Saturday, 21st December, 2024 17:06

GÓI TRỪNG PHẠT THỨ 7 CỦA EU LÊN NGA VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Mới đây, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga. Đặc biệt gói trừng phạt này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu của Nga.

Ngoài cấm nhập khẩu vàng, EU còn bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào danh sách đen; chặn thêm 3 ngân hàng và hạn chế đối với 3 cơ quan truyền thông Nga.

Theo các chuyên gia, mục đích của EU khi nhắm trừng phạt tới vàng Nga là tiếp tục đánh vào các nguồn tài chính trụ cột của Nga.

Từ lâu, vàng là mặt hàng đại diện cho hoạt động xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của Nga. Hàng năm Nga xuất khẩu mặt hàng này trị giá hàng tỷ EURO. Ngoài ra, gói trừng phạt mới này cũng được cho là bước đi nhằm bịt lỗ hổng của các biện pháp trừng phạt đã được thông qua trước đó, chẳng hạn như bằng cách bổ sung một số sản phẩm cụ thể vào danh mục hàng hóa bị cấm. Gói trừng phạt này cũng liên quan đến các công bố gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về các mặt hàng bị cấm vận chuyển tới vùng Kalingrad của Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm này chủ yếu mang tính biểu tượng vì các biện pháp trừng phạt trước đó nhằm vào Nga đã phát huy tác dụng trong việc đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ, kể cả các trung tâm thương mại tại London.

Đặc biệt, khi nhìn chi tiết vào gói trừng phạt thứ 7, có thể thấy, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với việc mua, nhập khẩu hoặc chuyển nhượng trực tiếp hoặc gián tiếp vàng nếu nó có nguồn gốc từ Nga hoặc xuất khẩu từ Nga vào Liên minh EU. Nhưng phần phụ lục của tài liệu này cho thấy, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với vàng ở dạng bột, chưa gia công hoặc bán thành phẩm mà không áp dụng dưới dạng trang sức như dây chuyền vàng, nhẫn vàng… Điều này có thể là một kẽ hở trong gói trừng phạt lần này.

Thêm một điểm đặc biệt đó là thời gian gần đây, khi một số quốc gia thành viên EU đang tiếp tục thúc đẩy việc bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt về năng lượng của Nga, thì trong gói trừng phạt thứ 7 đã không đề cập đến lệnh cấm đối với lĩnh vực này bởi những lẽ sau đây:

Đầu tiên, EU đang nhận ra những bất cập xuất hiện qua 6 gói trừng phạt trước đó. Các quốc gia ủng hộ trừng phạt Nga phần nào thấy được các lệnh cấm đã gây ra một số tác động đối với Nga tuy nhiên mức độ lại không đúng như kỳ vọng. Trong khi ở chiều ngược lại thì gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của EU như lạm phát gia tăng, khủng hoảng năng lượng – lương thực vẫn tiếp tục lan rộng trên toàn châu Âu.

Trên thực tế, bất chấp những đòn trừng phạt liên tiếp từ phương Tây trong gần 5 tháng qua, Nga vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, trong khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cho đến nay, Nga vẫn đủ sức chịu đựng về tài chính dù các gói trừng phạt của EU lần lượt được áp đặt trong thời gian qua.

Một nguyên nhân khác khiến việc cấm khí đốt của Nga chưa được đưa vào gói thứ 7 là do trong EU còn nhiều quốc gia vẫn chưa thực sự sẵn sàng với quyết định này như Séc, Hungary.Thủ tướng Cộng hòa Séc, quốc gia giữ vai trò chủ tịch luân phiên EU cũng đã lên tiếng cho rằng gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga không hạn chế nhập khẩu khí đốt vì nhiều quốc gia thành viên không thể thích ứng kịp như một số các quốc gia Đông Âu, Baltic đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt từ Nga.Mặt khác, nguyên tắc khi áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga phải có tác động tới Nga lớn hơn so với các nước áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nền kinh tế nhiều nước ở phía Đông châu Âu lại đang thiệt hại nặng nề ở mức khó kiểm soát. Thủ tướng Séc Fiala cũng nhấn mạnh Séc cũng như các quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga vẫn đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này. Nhưng rõ ràng quá trình này cần phải có thời gian và tiềm lực tài chính. Do đó, việc các nước đề xuất áp đặt trừng phạt năng lượng của Nga sẽ là điều khó khả thi vào lúc này.

Thậm chí, theo Ủy ban châu Âu, việc hết khí đốt của Nga có thể làm giảm GDP của EU tới 1,5% đặc biệt trong mùa đông tới. Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga hiện đã ảnh hưởng đến 12 quốc gia thành viên EU và một số quốc gia. Trong đó, Đức và Hungary đã phải buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề năng lượng.

So với 6 vòng trừng phạt trước đó, các lệnh cấm vận mới nhất được cho là có quy mô nhỏ nhất. Phải chăng EU cũng gặp khó khi tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga?

Mặc dù các lệnh cấm vận không chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, tuy nhiên châu Âu vẫn tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt với mục tiêu trước mắt làm suy yếu nền kinh tế Nga. Bởi lẽ phương Tây hiểu rằng một kết quả có lợi cho Nga sẽ làm thay đổi cơ bản trật tự Á – Âu mà điều này không phải mong muốn của EU. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để châu Âu có biện pháp thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Đây cũng được coi là mục tiêu quan trọng trong dài hạn của khối.

NGUỒN: CÁNH CÒ