Saturday, 16th November, 2024 13:18

CƠN BÃO "KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH" ĐÃ CÀN QUÉT CHÂU Á NHƯ THẾ NÀO?

Sau 1/4 thế kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, châu Á lại đang đối mặt với những thách thức mới. Đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá năng lượng, lương thực và hàng hóa tăng cao khiến nhiều nước lún sâu vào nợ nần.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang lo ngại về tình trạng nợ đang tăng ở châu Á do lạm phát và các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 27-7, ông Krishna Srinivasan, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF cho biết, nhiều nước tại khu vực đang lún sâu vào nợ nần hoặc đối mặt rủi ro từ khoản nợ chồng chất và đây là điều IMF đang theo dõi sát. Một số cái tên đã được nhắc đến, như Maldives đang vật lộn với tỉ lệ nợ trên GDP ở mức cao (100% GDP) dù con số này đã giảm trong 2 năm qua.

Thê thảm hơn, Sri Lanka hiện không còn khả năng trả nợ nước ngoài và buộc phải đề nghị IMF hỗ trợ để đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948. Ông Srinivasan không nói rõ Sri Lanka cần tiến hành những cải cách gì để hai bên đi đến thỏa thuận. Thay vào đó, theo Reuters, quan chức IMF cho rằng Sri Lanka nên trao đổi tích cực với Trung Quốc, một chủ nợ lớn, về vấn đề tái cơ cấu nợ. Dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế (Mỹ) cho thấy quốc gia Nam Á này đang nợ Trung Quốc khoảng 6,5 tỉ USD. Trong số chủ nợ của Sri Lanka còn có Ấn Độ và Nhật Bản.

Tương tự, trang Nikkei Asia gần đây nhận định châu Á đang đối mặt một số thách thức mới 25 năm sau cuộc khủng hoảng năm 1997, trong đó có tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng vọt do tác động của xung đột Nga – Ukraine. Ngoài nợ do đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang cố gắng giảm tác động của lạm phát đối với người dân nhưng động thái này càng gây thêm sức ép lên nguồn lực tài chính đất nước. Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á và gánh nặng nợ bằng đồng USD sẽ tăng lên ở một số nước.

Nỗi lo về nợ cũng được nêu bật trong báo cáo mới nhất của Công ty Dịch vụ Tài chính Moody’s Analytics (Mỹ), trong đó cho thấy nợ chính phủ ở Đông Nam Á tiếp tục tăng trong năm 2021 dù mức tăng không cao như năm 2020. Theo Moody’s Analytics, trong đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á đã nâng trần nợ và tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo của Moody’s Analytics, nợ hộ gia đình tăng cao cũng là một vấn đề lớn tại Đông Nam Á. Nhiều nước đang đối mặt giá nhà đất tăng chóng mặt và tình trạng đầu cơ tiếp tục đẩy giá lên. Vì thế, không gì lạ khi Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp cho bài toán nợ công và tư gia tăng trong đại dịch Covid-19 tại khu vực.

Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết lạm phát tại Hàn Quốc trong năm nay có thể sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Seoul, giá tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi cũng tăng mạnh, điển hình là giá thịt lợn tăng 20,7%, trong khi thịt bò nhập khẩu có giá cao hơn 27,9%.

Còn tại Thái Lan, lạm phát dự kiến sẽ tăng từ 4,9% lên 5,9% trong năm nay, mức cao nhất trong 24 năm – theo Ngân hàng Thương mại Siam. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit ngày 16/7 cho biết nước này sẽ “đóng băng” giá 46 mặt hàng, bao gồm mì gói, dầu thực vật và đồ hộp, trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, nợ của Thái Lan cũng đã tăng mạnh từ 41% GDP năm 2019 lên 60% GDP vào cuối năm 2021 và dự kiến đạt gần 62% GDP vào tháng 9/2022.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng gần như chững lại trong quý II/2022, qua đó tiếp tục giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn với lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Theo các nhà kinh tế tại công ty tài chính Nomura Holdings, Inc. (Nhật Bản), Trung Quốc đang chịu tác động của “chu kỳ lạm phát hậu Covid”.

Thời gian gần đây, thực phẩm tại Trung Quốc đã trở nên đắt hơn vào tháng 6 do tác động của các lệnh phong tỏa từ dịch COVID-19. Dữ liệu của NBS cho thấy, so với một năm trước, giá rau sạch trong tháng 6 đã tăng 24%, giá trái cây tăng hơn 14%, giá thịt heo tăng 33,3%. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cũng khiến giá tiêu dùng và chi phí di chuyển tăng nhanh gấp nhiều lần so với tháng 5.

Đặc biệt tại Philippines, nợ công đã giảm xuống còn 39,6% GDP vào năm 2019 nhưng con số này đã tăng lên 63,5% GDP vào cuối quý I/2022. Theo tờ Philippine Star, giới chức nước này đã đặt mục tiêu giảm dần tỉ lệ này xuống còn 61,8% năm 2022; 61,3% năm 2023 và 52,5% vào năm 2028.

Mọi việc đang thực sự đáng lo khi vào ngày 8/7, một báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong một thế hệ.

 

NGUỒN: CÁNH CÒ