Sunday, 22nd December, 2024 0:48

ĐẰNG SAU CÁC "KIẾN NGHỊ" VỀ "DÂN SỰ HÓA HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ"

Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thậm chí có cả diễn đàn chính thức, rộ lên các “kiến nghị” về “dân sự hóa hoạt động quân sự” hoặc “dân sự hóa quân đội”. Những “kiến nghị” này gây ra các cuộc tranh luận nhiều chiều trong khi nội hàm của khái niệm “dân sự hóa hoạt động quân sự” chưa được hiểu đầy đủ, thậm chí sai lệch đến mức báo động.

Đáng lưu ý là hiện tượng này nổi lên cùng với các “kiến nghị” về “phi chính trị hóa quân đội” đang cảnh báo về âm mưu thâm độc kết hợp quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức lệch lạc về vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của Quân đội với chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động và cơ hội chính trị. Để đấu tranh có hiệu quả và phòng, chống các nguy cơ đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là phải nhận diện đúng, phân tích làm rõ nội hàm và mục đích của những “kiến nghị” này.

“Kiến nghị” thứ nhất: Đảng và Nhà nước ta nên “dân sự hóa hoạt động quân sự” để vừa hạn chế được nguồn lực đầu tư cho quốc phòng, vừa huy động được sức dân để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quân đội.

“Kiến nghị” xuất phát trước hết từ nhận thức không đúng về sự khác nhau căn bản của hoạt động quân sự với hoạt động dân sự. Đặc trưng cơ bản của hoạt động quân sự của quân đội bất kỳ quốc gia nào trên thế giới là tính tổ chức rất cao, kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn”, cường độ lao động trong môi trường đặc biệt, người lính sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào. Hoạt động quân sự còn có yêu cầu khắt khe, tất yếu về công tác bảo mật. Đặc trưng này được thể hiện bằng Điều lệnh Quân đội quy định những quy tắc cực kỳ nghiêm ngặt đối với các quân nhân trong sinh hoạt, trong huấn luyện quân sự thời bình và trong chiến đấu.

Nhà nước là chủ thể độc quyền hoạt động chỉ đạo và quản lý quá trình xây dựng chính sách quân sự và sử dụng lực lượng vũ trang. Do đó, một khi nhà nước đánh mất quyền kiểm soát hoạt động quân sự nói chung và quân đội nói riêng cũng đồng nghĩa với việc đánh mất chế độ, thậm chí đánh mất chủ quyền quốc gia trước các cuộc chiến tranh xâm lược. Thí dụ điển hình về hậu quả của việc nhà nước đánh mất quyền kiểm soát hoạt động quân sự là Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô viết đánh mất quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang là một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn tới tan rã Liên bang Xô viết vào năm 1991. Hay là gần đây, chính phủ các nước Bắc Phi Trung Đông đánh mất quyền kiểm soát quân đội đã sụp đổ nhanh chóng trước sức ép của các cuộc bạo loạn chính trị mang tên “Mùa xuân Arab”.

Ngoài những đặc tính chung của hoạt động quân sự, Quân đội nhân dân Việt Nam có thêm đặc điểm rất cơ bản là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đánh bại hai kẻ thù xâm lược mạnh nhất thế giới tư bản là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Như vậy, hoàn toàn không thể đồng nhất quân đội với các tổ chức dân sự khác, nghĩa là không thể “dân sự hóa hoạt động quân sự”.

“Kiến nghị” về “dân sự hóa hoạt động quân sự” là một trong những biểu hiện sự suy thoái nhận thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, dù vô tình hay hữu ý đều là hành động tiếp tay cho các thế lực phản động và cơ hội chính trị thực hiện âm mưu hết sức thâm độc là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, biến Quân đội ta thành một tổ chức lỏng lẻo, không thống nhất, rút cuộc làm suy yếu sức chiến đấu của Quân đội nói riêng và tiềm lực quốc phòng của Việt Nam nói chung. Do đó, mỗi người phải có nhận thức đúng, tránh mơ hồ, mất cảnh giác và phải kiên quyết đấu tranh với các kiểu “kiến nghị” này.

“Kiến nghị” thứ hai: Do Chiến tranh lạnh đã kết thúc và xu hướng chống chạy đua vũ trang trên thế giới, Nhà nước ta cần giảm bớt quân số và cắt giảm ngân sách hằng năm cho công cuộc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để tập trung ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế.

