Sau nhiều lần tạm hoãn do đại dịch Covid-19, từ ngày 01 đến 26/8/2022, Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được tổ chức tại New York (Mỹ). Do bất đồng giữa các nước thành viên, nhất là giữa Mỹ và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Hội nghị đã không thể thông qua được tuyên bố chung. Mặc dù vậy, Hội nghị này vẫn có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân cao chưa từng có kể từ thời Chiến tranh lạnh
Theo đánh giá của Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thế giới đang đứng trước nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân cao chưa từng có trong lịch sử. Trong khi nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục chi những khoản tiền lớn không chính đáng để phát triển loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, thì đa số các nước trên thế giới đều ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân và cho rằng những khoản tiền đó lẽ ra cần được dùng để hóa giải các thách thức an ninh khác như đại dịch Covid-19. Với tốc độ tăng chi tiêu để phát triển vũ khí hạt nhân như hiện nay, kho đầu đạn hạt nhân toàn cầu không chỉ tăng kỷ lục về số lượng, mà còn được cải tiến theo hướng có thể sử dụng trong thực tế. Theo nhận định của SIPRI, trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Mỹ cùng với một số nước trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ra sức chuyển giao các loại vũ khí hiện đại cho chính quyền Kiev. Theo giới lãnh đạo Nga và một số chuyên gia phân tích phương Tây, trên thực tế, Mỹ và NATO đang ngày càng can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Nga – Ukraine với những động thái chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên lãnh thổ những đồng minh NATO ở châu Âu hướng vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Đáp lại, Nga tuyên bố, sẽ sử dụng tất cả các phương tiện hiện có để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Dự báo trước nguy cơ NATO can thiệp vào Ukraine, chỉ 03 ngày sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, ngày 27/02/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh chuyển lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào trạng thái báo động cao để răn đe đối phương.
Trước đó, ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ra Tuyên bố chung về việc thiết lập Thỏa thuận đối tác an ninh ba bên (AUKUS), theo đó Australia sẽ được Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Trong năm 2022, Mỹ ráo riết xúc tiến triển khai Thỏa thuận AUKUS, động thái này có thể tạo ra nguy cơ xuất hiện cường quốc hạt nhân mới ở châu Á. Trong một diễn biến tích cực, theo báo cáo của SIPRI, 50 nước đã ký và phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc (TPNW), có hiệu lực từ ngày 22/01/2021; Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga được gia hạn thêm 05 năm, tới ngày 05/02/2026; Mỹ khởi động đàm phán với Tehran nhằm khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ngày 03/01/2021, 05 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và là 05 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp ký Tuyên bố chung, cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, khẳng định không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân và không để xảy ra cuộc chiến này.
Tuy nhiên, Chủ tịch SIPRI, cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhận định: “Mặc dù đã có một số thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân dường như cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Chiến tranh lạnh. Rõ ràng, mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đã xấu đi rất nhiều vào thời điểm mà nhân loại phải đối mặt với một loạt thách thức chung và cấp bách mà chỉ có thể giải quyết bằng nỗ lực hợp tác quốc tế chung”.
Các biện pháp giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm nguy cơ hạt nhân tăng cao chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh. Chỉ một sự hiểu lầm, một tính toán sai sẽ khiến nhân loại bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân”. Do đó, Hội nghị đánh giá NPT 2022 tập trung bàn về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Với tư cách là quốc gia ký kết NPT, tại Hội nghị lần này, Nga phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích về vai trò ngày càng tăng của vũ khí hạt nhân trong chính sách của Moscow. Đại diện của Nga khẳng định, chính sách hạt nhân của họ đã được công bố công khai và minh bạch. Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm mục đích phòng thủ, tự vệ, một khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa. Đại diện của Nga nhấn mạnh, Moscow không phải là bên chủ động rút khỏi các hiệp ước quốc tế về hạn chế vũ khí hạt nhân, như ABM hay INF. Từ đó, Nga đề xuất sáng kiến thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc nhằm tăng cường cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc còn đề xuất Tuyên bố chung yêu cầu Mỹ quay trở lại tham gia JCPOA mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi trong năm 2018. Theo quan điểm của Nga, JCPOA là giải pháp chính trị duy nhất để thực hiện Thỏa thuận của Nhóm P5+11 với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran và ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Về vai trò của 05 cường quốc hạt nhân và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đề xuất kiến nghị các cường quốc hạt nhân cần đi đầu trong việc hình thành mặt trận thống nhất của tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong các cuộc thảo luận về các biện pháp giải trừ quân bị. Để hóa giải mâu thuẫn giữa Nhóm G3 hạt nhân (Mỹ, Anh, Pháp) và Nhóm G2 hạt nhân (Nga, Trung Quốc), phía Nga cho rằng xuất phát điểm của những mâu thuẫn và bất đồng trong Nhóm G5 hạt nhân là Mỹ, bởi Washington đã đơn phương rút khỏi nhiều hiệp ước và thỏa thuận hạt nhân, như: ABM, INF, Hiệp ước bầu trời mở và JCPOA.
