Thursday, 17th October, 2024 13:52

“CHỌN CHÍNH NGHĨA, KHÔNG CHỌN BÊN” - CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI NHẤT QUÁN, ĐÚNG ĐẮN CỦA VIỆT NAM

Thời gian vừa qua, khi Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định nhất quán quan điểm: “Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn bên” trong quan hệ quốc tế, thì các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dưới danh nghĩa “người yêu nước, có tâm huyết, trách nhiệm” với vận mệnh quốc gia – dân tộc đã đưa ra những “kiến nghị”, “đề xuất” rằng: trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải dựa vào các nước lớn thì mới phát triển, mới bảo vệ được lợi ích quốc gia – dân tộc. Thực chất đó là những âm mưu xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, nhận diện rõ, đấu tranh làm thất bại mưu đồ chống phá của chúng là vấn đề cấp bách hiện nay.

1. Nhận diện âm mưu xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại của các thế lực thù địch

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại…Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” . Mới đây nhất, Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị khóa XIII, Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục khẳng định: Thực hiện trường phái ngoại giao “cây tre”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược; linh hoạt về sách lược; tích cực, chủ động ngăn ngừa chiến tranh góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”…

Đồng thời, tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế, rất nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định nhất quán quan điểm: Việt Nam chọn chính nghĩa, lẽ phải, không chọn bên, chọn phe trong quan hệ quốc tế. Theo đó, giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam chọn độc lập. Giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng. Giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại. Giữa hoà bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hoà bình. Giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác; còn cạnh tranh phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau.

Mặc dù vậy, với mưu đồ chống phá nước ta tới cùng, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, một số người tự cho là “nhà hoạt động dân chủ”, “các tổ chức xã hội dân sự” dưới danh nghĩa cái gọi là “người yêu nước”, có “tâm huyết”, có “trách nhiệm” với vận mệnh quốc gia – dân tộc đã xuyên tạc, kích động rằng:

Một là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra gay gắt như hiện nay, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam đã “lỗi thời, lạc hậu, là tự cô lập mình”, “làm cản trở sự phát triển của đất nước”, do đó, cần phải thay đổi.

Hai là, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông ngày càng căng thẳng, phức tạp như hiện nay mà Việt Nam lại thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế thì chẳng khác nào “tự trói tay mình”, “tự làm suy yếu mình”, “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”, nếu không thay đổi sẽ không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc.

Từ đó, họ đã đưa ra những “kiến nghị”, “đề xuất” và kêu gọi “Việt Nam cần dựa vào nước này, nước khác để phát triển”; “Việt Nam cần tham gia các liên minh quân sự thì mới giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, mới bảo vệ được lợi ích quốc gia – dân tộc”…
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, quyết liệt như hiện nay, các nước nghèo, các nước chậm phát triển và đang phát triển đang bị lôi kéo, chia rẽ, đứng trước sức ép “chọn bên”, “chọn phe” rất khó khăn, căng thẳng. Cùng với đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết liệt… Những luận điệu trên mặc dù không thể làm chệch hướng đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; không thể phủ nhận bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng hòa bình, vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Nhưng cũng khiến cho một bộ phận trong xã hội hoang mang, dao động, giảm sút niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại, gây khó khăn cho Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Vì vậy, nhận diện đúng và đấu tranh làm thất bại mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch là vấn đề cấp bách hiện nay.

2. Luận cứ khoa học khẳng định quan điểm “chọn chính nghĩa, không chọn bên” là chính sách đối ngoại nhất quán, đúng đắn của Việt Nam

Thứ nhất, trong thực tiễn lịch sử, dân tộc ta luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đem sức ta để giải phóng cho ta và bảo vệ Tổ quốc.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc: “Bên cạnh các cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, ông cha ta luôn chú trọng bang giao hòa hiếu với các quốc gia láng giềng, tạo dựng nên những truyền thống và bản sắc riêng, rất độc đáo của ngoại giao Việt Nam: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa”. Đồng thời, luôn nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc là nguyên tắc bất biến, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quan hệ đối ngoại của mình.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là người đặt nền móng và trực tiếp chỉ đạo, dẫn dắt nền ngoại giao cách mạng ngày càng phát triển. Người đã nhiều lần chỉ rõ vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh nội lực, của mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, của mặt trận ngoại giao, Người chỉ rõ: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” ; “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy” ; “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.

Cùng với luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Người đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn; luôn “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp”, “hóa giải tương khắc, kiến tạo tương đồng”, “thêm bạn, bớt thù”… vì lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, dùng ngoại giao để đẩy lùi chiến tranh, xung đột; tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chính tư tưởng ngoại giao độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đúng đắn, sáng tạo cùng với thực tiễn hoạt động ngoại giao phong phú, sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực của nền ngoại giao cách mạng, góp phần tạo nên những thắng lợi hết sức to lớn, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc Việt Nam.

