Trump đang áp thuế đối với hầu hết toàn bộ hành tinh. Và trong vài ngày nay, một số người thậm chí còn đã nhìn thấy được sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế và công nghiệp Hoa Kỳ. Vậy những đối thủ trực tiếp của Hoa Kỳ nghĩ gì?
Đầu tiên là Trung Quốc. Người Trung Quốc đã chuẩn bị trước cho các cuộc tấn công thuế quan có thể xảy ra từ Trump và phản ứng ngay lập tức theo cách rất chu đáo, thậm chí là chu đáo hơn chính người Mỹ. Họ đã ngay lập tức áp dụng mức thuế tương tự 34% đối với tất cả hàng hóa có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng áp dụng các hạn chế đối với một danh sách rất dài các nguyên tố đất hiếm, người mua phải chứng minh rằng mình không phải là nhà thầu phụ của Hoa Kỳ thì mới được cấp hạn ngạch. Đây là một đòn giáng vào ngành sản xuất công nghệ cao, từ công nghiệp ô tô, hàng không, máy tính… đến thông tin vệ tinh. Khi mà Hoa Kỳ áp thuế đối với các nước châu Phi, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách thuế quan bằng 0 đối với mọi mặt hàng của 33 quốc gia nghèo nhất châu Phi. Phản ứng ngay lập tức từ các nhà lãnh đạo châu Phi là rất tích cực, rõ ràng là họ biết cần kết bạn với ai. Người Trung Quốc có thể mua các sản phẩm tương tự như hàng hóa của Hoa Kỳ ở những nơi khác trên thế giới, và nhiều mặt hàng thậm chí còn rẻ hơn và nhanh hơn. Nhưng với Hoa Kỳ thì họ sẽ rất khó để tìm nguồn thay thế cho hàng hóa Trung Quốc. Bây giờ, với Trung Quốc, Hoa Kỳ có ba lựa chọn:
– Tiếp tục tăng thuế quan, sau đó Trung Quốc sẽ đáp trả tương xứng và dẫn đến sự dừng lại hoàn toàn trong thương mại song phương;
– Giữ nguyên tình hình như hiện tại, sau đó các nước khác cũng sẽ bắt đầu áp dụng thuế quan đáp trả đối với Hoa Kỳ;
– Buộc phải nói rằng “không cần chiến tranh thương mại toàn diện nữa, chúng ta hãy đàm phán”, nghĩa là phải nhượng bộ.
Nói chung là sẽ không có chuyện “Chúng tôi đánh bại các bạn, và các bạn phải chịu đựng mà không dám đáp trả” như Trump kỳ vọng. Sẽ có phản ứng từ mọi phía. Đe dọa toàn bộ hành tinh cùng một lúc không phải là một ý tưởng hay.
Hiện nay, một số người đang nói rất nhiều rằng Trump, qua cuộc chiến thuế quan, sẽ thúc đẩy thành công quá trình tái công nghiệp hóa của Hoa Kỳ. Mọi chuyện không diễn ra như thế. Để công nghiệp hóa và tái công nghiệp hóa, trước hết phải cần rất nhiều chuyên gia công nghệ, nhà quản lý, kỹ sư, công nhân có năng lực… Nhân sự quyết định tất cả. Nước Mỹ đã ngừng đào tạo các chuyên gia cho các ngành công nghiệp từ hơn 30 năm trước. Các nhà máy không thể tự nhiên xuất hiện chỉ bằng một cái búng tay, bất kể Trump in bao nhiêu tiền cho việc này. Công nghiệp hóa bắt đầu bằng cải cách hệ thống giáo dục, bằng sự gia tăng số lượng, chất lượng của các trường khoa học – kỹ thuật. Nghĩa là cần đầu tư, cần công nghệ, cần máy móc, cần nguồn lực, cần chuyên gia. Nhưng Trump đã cho Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ đi thành lập một công ty tổ chức các giải đấu vật. Đầu tiên phải đào tạo kỹ sư, sau đó xây dựng nhà máy, và chỉ sau đó mới áp thuế để các nhà máy đó giành được thị phần chứ không phải ngược lại. Muốn tái công nghiệp hóa, Trump cần làm sao cho hình ảnh của kỹ sư, nhà khoa học trông ngầu hơn và hấp dẫn hơn hình ảnh của những tên cướp trong những tác phẩm thịnh hành của Hollywood. Nếu không, ngay cả khi tràn ngập vàng và “gia sư AI” thì cũng chỉ tạo ra sự xuất hiện của những mafia mà thôi.
Một số người nói rằng mọi thứ đang diễn ra là một kế hoạch khôn ngoan của Trump nhằm quản lý lãi suất và cắt giảm chi tiêu ngân sách. Có thể có kế hoạch như thế, nhưng về cơ bản nó sẽ không hiệu quả. Kinh tế là một vấn đề phức tạp, trong đó mọi hành động đều có hậu quả. Chính sách của Trump, nếu giữ nguyên như vậy, sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hoạt động thương mại, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng và lạm phát ngay trên chính nước Mỹ. Việc “cắt giảm lãi suất để giảm gánh nặng nợ cho ngân sách” lại khiến các nhà đầu tư không cho Hoa Kỳ vay tiền nữa. Hơn nữa, lãi suất hiện tại cũng quá thấp (khoảng 3%) để kích thích đầu tư vào trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Nghĩa là, nếu hạ lãi suất để trả ít tiền lãi hơn, Trump sẽ ngay lập tức gặp vấn đề trong việc tái cấp vốn cho khoản nợ. Nói cách khác, khi bịt một cái lỗ thì lại mở ra một cái lỗ khác ở gần đó.
Rõ ràng là Trump đã đánh giá quá cao tầm quan trọng của mình và sức ảnh hưởng cụ thể của nền kinh tế Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu. Tình hình có thể trở nên tệ hơn đối với Trump, và chắc chắn ông ta sẽ buộc phải nhượng bộ nhiều hơn nữa. Tóm lại, Hoa Kỳ cần một Roosevelt và một Keynes mới, nhưng hiện tại Hoa Kỳ chỉ có Trump và Bessent.
NGUỒN: HHT