Friday, 19th April, 2024 16:02

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHẢN ĐỘNG CỦA PHAN NHÂN QUYỀN

Vừa qua, trên trang Bureau CTM Media – Âu Châu có đăng bài viết “Đàn áp công giáo kiểu mới của nhà cầm quyền Việt Nam” của Phan Nhân Quyền. Bài viết đã xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu khống một cách trắng trợn chính quyền đàn áp tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng của lũ “Sa tăng”, “phản Chúa, phá Đạo”.

Trước việc hàng loạt các linh mục Công giáo bị tổ chức tôn giáo kỷ luật vì những hành vi trái với giáo lý, giáo luật, gây bức xúc trong giáo dân và xã hội, Phan Nhân Quyền cho rằng, đó là do chính quyền can thiệp, “đàn áp kiểu mới” chứ không phải là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo.

Bất kỳ tổ chức, dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có luật lệ, pháp luật để quy định việc các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ, thực hiện, nếu thành viên nào vi phạm đều bị tổ chức đó xử lý. Trong tôn giáo cũng vậy, mỗi một tôn giáo đều có giới luật, luật lệ riêng để quy định về những điều chức sắc, chức việc, tín đồ của mình được làm hay không được làm, qua đó khuyến khích con người làm điều lành, tránh điều dữ. Từ rất sớm, Công giáo đã xây dựng cho mình một hệ thống các luật lệ rất chi tiết, cụ thể và được thực hiện thống nhất trên toàn thế giới. Về 10 điều răn của Thiên chúa: phải thờ kính Thiên chúa trên hết mọi sự; không được lấy danh Thiên chúa để làm những việc phàm tục, tầm thường; giành ngày chủ nhật để thờ kính Thiên chúa; thảo kính cha mẹ; không được giết người; không được dâm dục; không được gian tham, lấy của người khác; không được làm chứng dối, che dấu sự gian đối; không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác; không được ham muốn của cải trái lẽ. Mười điều răn này quy lại thành hai điều được coi là tôn chỉ của Công giáo, đó là: Kính chúa, yêu người. Bên cạnh các điều răn, Giáo hội còn quy định các quan hệ đối với đồng đạo, đối với đồng loại và đối với chính bản thân mình và coi đó là những quy phạm đạo đức mà mỗi tín đồ phải thực hiện, cụ thể là: lấy điều thiện mà khuyên người; hướng dẫn cho kẻ mê muội; tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình; nhịn kẻ xúc phạm đến mình; răn bảo kẻ tội lỗi; an ủi người lo âu; cầu nguyện cho người sống; cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách mặc; cho khách ở nhờ; cho người làm thuê; thăm viếng người hoạn nạn; chôn táng người chết; khiêm nhường; không hà tiện; đoan chính; không tị hiềm; siêng năng; ăn uống điều độ.

Đối chiếu với các quy định trên, nếu chức sắc, tín đồ nào vi phạm, tùy theo mức độ mà sẽ bị tổ chức tôn giáo quản lý xử lý kỷ luật.

Trong bài viết, Phan Nhân Quyền đã nêu tên một số linh mục mà y cho rằng đã “bị vô hiệu hóa bởi chính bề trên dòng tu, hay Giám mục địa phận” vì “dấn thân một cách ôn hòa, đúng luật pháp và công ước quốc tế cho công lý sự thật, đòi quyền được sống cho những người nghèo thấp cổ bé họng, bị cướp đất cướp nhà…” như: Đặng Hữu Nam, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Duy Tân, Đinh Hữu Thoại… và một số linh mục “giấu tên” khác. Những cái tên này thì dư luận đều rõ, họ đã nói và làm hoàn toàn trái ngược với những lời ca ngợi, tán dương của Phan Nhân Quyền và đồng bọn của y.

Lợi dụng “quyền lực” của mình, các linh mục này đã có những lời nói, bài viết và việc làm không những vi phạm pháp luật (việc Đời) mà còn vi phạm đạo đức, danh dự của tín đồ, chức sắc Công giáo (việc Đạo). Họ đã nhân danh Chúa để trục lợi, làm những điều phi lý, trái với tôn chỉ “kính Chúa, yêu nước”, họ không là “giáo dân tốt” cũng chẳng là “công dân tốt”. Những linh mục này táng tận lương tâm bán linh hồn cho Juda, Sa tăng, cấu kết với Việt Tân và bè lũ thù địch, phản động cơ hội chính trị, lũ “Việt gian” lợi dụng các buổi sinh hoạt tôn giáo với thái độ điên cuồng, ngạo mạn thường xuyên tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền, chế độ. Chúng còn phỉ báng, bôi nhọ, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị tiền nhân, anh hùng liệt sỹ, những người có công với đất nước, cách mạng, xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không những thế, những đối tượng này còn kích động, xúi giục, cản trở tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân, vi phạm pháp luật như biểu tình, gây rối, bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản của tổ chức, cá nhân, không cho trẻ em đến trường, thanh niên thực hiện nghĩa quân sự. Chúng đã đẩy những giáo dân vốn hiền lành, nhẹ dạ, vì “vâng phục” mà vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý, làm đảo lộn, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân.

Những hành vi đó của chúng đã xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam nói chung, về đạo Công giáo nói riêng, làm cho dư luận trong nước và quốc tế có cái nhìn sai lệch, thiếu thiện chí về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Những hành vi đó đã gây bức xúc trong xã hội và ngay chính những chức sắc, tín đồ Công giáo đã nhận rõ và có những hành động lên án, đấu tranh, yêu cầu “treo chén”, xử lý nghiêm minh với những linh mục vừa phá Đạo vừa phá Đời này. Chúng đã bị các tổ chức tôn giáo xử lý kỷ luật với các hình thức như chuyển địa phận, thôi mục vụ, không còn là linh mục, là Cha, đại diện cho tổ chức tôn giáo nữa. Và khi các cơ quan chức năng có xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi vi phạm pháp luật thì chúng chỉ là những tín đồ, công dân bình thường, không còn nhân danh Chúa nữa.

Như vậy, những linh mục Công giáo bị các tổ chức tôn giáo xử lý kỷ luật là vì họ vi phạm vào những lời răn của Chúa, vi phạm quy định của Giáo hội, không xứng đáng với chức vụ được phong phẩm, làm tổn hại đến thanh danh Chúa và Giáo hội. Đó là công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo trong đạo Công giáo chứ hoàn toàn không phải là sự can thiệp của chính quyền như bài viết “Đàn áp công giáo kiểu mới của nhà cầm quyền Việt Nam” xuyên tạc, vu khống. Vì vậy, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo để nhận diện và đấu tranh bác bỏ.

NGUỒN: TIẾNG GỌI SÔNG ĐÀ