Sunday, 22nd December, 2024 20:09

Các bệnh viện đang dần quá tải, khiến nhiều tiểu bang phải tính đến áp dụng tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng. Nghĩa là, họ sẽ phải chọn xem ai là người được cứu, ai không.

Hệ thống y tế nước Mỹ đang lại một lần nữa phải chịu sức ép kinh hoàng từ Covid-19, với hơn 100.000 ca nhập viện trên cả nước. Nhiều tiểu bang vì thế đã buộc phải ban hành “tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng” – bản kế hoạch được xem là giải pháp cuối cùng được áp dụng trong thảm họa mà tại đó, các bác sĩ sẽ phải chọn ai là người được cứu chữa.

Động thái này là dấu hiệu đáng báo động, cho thấy Delta đang hành hạ nước Mỹ đến mức nào dù chủ yếu gây bệnh nặng ở nhóm chưa tiêm chủng, và đang làm hệ thống y tế kiệt quệ ra sao.

Những tuần gần đây, ít nhất 10 tiểu bang đã đạt đến số ca nhập viện vì Covid-19 cao nhất kể từ đầu đại dịch. Tính trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi ngày có 160.000 ca nhiễm mới.

Cứu ai, bỏ ai: Nước Mỹ đang đối diện cơn khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay - Ảnh 1.

Nhiều bệnh viện sắp “đến cực hạn”

“Tình thế đang rất nguy hiểm, xét trên mức độ lây nhiễm,” – trích lời Bác sĩ Bruce Siegel, giám đốc tổ chức America’s Essential Hospitals đại diện cho hàng trăm bệnh viện công tại Mỹ.

“Chúng ta đang trên bờ vực tiến vào áp dụng tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng. Tôi mong rằng sẽ không phải làm đến mức đó, nhưng thực sự nó rất dễ xảy ra,” – Siegel nhận xét. Đó được cho là giải pháp cuối cùng để cân bằng và tối ưu khả năng chăm sóc y tế khi nguồn lực đạt tới giới hạn.

Dù có văn bản hướng dẫn cấp toàn quốc về tiêu chuẩn khủng hoảng, kế hoạch được áp dụng sẽ khác biệt tùy vào tiểu bang, khu vực, hay thậm chí là từng cơ sở. Áp dụng tiêu chuẩn thảm họa không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng sẽ bị từ chối, mà để giúp bệnh viện linh hoạt hơn trong việc ưu tiên các bệnh nhân, và tạo điều kiện pháp lý cho bác sĩ thực hiện điều đó.

Cứu ai, bỏ ai: Nước Mỹ đang đối diện cơn khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay - Ảnh 2.

Ví dụ, một số bệnh nhân tiên lượng xấu khó có khả năng sống sót sẽ không được ưu tiên sử dụng thiết bị chăm sóc tích cực (ICU). Y tá sẽ được yêu cầu điều trị cho nhiều bệnh nhân hơn mức bình thường. Bệnh nhân cũng sẽ phải xuất viện sớm hơn tiêu chuẩn vốn có, và một số người sẽ bị từ chối nhập viện nếu cảm thấy mức độ chưa đủ nghiêm trọng.

Bang Arizona đã từng phải áp dụng tiêu chuẩn này trước kia. Mùa đông năm 2020, một số tiểu bang cũng suýt chút nữa phải công bố nó. Điểm chung là kế hoạch này sẽ có một hệ thống chấm điểm khả năng sống sót của bệnh nhân, dựa trên chức năng não, tim, thận và các nội quan khác.

Nhưng ngay cả khi tránh được tình thế xấu nhất, các bác sĩ tại những vùng ảnh hưởng nghiêm trọng cho biết áp lực đối với quá trình chăm sóc bệnh nhân là không thể tránh khỏi, gợi nhớ đến thời điểm mùa đông năm 2020. Đó là thời khắc đau đớn nhất của nước Mỹ, với hơn 120.000 ca nhập viện trên toàn quốc.

