Thursday, 14th November, 2024 17:39

Bên ngoài nhà máy sản xuất của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam. Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và dự kiến bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam vào năm sau.

Bên ngoài nhà máy sản xuất của Samsung ở tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam. Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và dự kiến bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam vào năm sau.

 

Việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc là động thái mới khiến các công ty cân nhắc dịch chuyển một số năng lực sản xuất chất bán dẫn của họ sang các nước lân cận như Việt Nam và Ấn Độ, theo CNBC.

Hồi tháng 10, chính phủ Mỹ bắt đầu yêu cầu các công ty phải có giấy phép xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến hoặc thiết bị sản xuất có liên quan sang Trung Quốc. Những doanh nghiệp đó cũng cần phải có sự chấp thuận của Washington nếu họ sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất các loại chip cao cấp để bán cho Trung Quốc.

Các hạn chế này là động thái mới nhất trong một loạt biến động đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá 600 tỷ USD trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất chip, từng bị thu hút bởi khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn, đã phải đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc, sự gián doạn chuỗi cung ứng do các hạn chế của đại dịch COVID-19 và rủi ro địa chính trị gia tăng. Do đó, theo CNBC, các nhà sản xuất chip tập trung vào Trung Quốc giờ đây đang tìm động lực mới để tái tạo các dây chuyền sản xuất của họ ở nơi khác.

Ông Jan Nicholas, giám đốc điều hành chuyên về lĩnh vực bán dẫn của Deloitte, nói với CNBC rằng các nhà sản xuất này muốn chuyển đến nơi nào đó gần Trung Quốc để sản xuất với sản lượng đạt hiệu quả cao nhất có thể. Ông cho biết Đông Nam Á đã trở thành một lựa chọn tự nhiên cho các nhà máy muốn chuyển ra ngoài Trung Quốc.

Đông Nam Á cũng được xem là hấp dẫn hơn so với các cường quốc sản xuất chip như Hàn Quốc và Đài Loan do khu vực này được coi là trung lập trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đánh giá của các chuyên gia.

“Hàn Quốc và Đài Loan không thể tự ngụy trang nhưng các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Singapore đang định vị mình là con đường thứ 3, một cầu nối trung lập giữa hai gã khổng lổ (Mỹ và Trung Quốc)”, Sarah Kreps, giám đốc Viện Chính sách Công nghệ tại Đại học Cornell của Mỹ, nói với CNBC.

Đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc, theo đánh giá của CNBC. Quốc gia Đông Nam Á này đã rót hàng tỷ đô la vào các khoản đầu tư để thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục, thu hút các nhà sản xuất chip lớn đến đó.

Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đầu tháng này đã cam kết sẽ đầu tư thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam và tập đoàn công nghệ của Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất linh kiện chip vào tháng 7 năm sau.

Trước đó, truyền thông Việt Nam nói rằng CEO của Samsung đã gặp mặt Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 8 và công bố khoản đầu tư 850 triệu USD để sản xuất chất bán dẫn ở nhà máy của tập đoàn này ở Thái Nguyên. Khoản đầu tư này được cho là sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ tham gia sản xuất chất bán dẫn cho nhà máy chip nhớ lớn nhất của Samsung.

“Các công ty đã có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc như Samsung có thể đầu tư vào các phương án sản xuất thay thế mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc mà không phải chịu gánh nặng chính trị”, bà Kreps nói với CNBC.

Việt Nam không phải là gương mặt mới trong ngành bán dẫn. Nhà máy bán dẫn đầu tiên của Việt Nam là Z181, được thành lập năm 1979 để sản xuất và xuất khẩu các linh kiện bán dẫn cho khối các quốc gia Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo nhận định của hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trên diễn đàn chính sách quốc tế East Asia Forum, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và cấm vận thương mại đã đặt dấu chấp hết cho nỗ lực đầu tiên của Việt Nam trong việc phát triển khả năng làm chất bán dẫn.

Tuy nhiên, mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu chưa bao giờ tắt. Theo hai nhà nghiên cứu Lê Phan và Nguyễn Hải Thanh của CIEM, đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, chất bán dẫn đại diện cho cả cơ hội kinh tế lẫn lợi ích an ninh quốc gia. Tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn có nghĩa là Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường toàn cầu được dự báo sẽ đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 12%.

Ngành bán dẫn cũng là một vấn đề an ninh quốc gia, theo hai nhà nghiên cứu của CIEM. Sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu khiến cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam dễ bị gián đoạn cung ứng và tiềm ẩn nguy cơ từ phần mềm độc hại. Các nhà nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng lệnh cấm xuất khẩu chip sâu rộng của Mỹ đối với Trung Quốc làm dấy lên lo ngại ở Việt Nam về việc liệu sự khác biệt chính trị của quốc gia Đông Nam Á với phương Tây có thể dẫn đến số phận tương tự như Trung Quốc trong tương lai hay không.

 

Nguồn: CNBC