Saturday, 18th January, 2025 21:03

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ NĂM 2024

Ngày 5/11/2024 (giờ địa phương), nước Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bỏ phiếu để bầu chọn vị Tổng thống thứ 47 của nước này. Được xem là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất của năm 2024. Bầu cử Tổng thống Mỹ luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và truyền thông thế giới.

ĐIỀU KIỆN TRANH CỬ TỔNG THỐNG

Theo Hiến pháp Mỹ, người đủ tư cách ứng cử vào vị trí Tổng thống phải là công dân Mỹ khi sinh ra, hoặc nếu sinh ra ở nước ngoài thì ít nhất phải có bố (mẹ) là công dân Mỹ. Độ tuổi của ứng viên ít nhất là 35 tuổi, và cư trú tại Mỹ trong ít nhất 14 năm. Phó Tổng thống cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự.

Người nắm giữ chức Tổng thống Mỹ chỉ được tối đa 2 nhiệm kỳ. Người đã làm Tổng thống 2 nhiệm kỳ sẽ không được làm Phó Tổng thống.

Sau khi cơ bản xác định được ứng viên tiềm năng nhất ở vòng bầu cử sơ bộ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ tổ chức đại hội toàn quốc để chính thức đề cử ứng viên đại diện đảng ra tranh cử vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống. Để nhận được đề cử, mỗi ứng viên cần đạt được đa số phiếu đại biểu. Ví dụ, cựu Tổng thống Donald Trump chính thức được đề cử của đảng Cộng hòa sau khi nhận được 2.387 trong số 2.429 phiếu đại biểu. Đối với đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã nhận được đề cử của đảng sau khi Tổng thống Joe Biden bất ngờ dừng tranh cử hồi cuối tháng 7

AI CÓ THỂ BỎ PHIẾU

Theo Hiến pháp, công dân Mỹ từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, một số người không được phép bỏ phiếu khi bị tuyên phạm trọng tội hoặc đang thi hành án phạt tù hay mắc bệnh tâm thần, tùy theo quy định từng bang.

Tại quận Columbia, bang Maine và bang Vermont, tội phạm không mất quyền bỏ phiếu, ngay cả khi đang bị giam giữ. Tại 23 bang, gồm cả California, New York và Washington, các tội phạm chỉ mất quyền bỏ phiếu trong lúc bị giam giữ và được tự động khôi phục quyền này khi được phóng thích. Tại 15 bang khác trong đó gồm Bắc Carolina, Wisconsin…, tội phạm mất quyền bỏ phiếu khi bị giam giữ và trong một khoảng thời gian sau đó, thường trong thời gian ân xá và/hoặc quản chế. Quyền bỏ phiếu được tự động khôi phục sau khoảng thời gian này. Những người từng bị kết án cũng có thể phải trả đủ mọi khoản tiền phạt, phí hoặc tiền bồi thường còn nợ trước khi quyền bỏ phiếu của họ được khôi phục. Tại 10 bang như Florida, Iowa, Virginia…, tội phạm mất quyền bỏ phiếu vô thời hạn đối với một số tội danh hoặc cần được thống đốc ân xá để khôi phục quyền bỏ phiếu, phải trải qua thời gian chờ đợi thêm sau khi hoàn thành bản án hoặc cần hành động bổ sung trước khi có thể khôi phục quyền bỏ phiếu. Ở Mỹ, bỏ phiếu là quyền không mang tính bắt buộc. Cơ quan chuyên trách bầu cử thống kê, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là 66,8%, cao nhất kể từ đầu thế kỷ 21.

CÁC GIAI ĐOẠN BẦU CỬ

Quá trình bầu cử bao gồm 2 giai đoạn. Thứ nhất, giai đoạn bầu chọn ứng cử viên của các đảng gọi là bầu cử sơ bộ. Thứ hai, giai đoạn chính thức bầu Tổng thống từ trong số các ứng cử viên đại diện cho đảng gọi là tổng tuyển cử.

Bầu cử sơ bộ là quá trình các ứng cử viên cạnh tranh trong nội bộ đảng, để tìm ra đại diện duy nhất của đảng trong cuộc tổng tuyển cử. Giai đoạn vận động tiến cử kéo dài từ tháng 1-6 của năm diễn ra cuộc bầu cử. Ứng cử viên đại diện cho từng đảng được thông báo chính thức trong đại hội toàn quốc của đảng. Người này sau đó chọn ứng cử viên phó tổng thống để cùng liên danh tranh cử.

Tổng tuyển cử là khi ứng cử viên tổng thống tổ chức các cuộc vận động tranh cử trên khắp nước Mỹ. Họ còn tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình để cử tri hiểu rõ hơn về quan điểm và năng lực của từng ứng viên.

Khi đi bỏ phiếu, người Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ – lá phiếu phổ thông – có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri, hay còn gọi là đại cử tri cho bang mình. Các đại cử tri tập hợp lại thành cử tri đoàn của bang. Sau đó, đại cử tri có nhiệm vụ bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống.

