Tháng trước, “cha đẻ” phần mềm diệt virus John McAfee từng nói nếu bị kết tội ở Mỹ, ông sẽ dành những tháng ngày còn lại trong tù. Ngày 23-6, ông chết nghi do tự tử trong nhà tù Tây Ban Nha, trước lúc bị dẫn độ về Mỹ.
Ông John McAfee, “cha đẻ” của phần mềm diệt virus McAfee, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Blockchain ở Malta hồi tháng 11-2018 – Ảnh: REUTERS
Ngày 23-6, doanh nhân công nghệ Mỹ John McAfee – người tạo ra phần mềm diệt virus McAfee – đã chết trong nhà tù Barcelona của Tây Ban Nha, nghi do tự tử, sau khi tòa án Tây Ban Nha cho phép dẫn độ ông về Mỹ vì cáo buộc trốn thuế.
Thông tin trên được Hãng tin Reuters dẫn lại từ luật sư Javier Villalba của ông John McAfee. Luật sư cho biết ông John McAfee đã chết do treo cổ, khi 9 tháng ngồi tù đã khiến ông tuyệt vọng.
Xuất hiện trước tòa án tháng trước, ông John McAfee (75 tuổi) cho biết với tuổi tác của mình, ông sẽ sống khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình ngay trong nhà tù nếu ông bị kết tội ở Mỹ.
“Tôi hy vọng tòa án Tây Ban Nha sẽ thấy được sự bất công của vấn đề này. Nước Mỹ muốn dùng tôi làm gương” – ông phát biểu.
Ngày 23-6, tòa án Tây Ban Nha cho biết họ đã đồng ý dẫn độ ông John McAfee về Mỹ. Cơ quan tư pháp vùng Catalonia xác nhận một người Mỹ 75 tuổi đang đợi dẫn độ đã được tìm thấy chết trong nhà tù.
Theo AP, các nhân viên an ninh đã cố gắng cứu sống ông John McAfee nhưng bất thành. Tuyên bố của chính quyền vùng Catalonia cho biết “một phái đoàn tư pháp đã tới điều tra nguyên nhân cái chết” và rằng “mọi thứ chỉ ra cái chết do tự tử”.
Ông John McAfee bị bắt tại sân bay quốc tế Barcelona vào ngày 3-10-2020 khi chuẩn bị lên máy bay đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ông đã bị truy tố ở Tennessee (Mỹ) về tội danh trốn thuế.
Ông John McAfee từng làm việc cho Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Công ty Xerox, và Lockheed Martin trước khi tung ra phần mềm diệt virus thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 1987.
Năm 2011, ông bán công ty phần mềm của mình cho Intel và không còn tham gia vào lĩnh vực này. Phần mềm diệt virus này đến nay vẫn mang tên ông và có 500 triệu người dùng khắp thế giới.