Tại Hội nghị, 16 nước tham gia Sáng kiến Stockholm không sở hữu vũ khí hạt nhân (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Indonesia,…) tìm kiếm lập trường chung trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với các quốc gia hạt nhân, trước hết là nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng; đồng thời, đề nghị các cường quốc hạt nhân thay đổi học thuyết “tấn công phủ đầu hạt nhân”. Về AUKUS, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, liên minh này có tác động tiêu cực đến cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh quốc tế nói chung, tạo ra nguy cơ hình thành cơ sở hạ tầng quân sự của các quốc gia hạt nhân tại quốc gia phi hạt nhân, làm tăng mức độ bất ổn quốc tế và đi ngược lại mục tiêu cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân.
Đối với vấn đề cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị đánh giá NPT năm nay yêu cầu các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phải báo cáo số lượng, chủng loại và tình trạng của đầu đạn hạt nhân, phương tiện vận chuyển; các biện pháp được thực hiện để giảm vai trò và tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong các khái niệm, học thuyết, chiến lược phát triển quân đội và đảm bảo an ninh, giảm rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân không chủ đích, trái phép và ngẫu nhiên, giảm mức độ sẵn sàng chiến đấu hoặc hạ thấp trạng thái hoạt động của các hệ thống vũ khí hạt nhân, v.v. Để giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân ở châu Âu, đại diện nhiều quốc gia không phải phương Tây nhưng có vai trò quan trọng trên thế giới cho rằng, việc Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các nước đồng minh NATO là vi phạm các quy định của NPT. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các nước thành viên phi hạt nhân ở châu Âu với lập luận rằng hành động đó không trái với NPT.
Hội nghị cũng đánh giá, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đã tồn tại 1/4 thế kỷ nhưng chưa có hiệu lực và đang tạo ra mối đe dọa thực sự đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và phá hoại trụ cột giải trừ quân bị của Hiệp ước NPT mà nguyên nhân chủ yếu là do Mỹ chưa phê chuẩn hiệp ước này. Đại diện nhiều nước cho rằng hành động đó của Mỹ là sai lầm vì CTBT đáp ứng lợi ích của việc giải trừ quân bị và hướng tới một thế giới an toàn hơn. Về biện pháp bãi bỏ vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước TPNW, chủ đề này gây tranh cãi tại Hội nghị đánh giá NPT lần này. Những người ủng hộ TPNW nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hiệp ước này đối với cơ chế không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân và là giải pháp bổ sung cho NPT. Trong khi đó, một số quốc gia hạt nhân phản đối TPNW với lập luận hiệp ước này không thực tế trong bối cảnh hiện nay. Do đó, họ chưa sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Về cơ chế hoạt động của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội nghị đánh giá NPT năm nay tiến hành thảo luận theo hai hướng. Hướng thứ nhất, một số quốc gia đứng đầu là Mỹ vẫn như trước đây khẳng định Nghị định thư bổ sung NPT mở rộng quyền hạn của IAEA trong việc tiếp cận chương trình hạt nhân của các quốc gia là “tiêu chuẩn mới” trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngược lại, theo hướng thứ hai, một số quốc gia phi hạt nhân phản đối đưa Nghị định thư bổ sung vào văn kiện cuối cùng và nhấn mạnh việc tham gia Nghị định thư bổ sung là hoàn toàn tự nguyện và không bắt buộc.
Do nhiều mâu thuẫn và bất đồng, Hội nghị đánh giá NPT năm nay còn nhiều hạn chế, vì kết thúc mà không thể thông qua được Tuyên bố chung. Tuy nhiên, NPT vẫn còn hiệu lực và là nền tảng của cấu trúc an ninh quốc tế. Trong hơn 50 năm qua, NPT đã giúp hạn chế đáng kể nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong bối cảnh này là các quốc gia trong nhóm 05 cường quốc hạt nhân cam kết không để xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
NGUỒN: ĐẠI TÁ LÊ THẾ MẪU