nhân danh cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” để cổ vũ cho thứ tự do báo chí không xây dựng trên nền tảng của sự trung thực và tôn trọng sự thật; một thứ “tự do báo chí” vô nguyên tắc, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Họ đòi Việt Nam phải tổ chức, quản lý báo chí theo “mô hình báo chí phương Tây”, đòi “tư nhân hóa báo chí” để biến báo chí ở Việt Nam thành công cụ phục vụ mưu đồ của họ. Họ ra sức tung hô, cổ xúy, ca ngợi những kẻ mà họ gán cho những mỹ từ, như: “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” mà thực ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật Việt Nam xử lý.

Theo Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Pháp luật của Việt Nam “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Thực tế cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã và đang diễn ra đúng như thế. Vì thế, những cá nhân “té nước theo mưa”, “theo đóm ăn tàn”, mờ mắt theo chân các thế lực thù địch, phản động để chống phá, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành, trả giá đắt cho những hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân hay cao hơn nữa là tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam cần nhận thức đúng đắn về quyền tự do ngôn luận, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các luận điệu sai trái, thông tin xấu độc và tích cực chia sẻ, lan tỏa các thông tin lành mạnh.

 

NGUỒN: QPTD