“Kiến nghị” này trước hết xuất phát từ sự thiếu thông tin, thậm chí nhận thức lệch lạc và chủ quan về những diễn biến cực kỳ phức tạp của tình hình thế giới sau Chiến tranh lạnh. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ rằng Chiến tranh lạnh kết thúc không có nghĩa là hoàn toàn kết thúc cuộc đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới là hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa, cũng có nghĩa là chưa kết thúc cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai con đường phát triển. Việt Nam vẫn là một trong những mục tiêu chống phá của các thế lực phản động quốc tế. Ngoài ra, sau Chiến tranh lạnh, nổi lên sự cạnh tranh địa-chính trị vô cùng gay gắt, trong đó có tranh chấp biên giới và chủ quyền lãnh thổ, nhất là vấn đề biển, đảo vẫn là những điểm nóng, là tâm điểm cạnh tranh địa-chính trị gay gắt, phức tạp, lôi kéo sự tham gia của tất cả cường quốc trên thế giới.

Vì thế, trái với mong muốn cũng như dự báo cho rằng, sau Chiến tranh lạnh thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên hòa bình, thế giới lại chứng kiến hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược do Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phát động xuất phát từ tham vọng giành quyền kiểm soát các khu vực địa chính trị quan trọng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, thế giới chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt chưa từng có sau Chiến tranh lạnh. Trong đó, ngân sách quân sự của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong lịch sử, hơn 800 tỷ USD. Trung Quốc duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng trong 9 năm liên tiếp kể từ năm 2016. Từ năm 2017 đến nay, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dao động trong khoảng 6%-8% GDP, đạt gần 232 tỷ USD. NATO không chỉ mở rộng từ 15 quốc gia thành viên thời Chiến tranh lạnh lên 32 thành viên năm 2024 mà còn chủ trương mở rộng sang châu Á trên cơ sở các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia. Còn Triều Tiên buộc phải đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa quân đội bằng cả vũ khí hạt nhân.

Do đó, “kiến nghị” Nhà nước ta cần giảm bớt quân số và ngân sách quốc phòng để tập trung đầu tư phát triển kinh tế vừa đi ngược lại xu thế chung trên thế giới, vừa đi ngược lại yêu cầu củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng của nước ta, đi ngược lại yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. “Kiến nghị” này còn gây hoang mang trong dư luận về chủ trương của Đảng ta tiếp tục xác định xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Rút cuộc, “kiến nghị” này vô tình hay hữu ý đều tiếp tay cho các thế lực phản động và cơ hội chính trị làm suy yếu sức mạnh của Quân đội-lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trong điều kiện mới.

“Kiến nghị” thứ 3: So bì mức lương của sĩ quan Quân đội và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quân sự với mức lương của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung.

“Kiến nghị” này trước hết xuất phát từ nhận thức lệch lạc về tính chất đặc thù của hoạt động quân sự là loại hình lao động đặc biệt khó khăn và phức tạp, đòi hỏi cường độ rất cao về trí lực, công lực và tâm lực, đồng thời sẵn sàng hy sinh trong mọi tình huống để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhìn ra thế giới, mức lương của sĩ quan quân đội các nước trên thế giới đều cao hơn rất nhiều so với lương của các công chức trong bộ máy nhà nước. Việc mức lương của sĩ quan Quân đội ta cao hơn mức lương của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị là điều tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Về “kiến nghị” này, một số đại biểu Quốc hội đã phân tích rõ tính chất đặc thù của hoạt động quân sự của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội và cho rằng lương của sĩ quan Quân đội chỉ là nguồn thu nhập duy nhất và vẫn còn thấp hơn so với lương sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, chỉ đủ bảo đảm mức sống trung bình ở Việt Nam. Thí dụ, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu dẫn chứng tiền lương của thành viên kíp xe tăng công việc vô cùng vất vả, cũng chưa bằng một nửa thu nhập của lái xe Grab trong một tháng và ông đề nghị cải tiến chế độ tiền lương cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Những “kiến nghị” đòi “dân sự hóa hoạt động quân sự” là một trong những biểu hiện suy thoái nhận thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, suy giảm sức mạnh của Quân đội, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa quân đội”, chống phá sự nghiệp cách mạng. Đấu tranh với những tư tưởng đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, mọi tổ chức phải có nhận thức và hành động đúng, tin tưởng và ủng hộ chủ trương của Đảng trong định hướng xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lộ trình hiện đại hóa Quân đội nói riêng, nhận diện đúng bản chất và mục đích của các “kiến nghị”, vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các diễn đàn dân chủ, phương tiện truyền thông để đưa ra các “kiến nghị” lệch lạc, có hại với sự nghiệp chung./.

NGUỒN: LÊ THẾ MẪU