Saturday, 21st December, 2024 11:35

TƯỞNG NIỆM 9 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP ( 4/10/2013_4/10/2022)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975.

Ông đã chỉ huy quân đội tốt trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với nỗi hổ thẹn của Quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, với học thuyết “Chiến tranh nhân dân”, với toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam. Nhà sử học Derek Frisby gọi ông là kiến trúc sư của quân đội nhân dân Việt Nam, hoặc thậm chí có thể là của nước Việt Nam tồn tại như ngày nay.

Ký giả nổi tiếng Oriana Fallaci, trong bài phỏng vấn nhan đề “Mỹ sẽ thua, tướng Giáp khẳng định” (Americans will lose, says General Giap), đăng trên báo Washington Post, ngày 6 tháng 4 năm 1969, mô tả Võ Nguyên Giáp như sau: “Đôi mắt của Giáp! Hẳn đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy. Sắc sảo, linh lợi, tươi vui, dữ dội – tất thảy mọi thứ. Một đôi mắt long lanh như hai tia sáng, xuyên thấu người ta tựa như hai lưỡi kiếm, ánh mắt đầy quyết đoán, uy nghi”.

Nhà sử học quân sự Cecil Currey, trong quyển tiểu sử Victory at Any Cost (Chiến thắng bằng mọi giá), có nhận xét về tính cách của ông. Tướng Giáp dành trọn tình cảm của ông đến đất nước và toàn bộ sự hiến dâng đến Đảng Cộng sản, khát vọng lớn nhất cuộc đời ông là 2 mục tiêu: giải phóng Việt Nam ra khỏi sự đô hộ của nước ngoài và thống nhất đất nước, do đó ông đã “dành trọn khát vọng và niềm kiêu hãnh vô bờ bến của mình vào hai mục tiêu này”, và “bề ngoài lạnh buốt của ông che đậy một tính khí rất nóng nên người Pháp đã miêu tả ông là một núi lửa được tuyết che phủ”.

Tướng Mỹ William Westmoreland – đối phương của ông trong chiến tranh Việt Nam đã chỉ trích ông rằng “Bất cứ tướng Mỹ nào chịu tổn thất nhiều như thế sẽ không giữ được chức trong vòng ba tuần. Sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ ghê gớm, nhưng không tạo nên một thiên tài quân sự”. Nhưng sau đó nhận xét của Westmoreland đã bị nhà sử học nổi tiếng Stanley Karnow phản bác.

Trước hết, Westmoreland đã bỏ qua sự vượt trội về trang bị và hỏa lực của quân đội Mỹ so với quân đội Việt Nam (nếu quân đội Mỹ trang bị thiếu thốn như phía Việt Nam, thì tổn thất của họ sẽ còn cao hơn nhiều). Stanley Karnow cũng chỉ ra điểm khác biệt cơ bản giữa tướng Giáp và các tướng Mỹ: ông không phải là một người Mỹ đang đối đầu với một dân tộc xa lạ ở một xứ sở xa lạ. Bộ đội của ông, và những thường dân hỗ trợ họ, chiến đấu trên đất đai quê hương mình; họ tin tưởng rằng cuộc kháng chiến trường kỳ cuối cùng sẽ quét sạch lòng kiên nhẫn của quân thù và đưa họ đến mục đích cuối cùng là thống nhất tổ quốc. Chiến lược này đã giúp ông Giáp đánh bại người Pháp và nó sẽ lại phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống lại người Mỹ.

Nhà sử học Derek Frisby chỉ ra: tướng Giáp thừa hiểu một cuộc chiến kéo dài chắc chắn sẽ mang lại nhiều tổn thất nhưng điều đó không có nghĩa là một phe nào đó chắc chắn sẽ thắng hay thua; và chỉ cần quân đội Việt Nam còn tồn tại để tiếp tục chiến đấu thì ý niệm về Việt Nam sẽ tiếp tục sống trong tâm khảm của những người ủng hộ nó. Đó là bản chất của một cuộc chiến tranh cách mạng. Những lời chỉ trích của Westmoreland dành cho tướng Giáp lại chính là chìa khóa để hiểu tại sao viên tướng Mỹ đã không thể đánh bại Võ Nguyên Giáp.

Đối với những chỉ trích từ phương Tây rằng ông là người vô cảm, chính bản thân Võ Nguyên Giáp đã từng trả lời một nhà báo Ý rằng: “Người phương Đông chúng tôi khác người phương Tây các ông. Chúng tôi đặt sự tồn vong của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Mỗi phút có hàng trăm, hàng ngàn người chết trên trái đất này. Sự sống hoặc cái c*hết của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn con người, đối với đồng bào của chúng tôi, cũng là không đáng kể (đối với sự nghiệp giành độc lập dân tộc)”. Ông cho biết: người Việt Nam sẽ sẵn sàng chịu bất kỳ hy sinh nào và chiến đấu tới cùng để giải phóng đất nước của họ từ quân đội nước ngoài, và ông cũng không ngoại lệ.

Giáo sư Fredrik Logevall nhận định, việc đánh bại 2 quân đội mạnh như Pháp và Mỹ không chỉ đơn giản là chấp nhận đánh đổi bằng tổn thất lớn. Tướng Giáp đã thành công trong việc tận dụng các lợi thế sẵn có như địa hình và sự ủng hộ của người dân để khắc chế ưu thế về hỏa lực và vũ khí của Pháp và Mỹ, ngoài ra ông và các đồng sự cũng tranh thủ được sự ủng hộ của những người dân Pháp, Mỹ phản đối chiến tranh. Nếu không có đường lối quân sự đúng đắn này thì dù Việt Nam có hy sinh nhiều tới đâu cũng chỉ là vô ích trước những kẻ thù mạnh như Pháp và Mỹ. Cecil B. Currey nhận xét: các tướng Pháp và Mỹ đều ỷ vào sự áp đảo của xe tăng, máy bay, pháo binh với suy nghĩ là cứ chiếm thật nhiều vùng đất thì sẽ thắng, họ đã không nắm được yếu tố căn bản của chiến tranh như Tướng Giáp.

Ông có thể thua trong một số trận đánh, nhưng kết quả chung cuộc thì ông luôn thắng. Tư tưởng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa đúc rút từ lịch sử của Việt Nam, vừa chấm phá bằng những màu sắc từ Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, của Tôn Tử, Napoleon, của Thomas Lawrence và nhiều người khác. Ông tạo nên những nét sáng tạo của chính mình trên tấm vải là Đảng và nhân dân của ông. Bức tranh hoàn toàn là của riêng ông – một kiệt tác nghệ thuật.

NGUỒN: ĐI TÌM LẼ SỐNG