Mọi chuyện đang tệ hơn bao giờ hết

Y tá quá tải. Bệnh nhân ICU phải nằm tạm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ làm mọi cách, lục lọi tận dụng từng chiếc giường cho bệnh nhân. Đó là cảnh tượng mà Kenneth Krell – bác sĩ khoa chăm sóc tích cực đã không hề mong chờ phải đối mặt ở nửa sau năm 2021, khi nước Mỹ đã có những loại vaccine Covid-19 đủ hiệu quả.

Cứu ai, bỏ ai: Nước Mỹ đang đối diện cơn khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay - Ảnh 3.

“Mọi chuyện tệ chưa từng thấy, không có dấu hiệu kết thúc,” – Krell chán nản. “Không có cách nào áp dụng tiêu chuẩn chăm sóc thông thường cả.”

Nếu tiêu chuẩn chăm sóc khủng hoảng được kích hoạt, các bác sĩ sẽ bắt đầu đưa ra lựa chọn về việc ai được ưu tiên cứu chữa dựa trên “tỉ lệ sống sót”, nhằm “cứu được nhiều sinh mạng nhất có thể” – theo lời Krell. Điều này thậm chí sẽ áp dụng cho cả những bệnh nhân bình thường không mắc Covid-19 nữa.

“Tình hình rất tệ. Chúng ta có thể tạo ra hoảng loạn cho dân chúng toàn bang.”

Những làn sóng dịch bệnh trước kia đã dạy cho họ hiểu rằng lực lượng y tế – chứ không phải máy thở hay không gian chữa bệnh – mới là nguồn lực nhạy cảm nhất. Trên thực tế, nhiều bệnh viện hiện nay có số nhân viên còn ít mùa đông năm 2020 – bao gồm cả y tá, chuyên gia hô hấp và bác sĩ.

“Cơn khủng hoảng nhân viên y tế đang ở mức tồi tệ nhất,” – Siegel cho biết. “Hệ thống y tế bị khuyết thiếu hàng trăm vị trí không ai đảm nhận, dù có được trả lương hậu hĩnh đến mức nào.”

Hơn nữa ở một số bệnh viện, họ chẳng hề được nghỉ ngơi kể từ dịch bệnh mùa đông năm ngoái do có quá nhiều bệnh nhân đến cứu chữa chậm trễ.

“Ở đâu cũng thiếu hụt nhân lực. Bệnh nhân giờ phải chờ đợi cấp cứu lâu hơn nữa,” – Bác sĩ Aruna Arora từ Hiệp hội Y khoa Bang Alabama cho biết.

Chỉ còn biết hy vọng

Cũng có một số bệnh viện dường như đã chuẩn bị tốt hơn, vì họ đã có kinh nghiệm sau mùa đông năm ngoái.

Bác sĩ Jason Mitchell từ hệ thống y tế lớn nhất bang New Mexico cho biết ông khá lạc quan về tình hình các bệnh viện ở đây. Họ dường như sẽ không cần ban hành tiêu chuẩn khủng hoảng, vì đã có nhiều kinh nghiệm qua các làn sóng dịch trước kia.

Cứu ai, bỏ ai: Nước Mỹ đang đối diện cơn khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay - Ảnh 4.

“Mọi người làm việc chăm chỉ hơn, để duy trì hệ thống chăm sóc tiêu chuẩn bình thường.”

Một vài tiểu bang khác cũng đã gặp may. Tại Washington – một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dường như đã đạt đỉnh về số ca nhiễm và nhập viện – nghĩa là sau đó sẽ giảm dần. Nhưng ở một số khu vực khác, số ca nhập viện dự tính sẽ tiếp tục gia tăng, có thể lên tới 116.000 người vào giữa tháng 9. Trong đó, các bang như Tennessee, Kentucky, Indiana, Hawaii, Georgia, Delaware và Wisconsin là chịu áp lực lớn nhất.

Theo Ali Mokdad từ ĐH Washington, việc số ca nhiễm tăng lên là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng, trong khi Delta đang ngày càng chiếm ưu thế lớn hơn.

“Chúng ta đã chuẩn bị cho mùa đông tới. Nhưng Covid đã đánh sớm hơn.”

Nguồn: NPR

Theo J.D