Là diễn giả chính trong phiên thảo luận về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu” tại Hội nghị WEF Davos 2022 ngày 23.5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu 5 đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự phiên thảo luận về khủng hoảng lương thực toàn cầu. (ẢNH: VGP)
Định hướng của Việt Nam
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận trọng tâm này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tác động của khủng hoảng “kép” của đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Phó Thủ tướng nêu 5 đề xuất quan trọng.
Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.
Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước Châu Phi và Châu Mỹ Latin.
Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.
Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.
Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…
Phó Thủ tướng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp các-bon thấp, “xanh – sinh thái – bền vững”, xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”.
Phó Thủ tướng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Theo Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley, ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng trong tình trạng đáng báo động. Vấn đề khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên đáng chú ý khi có tới 400 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đối mặt với nạn đói.
Giám đốc WFP chia sẻ những đánh giá và đề xuất của đoàn Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tình trạng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thực trạng đô thị hóa tràn lan đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu. Các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác công – tư nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực và thúc đẩy xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu bền vững và bao trùm.
Việt Nam quyết tâm theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh
Trưa 23.5 theo giờ địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn lớn về thu hút tài chính xanh, tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có Wonderloop, Horasis, Menzies Aviation, dHealth Foundation, NAS, Citibank, HSBC, ToGo,…
Tại cuộc trao đổi, các tập đoàn và quỹ đầu tư tài chính đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. Các doanh nghiệp khẳng định mong muốn đồng hành và hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Việt Nam quyết tâm theo đuổi lộ trình tăng trưởng xanh, thu hút các nguồn tài chính xanh hướng đến phát triển bền vững của quốc gia. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, nguồn lực nhà nước đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nguồn lực bên ngoài sẽ đóng vai trò bổ trợ rất quan trọng từ cả gốc độ vốn, công nghệ và tư vấn chính sách.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin với các nhà đầu tư về mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng như định hướng cơ cấu nguồn điện quốc gia để đạt mục tiêu phát thải 0 vào năm 2050, trong đó phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời.
Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực với lợi thế về vị trí địa lý, dân số trẻ và nền kinh tế có độ mở cao. Lãnh đạo các tập đoàn cũng đánh giá cao chiến lược và định hướng phát triển của Việt Nam, khẳng định tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, kết nối các tổ chức tài chính, ngân hàng để cung cấp các chương trình tài chính xanh cho Việt Nam trong thời gian tới.
NGUỒN: LAOĐỘNG