Hiến pháp Mỹ quy định mỗi bang được phân bổ tỷ lệ phiếu đại cử tri nhất định trong cử tri đoàn. Số lượng đại cử tri mỗi bang tỉ lệ thuận với dân số và tương ứng với số đại biểu của bang đó tại Quốc hội. Do đó, bang nào càng đông dân thì bang đó càng có nhiều phiếu đại cử tri.

Nước Mỹ có tổng số 538 đại cử tri. Mỗi đại cử tri tương ứng với một phiếu bầu. Một ứng viên cần đạt được đa số phiếu bầu hay nói cách khác là trên 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu để giành chiến thắng, và trở thành Tổng thống.

Sau khi kết quả bầu cử phổ thông được công bố, các đại cử tri sẽ được triệu tập vào tháng 12 để bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Các phiếu này được gửi về Quốc hội, và kiểm trực tiếp trong phiên họp toàn thể vào ngày 6/1 năm sau. Sau đó, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

VỀ THỜI GIAN BẦU CỬ

Không giống như hầu hết các quốc gia tổ chức bầu cử vào Chủ Nhật, luật pháp Mỹ quy định bầu cử Tổng thống diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11.

Ban đầu, ngày bầu cử thay đổi tùy theo tiểu bang, nhưng vào năm 1845, một đạo luật đã được thông qua để ấn định một ngày bầu cử duy nhất cho toàn bộ đất nước. (Lúc đầu, luật này chỉ áp dụng cho các cuộc bầu cử tổng thống, nhưng sau đó được mở rộng sang cả các cuộc bầu cử quốc hội.) Vào thời điểm đó, nước Mỹ vẫn là một xã hội chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đối với những người nông dân, những người chiếm phần lớn lực lượng lao động, đầu tháng 11 là thời điểm tốt để bỏ phiếu vì vụ thu hoạch đã kết thúc nhưng thời tiết vẫn tương đối ôn hòa.

Tuy nhiên, một số ngày trong tuần thì tốt hơn những ngày khác. Hầu hết người Mỹ đều là những người theo đạo Thiên chúa và do đó họ dành riêng Chủ Nhật làm ngày nghỉ ngơi và đi lễ. Thứ Tư ở nhiều khu vực là ngày họp chợ. Ngoài ra, đôi khi phải có một ngày đi lại. Ở các vùng nông thôn, điểm bỏ phiếu gần nhất có thể cách xa vài dặm và trong thời đại chưa có ô tô, việc đi đến đó có thể mất một thời gian. Nếu mọi người không thể sử dụng Chủ Nhật hoặc Thứ Tư làm ngày đi lại, thì điều đó có nghĩa là ngày bầu cử cũng không thể là Thứ Hai hoặc Thứ Năm. Do đó, Thứ Ba được coi là lựa chọn tốt nhất.

Lý do ngày bầu cử được chỉ định là Thứ Ba “sau Thứ Hai đầu tiên” là để tránh rơi vào ngày 1 tháng 11. Ngày đó được coi là bất lợi vì một số người theo đạo Thiên chúa coi đó là Ngày lễ Các Thánh, ngoài ra các thương gia thường chọn ngày đầu tiên của tháng mới để thanh toán sổ sách cho tháng trước.

Năm 2024, Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào Thứ Ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024. Năm 2028, sẽ diễn ra vào Thứ Ba, ngày 7 tháng 11 năm 2028 và năm 2032, Ngày bầu cử sẽ được tổ chức vào Thứ Ba, ngày 2 tháng 11 năm 2032.

KHI NÀO CÓ KẾT QUẢ BẦU CỬ

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử có thể phải mất nhiều ngày để xác định. Ngay cả khi có kết quả sơ bộ, kết quả chính thức vẫn cần nhiều tháng để hoàn thiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, các tiểu bang và toàn bộ kết quả bầu cử thường được “gọi” rất lâu trước khi các lá phiếu cuối cùng được kiểm.

Năm 2020, kết quả chiến thắng đã gọi tên tổng thống Joe Biden bốn ngày sau cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11, sau khi kết quả của Pennsylvania được xác nhận. Tiểu bang này đã mang về cho tổng thống Joe Biden 20 phiếu đại cử tri, giúp ông vượt qua con số 270 cần thiết để giành chiến thắng. Năm 2016, Hillary Clinton đã chấp nhận thua cuộc trước ông Trump vào sáng hôm sau cuộc bầu cử.

Dù kết quả cuộc bầu cử này có thắng lợi thuộc về ai thì nước Mỹ cũng sẽ có những điều đầu tiên. Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng thì nước Mỹ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên, cũng là tổng thống có gốc Á đầu tiên (mẹ của bà Harris là người gốc Ấn Độ). Nếu ông Donald Trump đắc cử thì ông sẽ trở thành vị Tổng thống lớn tuổi nhất nhậm chức (78 tuổi 7 tháng), phá “kỷ lục” của Tổng thống Joe Biden (ông nhậm chức vào tháng 1/2021 khi 78 tuổi 2 tháng).

NGUỒN ST