Cách nay 48 năm (1975 – 2023), khi thời cơ tổng công kích vào thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đã điểm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau gần 4 ngày tổng tiến công và nổi dậy, trưa ngày 30/4/1975, quân và dân ta làm chủ thành phố Sài Gòn – Gia Định, bắt giữ và buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đánh dấu sự chấm hết của chế độ thực dân mới, mà đế quốc Mỹ đã dày công xây dựng bị sụp đổ hoàn toàn. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại sâu sắc.
Sau khi Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27/01/1973), nhận thấy tương quan so sánh lực lượng đã hoàn toàn nghiêng về phía ta, ngày 7/01/1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, đồng thời chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[1].
Để kiểm chứng nhận định trên, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Đường số 14 – Phước Long, diễn ra từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/01/1975. Qua đòn trinh sát chiến lược này, Bộ Chính trị đã họp bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Đặc biệt, sau những thắng lợi liên tiếp của các đòn tiến công chiến lược, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”[2].
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đoàn kết một lòng, nỗ lực cao độ, tạo thành sức mạnh “triều dâng thác đổ” như thế chẻ tre, tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận quyết chiến chiến lược quyết định cuối cùng với quân thù. Chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, cùng lực lượng áp đảo, với một khối lượng lớn vật chất hậu cần đã có mặt ở khu vực tập kết, sẵn sàng tổng tiến công vào nội đô Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã diễn ra và kết thúc thắng lợi vào ngày cuối cùng của tháng Tư (30/4/1975), theo đúng nhận định của Bộ Chính trị. Sau gần 4 ngày tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc ta vô cùng vẻ vang oanh liệt, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) – Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – Đường lối chiến tranh nhân dân: Toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường; vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, phương pháp cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo bảo đảm thành công đường lối đó; giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế; động viên toàn dân, toàn quân đoàn kết tham gia kháng chiến và kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn nữa, chiến thắng 30/4/1975 còn là thắng lợi của nền văn hoá Việt Nam được xây đắp từ tinh hoa văn hoá của 54 dân tộc anh em trên đất nước ta, đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vươn lên tự khẳng định sức sống trường tồn. Đó là nền văn hoá bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình; từ lòng nhân ái, trọng chính nghĩa, ghét gian tà, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; cởi mở tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hoá thế giới. Nền văn hoá ấy ngày càng được bồi đắp và không ngừng phát huy lên tầm cao mới – Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là cội nguồn sức mạnh vĩ đại của ý chí và trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh, lòng quả cảm và cốt cách Việt Nam, tạo nên sức sống mãnh liệt của nền văn hiến Việt Nam.
Đồng thời, chiến thắng 30/4/1975 thể hiện sự hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước, với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và khí phách: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.
Đại tướng Văn Tiến Dũng – Nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thời chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây rằng: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay”[3].
Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, website và mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30/4/1975; xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; hạ thấp tầm vóc của chiến thắng, cho rằng chiến thắng 30/4/1975 không thể gọi là một chiến thắng vẻ vang, mà chỉ là một kết quả tất nhiên khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và quân đội Sài Gòn… Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những luận điệu sai trái đó, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến đấu chính nghĩa nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Thắng lợi vĩ đại 30/4/1975 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam. Do đó, chiến thắng 30/4/1975 thuộc về dân tộc Việt Nam, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; thắng lợi của sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tình thời đại sâu sắc”[4].
Trong giai đoạn cách mạng mới, dù tình hình quốc tế, khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường; sự nghiệp đối mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phải vượt qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của chiến thắng 30/4/1975 – Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mãi trường tồn. Đó vừa là niềm tự hào, là động lực và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
NGUỒN: VOV
………………………………
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.10.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.95 – 96.
[3] Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr..48.
[4] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976). Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37 (1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.471.