Điều này đã được thực tiễn chứng minh, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi vận mệnh dân tộc ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chính phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đã huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách ngặt nghèo, lần lượt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành độc lập, thống nhất đất nước.

Hai là, đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là nhất quán, đúng đắn.

Tiếp nối những thắng lợi của mặt trận ngoại giao trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ đổi mới đến nay, chính đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đã trở thành mặt trận tiên phong trong phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ quốc tế, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuyên suốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc cũng như chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng của thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định nhất quán quan điểm: “Chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII), về Chiến lược quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra; tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các vấn đề liên quan của cộng đồng quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, trong lần thứ tư công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019, cùng với việc tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và chủ trương “bốn không”, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” . Đồng thời, “Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia – dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển”. Đặc biệt, “Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia” . Những khẳng định trên cho thấy mong muốn, thiện chí và lập trường trước sau như một của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng là vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, không có xung đột, chiến tranh.

Đến Đại hội XIII (1-2021), lần đầu tiên Đảng ta xác định rõ vị trí, vai trò “tiên phong” của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” . Tiếp tục khẳng định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại… “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” . Đồng thời, nhấn mạnh quyết tâm: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc” .
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 09-01-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TW, Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định: Thực hiện trường phái ngoại giao “cây tre”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược; linh hoạt về sách lược; tích cực, chủ động ngăn ngừa chiến tranh góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ, không để rơi vào thế cô lập, lệ thuộc, đối đầu; xử lý nhuần nhuyễn, hiệu quả quan hệ giữa đối tác, đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh; phát triển cân bằng các quan hệ đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Mới đây nhất, tại Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII, Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi…Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”.

Ba là, thành tựu hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới chứng minh quan điểm của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, sau gần 40 năm đổi mới, đối ngoại đã thực sự là mũi nhọn “tiên phong” trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc), trong đó 3 nước quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện (Cuba, Lào, Campuchia); 7 nước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia); 12 nước quan hệ đối tác chiến lược; 12 nước quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Từ một nước có nền kinh tế chậm phát triển, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được 72 quốc gia công nhận; đã ký kết hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (tổng cộng với 53 nước), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới, góp phần quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đối với lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, đến nay, Việt Nam đã mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với trên 100 quốc gia, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng trực tiếp và kiêm nhiệm tại 41 nước và Liên hợp quốc; ký kết 426 văn bản hợp tác quốc phòng với các đối tác; có 52 quốc gia đặt cơ quan tùy viên quốc phòng, tùy viên quân sự tại Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết 25 văn bản, thỏa thuận hợp tác với 15 đối tác; tổ chức thành công 15 cuộc Đối thoại Chính sách/Chiến lược quốc phòng. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào, Bộ Quốc phòng Campuchia đã phối hợp tổ chức thành công “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất”, qua đó thúc đẩy hơn nữa tin cậy chính trị, quan hệ hợp tác giữa Quân đội ba nước nói chung, giữa lực lượng bảo vệ biên giới ba nước nói riêng; góp phần thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân khu vực biên giới giữa ba nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Về đối ngoại quốc phòng đa phương, Việt Nam đã tích cực tham gia có trách nhiệm và chủ động đóng góp xây dựng, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực tại các cơ chế hợp tác về quốc phòng, an ninh của khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn – Bắc Kinh, Đối thoại Quốc phòng Seoul,… Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, liên tục tất cả các cơ chế hợp tác quân sự, quốc phòng do ASEAN dẫn dắt; tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các diễn đàn an ninh quốc tế và khu vực.

Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa với hình thức, quy mô, lực lượng và địa bàn ngày càng được mở rộng. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử trên 800 lượt cán bộ, nhân viên, trong đó có 97 lượt cá nhân, 2 đội công binh và 5 bệnh viện dã chiến cấp 2 làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đi đầu về số quân nhân nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, với tỷ lệ là 16,6% (tỷ lệ trung bình của các nước là gần 10%) .. Việc tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao, để lại những ấn tượng tốt đẹp, sự trân trọng, quý mến của chính quyền, người dân nước sở tại và bạn bè quốc tế, góp phần lan tỏa rộng rãi hình ảnh cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Rõ ràng, cả lịch sử và hiện tại, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, trong một thế giới luôn biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, trước sức ép chọn bên, chọn phe ngày càng gay gắt, nặng nề như hiện nay. Chính đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính quan điểm nhất quán “chọn chính nghĩa, lẽ phải; không chọn bên, chọn phe”, ngoại giao Việt Nam đã cùng với quốc phòng, an ninh trở thành lực lượng “tiên phong”, “trọng yếu, thường xuyên” kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đây là minh chứng khách quan, thuyết phục nhất khẳng định đường lối, chính sách đối ngoại của chúng ta là đúng đắn, sáng tạo; đồng thời là luận cứ đanh thép để đập tan mọi âm mưu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch./.

NGUỒN: SÁNG MÃI NIỀM TIN